Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hệ lụy của những giờ thao giảng “biểu diễn”

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề dạy thao giảng như thế nào là chuyện không mới trong ngành giáo dục, song đến nay vẫn còn là vấn đề thời sự trong việc nâng cao chất lượng giờ dạy của người thầy trên lớp và giúp học sinh tiếp cận một cách đầy đủ về kiến thức đã học. Thật lòng mà nói, nhiều thầy cô từng có những thời điểm hụt hẫng khi tham dự những giờ thao giảng. Có những giờ thao giảng đúng nghĩa giúp rất nhiều trong việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho bản thân thầy cô, nhưng bên cạnh đó, có những giờ thao giảng mà sau khi tham dự đã để lại cảm giác không vui như đi xem “biểu diễn” không còn mang tính trung thực với mục đích để đồng nghiệp học tập lẫn nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trong nhà trường phổ thông, mỗi khi có chuyên đề giáo dục được triển khai, các trường đều phổ biến đến các tổ chuyên môn, để giáo viên dạy thao giảng, rút kinh nghiệm cho công việc giảng dạy của mình. Một số trường tổ chức nghiêm túc các chuyên đề này, được giáo viên vận dụng và cụ thể hóa trong giờ lên lớp của mình, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Nhưng bên cạnh đó một số tiết thao giảng chuyên đề ấy, được giáo viên tổ chức như một màn trình diễn theo kịch bản dạng đối phó. Có nơi, trước khi tiến hành một tiết thao giảng, giáo viên đã nhận trước thông tin lãnh đạo cấp trên về dự là ai, có quen thân với mình không rồi tìm cách tiếp cận để nhận được sự “quan tâm”. Chưa hết, nhiều trường sàng lọc không cho những học sinh yếu, học sinh cá biệt vào lớp, chỉ để lại những học sinh khá và giỏi, gợi ý cho học sinh những câu hỏi có câu trả lời được ướm sẵn trước. Những giờ học như thế lúc nào cũng đạt yêu cầu.

Những giờ thao giảng như thế gây cảm giác nhàm chán cho người dự. Về phía học sinh mất hẳn sự hứng thú, không được phát huy trí lực thực tế của mình. Bên cạnh đó đã tạo nên sự gian dối không trung thực trong học tập và tệ hại hơn còn kèm theo hệ lụy là sự tôn kính mà học sinh dành cho thầy cô mình bị giảm sút. Đây không chỉ hệ lụy nhất thời mà còn theo cùng học trò bước vào đời với sự dối gian và đối phó.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng) 

Bình luận (0)