Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hệ miễn dịch: Cơ chế kỳ diệu của cơ thể – đội quân thầm lặng giúp chúng ta sống sót

Tạp Chí Giáo Dục

Có những thứ luôn ngày đêm phục vụ và bảo vệ chúng ta nhưng lại thường ít được để ý tới, một trong số đó là hệ miễn dịch trong cơ thể mỗi người. Mãi cho tới thời gian đại dịch này, khi người ta nói nhiều với nhau về việc tăng cường sức đề kháng, về việc ăn uống đủ chất, sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe vượt qua dịch bệnh Covid-19, thì hệ miễn dịch mới được nhắc nhớ nhiều hơn.
Bạn bị cảm, vài ngày sau cơ thể lại khỏe và bạn lại tiếp tục sống bình thường. Bị ho dù là dài ngày hay chỉ vài cơn ho ập tới rồi thôi, đi mưa về hơi sụt xịt một chút ngủ sáng dậy lại hết,…. tất cả đều có bàn tay của hệ miễn dịch. Đây chỉ là một vài trong số muôn vàn thí dụ về vai trò của hệ miễn dịch trong việc bảo vệ con người chống lại bệnh tật và những tác nhân lây bệnh khác. Tuy nhiên, mãi tới khi đại dịch Covid-19 bùng lên dữ dội, người ta mới lại nhắc nhiều tới hệ thống này, về sức mạnh kỳ diệu của nó, và về cả những lỗ hổng đáng sợ của chính hệ thống này.
Có bao giờ các bạn nhìn vào số ca mắc hay số người mất vì Covid-19 trên cả thế giới cứ ngày một tăng và hoài nghi rằng liệu hệ miễn dịch có thực sự hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật hay không?
Xin thưa rằng câu trả lời là Có!
Bác sĩ Ellen Foxman tại Đại học Y Yale, Mỹ giải thích: "Hệ miễn dịch của con người luôn tấn công vào các loại tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn, không cho chúng bám vào cơ thể để giúp chúng ta không bị bệnh. Tuy nhiên, virus Covid-19 quá mới, chưa cơ thể chưa từng được tiếp xúc qua, do đó hệ miễn dịch cũng chưa "được học" và hệ quả là, rất hiếm hoặc nếu không muốn nói là không hề có ai không mắc Covid-19".
Để hiểu rõ hơn về cách hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh như virus corona, chúng ta cần hiểu sơ về những lớp phòng vệ của cơ thể khi có xâm nhập. Trên thực tế, bọn virus muốn lây bệnh cho con người phải vượt qua một loạt những rào chắn khác nhau.
Hệ miễn dịch của con người luôn tấn công vào các loại tác nhân xâm nhập.
Hệ miễn dịch của con người luôn tấn công vào các loại tác nhân xâm nhập.
Lớp đầu tiên, nghe có vẻ hơi thừa, nhưng đó chính làn da của con người. Đây được ví như một vỏ bọc khổng lồ ngăn vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
Một lớp phòng vệ vật lý khác, tinh vi hơn cũng tồn tại trong rải rác các bộ phận trong cơ thể. Thí dụ như trong mũi và cổ họng được phủ một lớp màng nhầy có nhiệm vụ "bắt" các loại vi trùng, vi khuẩn hay virus, "nhốt" chúng vào trong lớp màng nhầy bám dính và sau đó sẽ được quét bởi lớp lông mao.
Tương tự như vậy, đôi mắt của con người cùng thường xuyên được vệ sinh bằng "nước mắt", trong đó có chứa một loại enzyme tên là Isozyme với khả năng tấn công các loại vi khuẩn và từ đó giúp bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng. Hay nước bọt cũng là một lớp bảo vệ, giúp rửa sạch virus và vi khuẩn gây bệnh khỏi răng hoặc các bộ phận mềm khác của miệng như nướu, mặt trong của má, vòm họng,…
Nước bọt ngoài ra còn có tác dụng gom bọn khuẩn đã xâm nhập lại, cho phép chúng ta nuốt xuống dạ dày và acid trong đó phân hủy.
Các dạng cơ chế này đều hoạt động liên tục trong suốt đời người nhằm loại bỏ hầu hết các loại vi trùng. Tuy nhiên, vẫn có một số loại vi trùng vượt qua được các hàng phòng vệ này, lây nhiễm vào một số tế bào và bắt đầu tìm cách bám rễ vào các bộ phận trong cơ thể. Lúc này là tới công chuyện rồi, các kịch bản phòng vệ khác nghiêm trọng hơn bắt đầu được kích hoạt.
Trong máu luôn có tế bào bạch cầu giám sát toàn bộ cơ thể.
Trong máu luôn có tế bào bạch cầu giám sát toàn bộ cơ thể.
Trong máu luôn có hàng triệu các tế bào bạch cầu gọi là leukocytes sẽ liên tục giám sát toàn bộ cơ thể, tìm kiếm những thứ mà chúng cho là có vẻ không ổn. Một khi gặp virus, các trinh sát này sẽ lao vào hành động. Trong đội quân bạch cầu sẽ có 2 loại tế bào gọi là tế bào T: tế bào T hỗ trợ – có nhiệm vụ lên kế hoạch, và tế bào T sát thủ – nhiệm vụ đúng như tên gọi của nó là tiêu diệt kẻ thù. Khi phát hiện thấy virus, tế bào T sát thủ sẽ đưa một loại protein vào tế bào virus nhằm tiêu diệt chúng.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Các tế bào T sẽ gọi thêm quân tới là tế bào B để tạo ra Kháng thể. Tế bào B sẽ tạo ra những protein kháng thể gắn vào trong virus (thí dụ như Corona), nôm na là một chìa khóa đang tra vào ổ khóa, khóa virus lại, đồng thời gởi tín hiệu gọi tế bào T tới để tiêu diệt virus. Điểm đặc biệt ở đây là các tế bào B có khả năng ghi nhớ virus. Thông qua cơ chế này, nếu bọn virus này xâm nhập vào cơ thể thêm một lần nữa, các tế bào B sẽ nhận diện ngay lập tức và tự sản xuất kháng thể cần thiết để tiêu diệt virus. Khi kháng thể liên kết với virus (kháng nguyên), tất cả các tế bào khác trong hệ thống miễn dịch sẽ chạy tới và tiêu diệt virus.
Câu chuyện xuất hiện ở đây là mức độ phản ứng của hệ thống miễn dịch. Kịch bản đẹp nhất là hệ thống miễn dịch được kích hoạt một cách vừa đủ để phản ứng tiêu diệt các tế bào virus mà không phá hủy luôn phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên cũng có tình huống xấu hơn, hệ miễn dịch phản ứng thái quá khiến cho cơ thể bị phá hủy theo.
Điểm chung của các tế bào chống lại bệnh tật này là chúng được sinh ra từ hạch bạch huyết
Điểm chung của các tế bào chống lại bệnh tật này là chúng được sinh ra từ hạch bạch huyết.
Tiến sĩ James Fernandez, chuyên gia miễn dịch tại Trung tâm nghiên cứu y học Cleverland, Ohio cho biết: "Một số người nhiễm Covid-19 với bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn bình thường có thể gặp phải cái gọi là "cơn bão cytolkine". Trong tình huống này, cơ thể sản xuất quá mức các protein gọi là nhóm cytokine, trong đó có một loại là interleukin-6 (IL-6). Loại protein này sẽ giải phóng một loại tế bào bạch cầu mang tên Đại thực bào". Các Đại thực bào này tất nhiên cũng có chức năng chống nhiễm trùng, tuy nhiên, chúng có "tác dụng phụ" là gây viêm và cuối cùng là phá hủy các tế bào bình thường ở các cơ quan khác, bao gồm cả phổi khỏe mạnh. Và điều này phần nào giải thích được lý do tại sao một số người trẻ, người lớn khỏe mạnh lại mắc Covid-19 nặng hoặc thậm chí là tử vong.
Một trong những điểm chung của các tế bào chống lại bệnh tật này là chúng được sinh ra từ hạch bạch huyết. Đây là một mạng lưới rộng lớn các mạch trải dài khắp cơ thể con người, liên tục thu thập chất lỏng dư thừa từ các mô và đưa chúng trở lại máu của bạn. Hầu hết các tế bào này được phát triển từ các tế bào gốc trong tủy xương (chất xốp trong xương của con người). Sau khi sinh ra và trưởng thành, chúng sẽ di chuyển ra ngoài và cư trú hoặc tuần tra liên tục trong dòng máu của con người, tìm kiếm bọn virus xâm lược vào.
Đồng thời, các tế bào bạch cầu này cũng thiết lập các đồn trú ở những vị trí chiến lược trên cơ thể, thí dụ như tại amidan (Để bảo vệ cổ họng và phổi của con người) hoặc các dải gọi là Peyer trong ruột non (để theo dõi hệ thống tiêu hóa). Một số bạch cầu còn di chuyển liên tục tuần tra tại hàng trăm các hạch bạch huyết trên khắp cơ thể, nằm chờ bọn vi trùng xâm nhập. Đây là lý do mà các bạn sẽ thấy các hạch bạch huyết, ở cổ chẳng hạn, sẽ bị sưng lên khi đang cảm lạnh hoặc cúm, giờ thì bạn đã hiểu đó là do quân lính của cơ thể đang tập trung lại chiến đấu với kẻ thù thôi.
Hệ miễn dịch là đường ruột.
Hệ miễn dịch là đường ruột.
Một vị trí khác mà các bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của các chiến binh hệ miễn dịch là đường ruột. Trong đường ruột sẽ có những màng nhầy mỏng, dính bao quanh được tạo thành từ các tế bào miễn dịch, các tế bào immunoglobulin (kháng thể diệt vi trùng) và vi khuẩn đường ruột. Theo bác sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Y khoa Cleveland, "đây chính alf lý do tại sao khi đường ruột khỏe mạnh thì khả năng chống nhiễm trùng cũng nhanh và hiệu quả hơn. Ngược lại, hệ thống miễn dịch sẽ yếu đi và dễ mắc bệnh hơn".
Theo ý kiến của các bác sĩ, một trong những cách dễ dàng để phát triển đường ruột khỏe mạnh là chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo tốt có trông cá giàu chất béo, các loại hạt và dầu ô liu.
 Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể
 Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể.
Một điểm thú vị trong hoạt động của hệ miễn dịch chính là chúng ta được sinh ra với nó. Đồng thời nó hoạt động hiệu quả với một cơ chế miễn dịch thứ 2 gọi là miễn dịch thích ứng hoặc miễn dịch chủ động. Loại miễn dịch này được hình thành trong quá trình chúng ta sống, cơ thể tự "học được" khi chúng ta tiếp xúc với một căn bệnh. Và đây chính là cơ chế của vaccine.
Trong vaccine có chứa một phần của virus gây bệnh. Thí dụ như vaccine sởi có một phần của virus sởi,… Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể, tương tự như cách cơ thể các bạn đã tiếp xúc thật với căn bệnh này. Kết quả là khi đó, cơ thể sẽ hình thành sẵn cơ chế miễn dịch với loại virus đó, cuối cùng là không mắc bệnh do virus gây ra.
Việc sử dụng virus để chống lại chính căn bệnh do chúng gây ra đã được sử dụng từ lâu.
Việc sử dụng virus để chống lại chính căn bệnh do chúng gây ra đã được sử dụng từ lâu.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng virus để chống lại chính căn bệnh do chúng gây ra đã bắt đầu được dùng tại Trung Quốc từ hàng trăm năm trước. Khi đó người ta đã lấy các vảy đậu mùa nghiền thành bột rồi chà xát thành các vết xước trên da, như một cách để đưa bọn virus "yếu" vào dạy cho hệ miễn dịch của người lành. Tới năm 1798, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã phát triển loại vaccine đậu mùa đầu tiên, cũng dựa trên cơ chế này, cuối cùng đã góp phần xóa sổ được căn bệnh này vào năm 1980. Hiện trung bình người dân mỗi nước được khuyến nghị chích khoảng 18 loại vaccine, từ thủy đậu để bại liệt, viêm gan B tới cúm,…
Tuy nhiên, dù vaccine có thể giúp giảm đáng kể khả năng mắc bệnh nhưng không phải là tuyệt đối. Điển hình như vaccine sởi chỉ có hiệu quả 97%, nghĩa là cứ 100 người tiêm thì sẽ có 3 người không tự hình thành được kháng thể. Và đó cũng là lý do người ta ra đời khái niệm "miễn dịch cộng đồng". Về cơ bản, một khi đạt đủ số người trong một cộng đồng được tiêm ngừa và hình thành được khả năng tự bảo vệ, con virus sẽ không còn đủ chỗ trú ngụ nữa. Trên quy mô vĩ mô, dịch bệnh sẽ được dập tắt và ngay cả những ai chưa hình thành kháng thể thì khả năng bị bệnh cũng giảm xuống do không còn nguồn lây nữa. Đó chính là miễn dịch cộng đồng.

 Trong nhiều trường hợp, một khi bạn đã mắc bệnh, bạn sẽ không mắc lại đúng căn bệnh gây ra bởi đúng con virus đó.
Chuyện cuối cùng là bị rồi thì có bị lại hay không. Trong nhiều trường hợp, một khi bạn đã mắc bệnh, bạn sẽ không mắc lại đúng căn bệnh gây ra bởi đúng con virus đó. Thí dụ như trước đây đã được tiêm vaccine thủy đậu thì sẽ có cơ chễ miễn dịch với thủy đậu.
Và cuối cùng, bên cạnh vaccine thì còn nhiều công cụ hiệu quả khác mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ và tăng cường hệ thống miễn dịch. Không quá khó hiểu, chìa khóa ở đây chính là lựa chọn về lối sống. Các nhà khoa học đã nhiều lần chỉ ra rằng ngủ đủ giấc, ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục và tương tác với người xung quanh đều góp phần tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch. Và đây có lẽ là những cách đơn giản nhưng hữu hiệu nhất để tăng cường hệ miễn dịch, hệ thống sống còn để giúp bạn có thể vượt qua đại dịch lần này.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)