Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Hè rèn luyện” là giáo dục tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện giáo dục học sinh một cách toàn diện, làm cho các em “mạnh khỏe về thể chất, tròn đầy về tinh thần” là điều không mới lạ.
Thế nhưng giáo dục lâu nay của chúng ta, dù không muốn nhưng phụ huynh cũng như nhà trường đều bị lệch về chuyện làm sao cho cái đầu của học sinh được to ra mà thôi, thông qua việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức khoa học trong khi lại thiếu quan tâm đầy đủ việc trang bị và phát triển những phẩm chất làm người cần thiết khác.
Cần nhắc lại rằng để trở thành một thành viên hợp chuẩn trong xã hội thì chỉ riêng một mình kiến thức khoa học là hoàn toàn không đủ, bởi cá nhân phải sống trong mối tương quan với những người khác. Để cho sự tương quan giữa người với người được diễn ra một cách trọn vẹn thì mỗi cá nhân phải có những phẩm chất như biết chấp nhận lắng nghe, biết hợp tác với người khác, biết tầm quan trọng của người khác và nhất là biết chấp nhận những giới hạn của chính mình, cũng như biết tuân thủ những quy định chung bất chấp “thân phận” của từng người.
Chính vì vậy hiện tượng các bậc phụ huynh trong kỳ hè này “dám” cho con cái mình thoát ly khỏi tổ ấm vốn được bao bọc quá nhiều, được cung phụng quá nhiều và “chuyển” các em vào một môi trường khác với thường ngày (như trại huấn luyện Teen năng động@.com do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức), mà ở đó mọi người phải biết tự thân vận động, ai cũng được đối xử công bằng như ai chứ không còn là “cục cưng, cục vàng” nữa và nhất là phải biết phối hợp với người khác để đạt được mục tiêu chung cũng như riêng, là điều rất cần được khuyến khích và duy trì.
Những kỳ học ngoại khóa như vậy ít nhiều sẽ giúp các em tiếp cận với thực tế muôn màu của cuộc sống, để từ đó các em khám phá ra chính mình cũng như người khác và thế giới xung quanh. Giúp cá nhân khám phá ra được mình là ai, mình có thể làm được gì và không làm được gì, người khác là ai và vì sao ta phải cần sống có người khác là một trong những mục tiêu tối thượng trong việc giáo dục học sinh thời gian đầu. Bên cạnh đó, với sự xâm lấn ngày càng nhiều của các loại hình giải trí “phi chuẩn” dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên như game online chẳng hạn, thì các khóa học ngoại khóa chính là liều thuốc “giải” hữu hiệu nhất.
Lâu nay chúng ta đều lên tiếng rất nhiều trước hiện tượng các em học sinh đắm mình trong thế giới ảo với những trò chơi mang đầy tính bạo lực, thì nay với những khóa học ngoại khóa này các em đã có được một sự chọn lựa khác mang tính tích cực hơn rất nhiều. Điều này nhắc nhớ lại cho chúng ta một nguyên tắc giáo dục rất sơ đẳng là muốn kéo người trẻ ra khỏi những hoạt động lệch lạc thì phải cung cấp cho họ những “món ăn” tích cực khác chứ không phải là những lời lên án hay sự trừng phạt dù là nặng nề nhất. Đó chính là cách giáo dục tích cực mà lâu nay chúng ta chưa tập trung đúng mức.
Vì vậy, các chương trình giáo dục ngoại khóa cần được nhân rộng và duy trì đều đặn hằng năm vào các dịp hè để giúp các em học sinh có được những ngày hè thoải mái và bổ ích. Ngành giáo dục có lẽ cũng cần phải quan tâm hơn đến loại hình giáo dục “ngoại khóa”, bởi cách giáo dục trẻ trong bốn bức tường với phấn trắng bảng đen là không thể đủ để giúp các em “lớn nổi thành người”.
LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)
Theo TTO

Bình luận (0)