Tòa soạnThư đi – tin lại

Hè sôi động cùng World Cup: Bóng chưa lăn, truyền hình gợn sóng

Tạp Chí Giáo Dục

Khách hàng tại Q.11, TP.HCM xem truyền hình trả tiền của dịch vụ truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab)
Thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam sôi động hẳn lên với sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là World Cup diễn ra từ ngày 13-6 tại Brazil. Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, với việc kết nạp các “ông lớn” như Viettel, VNPT, FPT, AVG… cần có những dịch vụ cạnh tranh mới để tái thiết thị trường truyền hình trả tiền theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp với người sử dụng. Tuy vậy, về bản chất thị trường truyền hình trả tiền vẫn chưa có thước đo chung, tình trạng mỗi nhà đài mỗi ý khiến người sử dụng “rối” trong việc chọn lựa một dịch vụ ưng ý.
Chạy theo trái bóng World Cup
Cuộc đua về bản quyền phát sóng World Cup 2014 trong một khoảng thời gian dài đã giúp K+ thu hút gần 1 triệu lượt khách hàng đăng ký thuê bao. Tuy nhiên, trước thềm World Cup năm nay, ngoài K+ thì có thêm 4 nhà đài cũ và mới cũng vào cuộc hứa hẹn để khán giả thưởng thức trọn vẹn 64 trận đấu với đường truyền chất lượng cao như VNPT (dịch vụ MyTV), FPT, SCTV, VTVcab. Trong khi đó, đối thủ khá mạnh của các doanh nghiệp truyền hình là Viettel đành lỡ hẹn với mùa World Cup 2014 vì lý do hệ thống cáp vẫn đang trong quá trình thi công. Khi thị trường xuất hiện quá nhiều ông lớn thì những “đại gia” mới như Viettel, VNPT, FPT vẫn chưa có kinh nghiệm làm nội dung trong khi chính nội dung được cải tiến mới là “đòn bẩy” giúp các nhà đài giành được thị phần.
Sau khi triển khai dịch vụ truyền hình cáp khá thành công tại tỉnh Bình Dương, với tuyên bố “lấy ít bù nhiều”, Viettel đã khơi mào cho cuộc chơi giảm giá vào dịp hè. Các hãng truyền hình cáp đều tung ra những gói cước giá chỉ trên dưới 120.000 đồng/tháng như SCTV, VTVcab hay chỉ 54.000 đồng/tháng cho dịch vụ HDTV của truyền hình cáp HTVC. Không đứng ngoài cuộc, các hãng truyền hình vệ tinh như AVG, VTC cũng tung ra gói khuyến mãi tặng một năm thuê bao cho khách hàng mua bộ giải mã tín hiệu và khuyến mãi thẻ gia hạn cho các thuê bao cũ. Hay truyền hình vệ tinh K+ cũng bắt đầu giảm giá mặc dù đây không phải là chiến lược được vạch sẵn. K+ đã cơ cấu lại các gói cước của mình, ba gói Access+, Premium+ và HD+ trước đây sẽ được cơ cấu lại thành 2 gói mới là Access+ và PremiumHD+. Gói Access+ với 70 kênh sẽ có giá mới là 85.000 đồng/tháng. K+ cũng là nhà đài đầu tiên trên thị trường không phân biệt dịch vụ HD hay SD, cùng giá cước thuê bao 220.000 đồng/tháng. Nếu khách hàng chọn đầu thu HD với giá 1,4 triệu đồng (giảm 400.000 đồng so với trước đây) sẽ xem được 86 kênh, còn chọn đầu thu SD với giá 850.000 đồng thì xem được 74 kênh.
Hai “đại gia” mới gia nhập truyền hình trả tiền là truyền hình OneTV của FPT Telecom và truyền hình MyTV của VNPT cũng tung ra các gói ưu đãi hấp dẫn. Chỉ với 900.000 đồng, khách hàng sẽ có 1 đầu thu FPT Play HD trị giá 2,5 triệu đồng và 3 tháng cước trọn gói Premium HD trị giá 600.000 đồng. Còn khách hàng của MyTV chỉ cần đăng ký gói cước VTVcab giá 30.000 đồng/tháng để thưởng thức các trận đấu World Cup theo chuẩn HD. Cũng nhân dịp này, MyTV khuyến mãi gói cước VTVcab, tặng thêm 1 tháng sử dụng cho khách hàng đóng cước 3 tháng trong thời gian từ 1-6 đến hết 30-6. Trong thời gian này, khách hàng đóng trước 3 tháng cước trị giá 90.000 đồng sẽ được xem đến hết 30-9-2014.
Khách hàng vẫn chưa hài lòng
Dù được xem là thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai với doanh thu 2,5 tỷ USD năm 2012, truyền hình trả tiền Việt Nam vẫn chưa thể hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mới từ những nhà kinh doanh. Dẫn chứng là sau một thời gian cạnh tranh có tới 20 doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi vì có tới 70% thị phần truyền hình trả tiền nằm trong tay VTV và các công ty con, dẫn tới thị trường đang bị độc quyền. Nói vậy không có nghĩa khi doanh nghiệp viễn thông tham gia khai thác thị trường thì truyền hình trả tiền sẽ có khởi sắc. Bởi lẽ, những nhà đài cũ vẫn loay hoay với chương trình khuyến mãi thiếu trung thực, còn những nhà đài mới thì chưa quan tâm đúng mức tới nội dung sắp trình làng mà tập trung chạy đua về công nghệ.
Sau một thời gian tăng giá vô tội vạ, các nhà đài bắt đầu nghĩ tới chuyện giảm giá để mời gọi khách hàng. Tuy vậy, dù là 70 kênh hay 80 kênh thì các gói dịch vụ từ SCTV, VTVcab, HTVC hay K+ đều na ná nhau.  Khi đưa ra các chương trình khuyến mãi, các nhà đài thường “mồi chài” bằng việc giới thiệu bổ sung các kênh mới, kênh giải trí chất lượng cao, kênh nước ngoài… Nhưng khi giành được lượng khách hàng nhất định thì liền cắt ngang vì giá bản quyền phải trả cho các kênh truyền hình nước ngoài rất cao, trong khi phí dịch vụ khách hàng trong nước quá thấp do trong thời gian áp dụng chương trình khuyến mãi. Mặt khác các nhà đài tuy đã đưa ra các gói khuyến mãi hấp dẫn nhưng đều có yếu tố kèm theo. Chẳng hạn, muốn xem được đường truyền chất lượng cao, độ nhiễu sóng ít của SCTV đòi hỏi người dùng phải chọn gói thuê bao truyền hình cáp có internet với giá 200.000 đồng/tháng. Nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng với gói dịch vụ này bởi vì giống như nhà đài đang “ép” khách hàng thay vì hướng tới giới thiệu một dịch vụ tốt. Không phải khách hàng nào cũng cần có internet kèm theo vì tại nhà đã được lắp đặt sẵn, sẽ tốn thêm chi phí không sinh lợi. Trong khi đó, nếu chỉ đăng ký gói dịch vụ 120.000 đồng tháng/ của SCTV thì tốc độ và chất lượng đường truyền dễ bị mất sóng giữa chừng khiến khách hàng rước thêm bực mình. Cụ thể cách đây chưa lâu, khách hàng khu vực quận Gò Vấp nửa đêm phải ngậm đắng nuốt cay khi chờ đến gần giờ bóng lăn (1 giờ 45) trận tứ kết Champion League lượt về vào tháng 4-2014 thì bất ngờ SCTV mất sóng. Không chỉ vậy, SCTV và một số dịch vụ truyền hình cáp cũng bị khách hàng phản ứng không tốt vì thời lượng quảng cáo quá nhiều trong khi các kênh giải trí quá ít, hoặc “nhai lại” các chương trình cũ gây nhàm chán.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc FPT Telecom khuyến cáo rằng không nên vì các chương trình khuyến mãi với những lời chào mời hấp dẫn mà dính vào “bẫy” của những nhà đài. Với một khách hàng thông minh thì giá cả không phải là tất yếu để quyết định chất lượng của một dịch vụ truyền hình cáp. Thực tế, có những khách hàng “méo mặt” chỉ vì đã lỡ ký hợp đồng với một khoản tiền trả trước cho các nhà đài mà chất lượng phát sóng quá tệ. Đặc biệt là tại các chung cư, tòa nhà thương mại, công ty… với hình thức ký độc quyền trọn gói với một nhà đài từ 1 đến 5 năm thì việc thoái lui để tìm một kênh truyền hình tốt hơn là điều không dễ dàng…”.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng: “Có thể trong mùa World Cup 2014 các nhà đài chấp nhận “lấy ít bù nhiều” để có được chất lượng tốt nhất cho 64 trận đấu, nhưng rồi “mèo lại hoàn mèo”, các nhà đài lại bắt đầu tung ra những chiêu khuyến mãi “Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều…”. 
 

Bình luận (0)