(Tiếp theo kỳ trước)
Ray đường sắt truyền thống ở Việt Nam |
Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam (ĐSVN) từ nay đến năm 2020 cần nêu rõ quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, chính sách và giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn…
Cũ kỹ và già cỗi
Theo Tổng công ty ĐSVN, hệ thống đường sắt của nước ta có một số đoạn tuyến mới được xây dựng nhưng phần lớn là đã có tuổi đời trên dưới 100 năm. Trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc cộng với thiên tai bão lụt triền miên nên các công trình cầu bị phá hoại rất nhiều lần. Thêm vào đó là tình trạng tà vẹt trên đường có quá nhiều chủng loại, tỷ lệ tà vẹt mục chiếm từ 30-35%. Tà vẹt sắt chủ yếu tận dụng từ tà vẹt sắt của Pháp được chế tạo từ rất lâu, nên hiện nay bị nứt vỡ nhiều. Còn phụ kiện thì chủ yếu là phụ kiện cứng. Gần đây đã bổ sung phụ kiện đàn hồi nhưng số lượng không nhiều. Ghi hầu hết đều được đặt cách đây 20-30 năm. Số ghi được thay bằng các nguồn vốn không đáng kể. Tình trạng mòn, sứt mẻ lưỡi ghi, mòn đứng, ngang, tâm ghi, ray cánh ghi diễn ra ngày một nhiều. Bên cạnh đó, phụ kiện liên kết còn rất lỏng lẻo, nhiều nơi xảy ra tình trạng mất mát, gỉ hỏng.
Đa số các cầu đường sắt tại nước ta đều trải qua thời gian sử dụng tương đối dài, và phần lớn là cầu được khôi phục lại để chạy tàu. Các dầm cầu thép thuộc nhiều chủng loại được nhập từ nhiều nước khác nhau như: Bỉ, Pháp, Mỹ, Đức, Liên Xô cũ, Trung Quốc… với tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau nên gây khó khăn cho công tác duy tu sửa chữa và tổ chức khai thác đồng bộ. Các dầm bê tông thì được thiết kế với tải trọng nhỏ tốc độ thấp, chất lượng bê tông lại kém nên phát sinh nứt vỡ, hư hỏng và phong hóa vật liệu. Mố trụ được làm từ vật liệu đá xây hoặc bê tông bị phong hóa nặng. Hồ sơ lưu trữ về cầu phần lớn không có hoặc bị thất lạc gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý, lập kế hoạch duy tu sửa chữa phù hợp với trạng thái hiện tại. Vỏ hầm đa phần cũ kỹ, nhiều hầm nước rò rỉ, khổ giới hạn hẹp, thoát nước kém. Nhiều hầm nằm trên đường cong bán kính nhỏ R<300m (9 hầm/39 hầm); độ dốc lớn >4%o (22 hầm/39 hầm), khổ giới hạn kiến trúc thiếu. Vỏ hầm đa phần làm bằng đá gốc, đá xây, bê tông mác thấp đã phong hóa nặng nên xuất hiện nhiều vị trí sụt lở vỏ hầm làm hạn chế khả năng khai thác và gây khó khăn cho công tác duy tu, sửa chữa.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới, Tổng công ty ĐSVN cần được đầu tư toàn diện để cải tạo và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ và năng lực vận chuyển…
Chưa được quan tâm đúng mức
Giao thông đường sắt là loại hình vận tải luôn giành được tỉ lệ cao nhất về thị phần vận tải hành khách cũng như hàng hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam lâu nay, nguồn vốn cấp cho công tác duy tu bảo dưỡng đường sắt rất hạn hẹp, mới đáp ứng khoảng 60% so với yêu cầu. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp của hệ thống đường sắt ngày càng trầm trọng. Mặc dù, nhiều năm nay các đơn vị quản lý đã huy động mọi nguồn lực để tăng kinh phí cho việc nâng cấp các tuyến đường sắt, nhưng thực tế việc quan tâm đó vẫn chưa đi đến đâu.
Về độ an toàn, do tốc độ lái tàu tăng cận kề với giới hạn nguy hiểm nên thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn kinh hoàng tác động không nhỏ đến tâm lý lái tàu và hành khách, làm nhiều chuyến tàu sau đó hầu hết đều chậm giờ. Do khổ đường 1m quá lạc hậu đã và đang “trói chặt” mọi tiềm năng, kéo lùi ĐSVN vào vị trí tụt hậu và ngày càng không thể giữ nổi thị phần của mình. Hiện nay, ngành ĐSVN đang sử dụng biện pháp gia cố đường bằng tà vẹt dự ứng lực để tăng tốc 120km/giờ nhưng do khổ đường quá nhỏ nên tình hình chẳng được cải thiện là bao.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)