Tòa soạnThư đi – tin lại

Hè sôi động cùng World Cup: Lo ngại sóng truyền hình chập chờn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà đài truyền hình cáp Việt Nam lắp đặt cáp truyền hình trả tiền cho khách hàng ngay trước thềm World Cup 2014
Gần đây, việc các đơn vị truyền hình cáp cắt giảm các kênh phát sóng, đặc biệt là ngay trước thềm World Cup đã gây nhiều bức xúc cho khách hàng. Bên cạnh đó, các gói dịch vụ “cáp + internet” gặp phải nhiều phản hồi không tốt từ khách hàng vì đang sử dụng cái này thì cái kia bỗng dưng… chập chờn.
Tiện tay là… cắt kênh
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị truyền hình trả tiền liên tục nhận được đơn khiếu nại của khách hàng về việc không phát đủ số lượng kênh HD như công bố với khách hàng, trong khi đó vẫn thu đủ tiền thuê bao hàng tháng. Hoặc có những đơn vị bán đầu thu cho khách hàng để thu các kênh do đài mình phát, sau đó lại đột ngột cắt tín hiệu mà không nghĩ tới quyền lợi người tiêu dùng. Anh Lê Quốc Bảo (Q.Tân Phú, TP.HCM) bức xúc: “SCTV cắt 11 kênh địa phương mà không hề thông báo trước. Trong khi đó giá cả vẫn giữ nguyên 109.000 đồng/tháng. Nhân viên nói là muốn nâng cấp chất lượng, tăng kênh HD nên nâng giá, giờ lại cắt kênh vô tội vạ, chúng tôi phản ánh thì chỉ nhận được những lời giải thích qua loa”. Chị Thái Thị K. (Q.Bình Thạnh) cũng không đồng tình việc cắt kênh của SCTV, chị cho biết: “Khi gọi lên cho nhân viên tư vấn thì họ bảo muốn coi đủ các kênh như trước phải mua đầu thu 500.000 đồng gì đó, rồi mỗi tháng phải đóng thêm 49.000 đồng kèm theo giá thuê bao hàng tháng. Nghe vậy, tôi liền cúp máy vì tức quá!”. Ngoài ra khách hàng cũng bày tỏ bức xúc xung quanh việc đơn vị này cắt bỏ các kênh quốc tế như MTV (kênh âm nhạc), Super Sport 3 (kênh thể thao) ngay trong mùa World Cup. Đáng chú ý hơn là việc một đơn vị truyền hình cáp hoạt động tại TP.HCM lại cắt giảm các kênh truyền hình của HTV, mở đầu là HTV2. Một khách hàng cho biết: “Sống ở TP.HCM mà không xem được đầy đủ các kênh của HTV thì quá chán mà lại phí tiền. Tôi không phản đối việc cắt các kênh địa phương khác nhưng SCTV cần xem lại là họ đang phục vụ cho đối tượng khán giả TP.HCM”.
Qua tìm hiểu, việc đơn vị SCTV cắt giảm các kênh phát sóng không phải là vô cớ mà thực hiện theo quyết định số 3531 của UBND TP.HCM. Theo đó trước ngày 1-1-2016, các đơn vị cung cấp truyền hình cáp trên địa bàn TP.HCM phải thực hiện và hoàn tất lộ trình số hóa. Tương tự việc đơn vị AVG với gói cước cao nhất gần 90.000 đồng/tháng cũng cắt kênh mà không hề báo trước cho khách hàng. Theo ý kiến của người sử dụng thì AVG với mức giá đó là quá cao so với chất lượng hình ảnh và chất lượng nội dung các kênh. Tổng hợp từ nhiều ý kiến khi nhận xét về AVG, thì kênh truyền hình này mắc phải nhiều yếu tố chưa đạt chất lượng như: Hình ảnh HD không sắc nét so với các đài khác; phụ đề và thuyết minh rất dở; đầu thu khởi động và khởi động khá chậm… Tuy vậy, với việc “khoe” mình có các thiết bị truyền dẫn hiện đại (chưa ai có?) thì AVG vẫn hút một lượng khách nhất định nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Ngoài ra, việc HTVC thay đổi thứ tự các kênh phát sóng cũng làm ảnh hưởng tâm lý xem truyền hình của một bộ phận khách hàng. Có thể nói việc SCTV, AVG, HTVC tung ra nhiều khuyến mãi, hứa hẹn tăng số kênh HD (trong nước và quốc tế) trong khi đã chấp nhận cắt giảm số kênh theo quy định của UBND TP.HCM là thiếu trung thực với khách hàng. Mặt khác, nếu các chiêu trò khuyến mãi cứ “treo đầu dê bán thịt chó” mãi thì không những khách hàng là người chịu thiệt mà cả đơn vị truyền hình trả tiền cũng bị khách hàng “quay lưng”.
Internet “kèm theo” kém chất lượng
Hiện nay truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã có đầy đủ các loại hình truyền dẫn, gồm: Truyền hình cáp (tương tự và số), truyền hình IPTV, truyền hình vệ tinh, truyền hình số vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình di động… Trong đó, truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh được khán giả chọn lựa nhiều nhất. Khách hàng từng quen thuộc với các đơn vị truyền hình trả tiền như SCTV, VTVcab, HTVC… thì việc gia nhập của các đơn vị viễn thông Viettel, VNPT, FPT Telecom tạo cho người dùng một cơ hội chọn lựa mới với mức giá thấp chưa từng có. Trước những “rào cản” để được tham gia thị trường truyền hình trả tiền, Viettel bị cho là một đơn vị phá giá sẽ làm các “ông lớn” trở tay không kịp. Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VN Pay TV) thì cho rằng chính việc Viettel sẽ tạo sự cân bằng cho thị trường truyền hình trả tiền chứ không còn tình trạng mạnh ai nấy “hét” giá. Thực tế, Viettel dù có phương châm “lấy ít bù nhiều” nhưng không dại gì đưa ra mức giá quá thấp để thua lỗ trong khi phần lớn chi phí cho mạng lưới hạ tầng của Viettel chủ yếu khai thác phục vụ cho viễn thông. Tuy vậy, việc cạnh tranh về giá không phải là kế sách lâu dài mà chính yếu tố nội dung mới là thước đo chất lượng dịch vụ cho mỗi đơn vị truyền hình hay đơn vị viễn thông làm truyền hình.
Hơn nữa, việc các công ty viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền cũng vấp phải sự phản đối của một bộ phận khách hàng. Bởi chính họ đã “ngậm đắng nuốt cay” khi FPT tích hợp mấy chục kênh truyền hình cáp thì tốc độ xem ti vi rất chậm. Hay SCTV thường xuyên cắt mạng “ngang xương”, khách hàng gọi điện lên hỏi thì nhận được câu trả lời: “Nếu có chuyện quan trọng cần sử dụng internet thì chúng tôi sẽ mở lại”, với lý do cắt là để đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho toàn hệ thống. Anh Trần Kiến Văn (Q.Bình Thạnh) nói: “Lúc đầu đường truyền SCTV chậm lắm, tính cắt bỏ rồi nhưng họ tư vấn cho tôi chuyển sang gói 2, đóng thêm tiền, giờ mạng chạy vù vù. Mà họ cũng kỳ quá, thà từ đầu nói luôn một thể để đăng ký gói thứ 2, phải chuyển qua chuyển lại rất mất thời gian và tốn tiền”. Trước những dịch vụ “chậm chạp” đó, một số khách hàng đã nói đùa: “Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cứ làm ăn kiểu này thì chúng tôi sẽ sắm một cái ti vi, sau đó kết nối với mạng máy tính, muốn xem gì thì xem mà chỉ tốn chi phí cho một chỗ thuê bao”.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Cắt giảm hàng loạt kênh theo quy định
Theo quyết định số 3531 của UBND TP.HCM, lộ trình cắt giảm các kênh theo quy định được cụ thể từng giai đoạn như sau: Từ 1-1-2014 đến 30-6-2014, cắt chỉ còn 49 kênh (35 kênh trong nước, 14 kênh quốc tế), từ 1-7-1014 đến 31-12-2014 còn 36 kênh (26 kênh trong nước, 10 kênh quốc tế), từ 1-1-2015 đến 30-6-2015 còn 21 kênh (15 kênh trong nước, 6 kênh quốc tế), từ 1-7-2015 đến 31-12-2015 sẽ có quy định về các kênh trong nước, chỉ còn 3 kênh quốc tế.
 
 

Bình luận (0)