Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Hệ thống dạy nghề “ngóng” một cuộc cách mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định phải đổi mới và phát triển hệ thống dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực thì mới có thể phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 6/8, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thành Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020. Hội nghị được kết nối từ 5 điểm cầu: Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 bao gồm: Dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người (trong đó 115.000 sinh viên được học chương trình theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới), để bảo đảm vào năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. 
Sẽ có 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề, trong đó: 10 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới; 20 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của khu vực, 120 trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề trọng điểm quốc gia; Đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để thành giáo viên dạy nghề; 100% giáo viên dạy nghề có thể dạy tích hợp lý thuyết và thực hành, 40% giáo viên dạy cao đẳng nghề có trình độ thạc sỹ và tiến sĩ; 100% nghề đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ban hành khung chương trình; Tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 6 triệu người lao động…

Dự kiến, Đề án có tổng kinh phí 41.289,85 tỉ đồng, đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Ngay tại hội nghị, nhiều đại biểu ở các đầu cầu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh việc rà soát, hoàn thiện các mục tiêu, chính sách. Trong đó, tập trung vào việc phát huy xã hội hoá công tác đào tạo nghề, gắn trách nhiệm với các Tập đoàn.

Một số ý kiến khác cho rằng cần phải thay đổi chính sách, nâng cao vai trò, vị trí, tiền lương đối với công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề cao để thay đổi nhận thức xã hội, tránh xu hướng thanh niên phải chạy theo đại học như hiện nay. Đồng thời cũng cần hoản chỉnh cơ chế quản lý vốn ODA…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, vấn đề đổi mới và phát triển hệ thống dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố có tính chất quyết định để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Vì vậy, Đề án cần làm rõ cơ cấu cơ sở đào tạo để đầu tư hợp lý, hiệu quả, tránh dàn trải và đặc biệt quan tâm tới việc tạo điều kiện để việc xuất khẩu lao động Việt Nam trở thành một thương hiệu trên thị trường thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH cùng các ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện Đề án để dự kiến có thể trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2009.

Theo dantri

Bình luận (0)