Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hè này, bạn làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là câu hỏi thường đặt ra cho chúng ta, những thầy cô giáo và các em học sinh trong mỗi nhà trường. Vì theo nề nếp sư phạm vốn có, chín tháng năm học diễn ra theo một khung thời gian cố định, với chương trình kế hoạch giáo dục chặt chẽ theo từng đơn vị thời gian, ngày giờ rất nghiêm ngặt. Hè về là khoảng thời gian rộng mở, tuy ngắn ngủi nhưng đó là lúc mà thầy trò tự do chọn lựa cho mình những hoạt động phù hợp theo sở thích và điều kiện có được. Câu hỏi trên là lời chào, thăm hỏi, nhưng cũng là sự nhắc nhở và là sự chia sẻ với nhau trước hay sau khi hè về.

Là giáo viên, các thầy cô sau khi coi thi, chấm thi, tham gia bồi dưỡng chuyên môn theo kế hoạch của nhà trường thì khung thời gian riêng của mình có thể dùng để đi du lịch với gia đình hay với cơ quan, đi thăm bà con, bè bạn hay về quê, lo việc nhà, chăm sóc nhà cửa sau một năm học bận rộn không có rộng thời gian… nhưng có lẽ, một hoạt động âm thầm, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng trong mỗi thầy cô giáo là sự chiêm nghiệm về những thành công và chưa thành công trong công việc để chuẩn bị cho mình một năm học mới tiến bộ và phát triển. Về sức khỏe, hè là thời gian tốt nhất cho sự tập luyện để thầy cô giáo củng cố nề nếp hoạt động thể dục thể thao cho mình.

Với học sinh, vào những năm đầu giải phóng, sự lo âu của các cấp quản lý địa phương và nhà trường về hoạt động hè của học sinh vì còn quá nghèo nàn, sự chủ động của học sinh về ngày hè còn nhiều lúng túng nên có chủ trương quản lý các em theo cơ chế tổ chức phối hợp ba môi trường nhà trường, gia đình và xã hội với một ban chỉ đạo hè và hoạt động hè được quy định nghiêm ngặt như “học kỳ 3”.

Đến nay, điều kiện hoạt động hè của học sinh khá phong phú bao gồm các hoạt động từ gia đình, trường học và xã hội. Nhiều gia đình có kế hoạch cho con em đi du lịch, về quê hay phụ giúp gia đình hoặc học tập rèn luyện các môn năng khiếu như nhạc, họa, bơi lội… mà trong năm học không đủ thời gian. Các trường học theo yêu cầu của địa phương mở cửa trường trong các ngày hè cho học sinh vào hoạt động và phổ biến nhất là mở các lớp ôn tập hè cho học sinh. Xã hội ngày nay không yêu cầu cao về việc thành lập ban chỉ đạo hè hoặc quy định hè là “học kỳ 3” như trước, nhưng thông qua Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động hè cho học sinh có nhu cầu. Tùy điều kiện về nhân sự và phương tiện, địa phương có những hoạt động cho học sinh và thanh thiếu niên trong hè như sinh hoạt tập thể, công tác xã hội, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, đọc sách… bổ ích.

Sự tự do chọn lựa hoạt động hè có được là sự mong đợi, nó vừa phản ánh một thực tế phát triển của xã hội, hoạt động hè phong phú, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh và sự trưởng thành của học sinh trước những hoạt động mình chọn lựa và chủ động sắp xếp thời gian thực hiện. Nhưng cũng chính sự tự do chọn lựa này, dễ bộc lộ những thử thách khó khăn, nhất là đối với một bộ phận học sinh chưa đủ sức tự lực một cách tích cực trước quá nhiều những cám dỗ, vô bổ trong xã hội, thậm chí có tác hại đến sự an toàn, và đi ngược lại với những gì được giáo dục trong nhà trường. Chúng ta sẽ không thể hài lòng mỗi khi hè xong, học sinh vào trường mất nếp, chửi thề, nói tục, nghiện game hay hút thuốc… nhiều hơn! Đây là vấn đề mà xã hội, nhà trường và mỗi bậc phụ huynh phải đặc biệt quan tâm để không phải thất vọng về công lao giáo dục của mình. Chúng ta phải nói rõ ý nghĩa và yêu cầu của hoạt động hè cho học sinh, phải xác định những chuẩn mực và phương thức đánh giá sau hè để học sinh chúng ta tự giác phấn đấu thực hiện.

Hè này, bạn làm gì? Với lời thăm hỏi này, chúng ta gửi gắm cho nhau những điều tốt đẹp nhất cho hoạt động hè đến với từng thầy cô giáo và học sinh.

TS. Huỳnh Công Minh (Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)