Mục tiêu phát hiện, đào tạo tài năng của trường chuyên giờ đây ngày càng thu hẹp quy mô. Đại đa số học sinh chuyên chỉ chăm chăm vào chuyện làm sao để thi đậu đại học (ĐH). Ngay cả những em xuất sắc cũng xin rút lui khỏi đội tuyển vào năm lớp 12 để tập trung cho mục tiêu vào ĐH hay đi du học.
“Vợ chồng tôi rất đau khổ, không biết tự trách mình hay trách ai?”. Cặp vợ chồng đến từ quận Tân Bình đã “cầu cứu” TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng vào cuối tháng 7 qua. Đứa con trai tốt nghiệp trường chuyên từng là niềm tự hào của gia đình, nay trở thành bệnh nhân tâm thần.
Nặng gánh ước mơ của cha mẹ
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong ngày khai giảng – Ảnh A.K. |
“Chúng tôi chỉ có một đứa con trai, cháu học giỏi từ bé, được vào trường chuyên và luôn đạt thành tích cao. Khi cháu được học bổng du học ở một trường ĐH nước ngoài, vợ chồng tôi đã rất vui mừng. Những tưởng cuộc đời con sẽ tươi đẹp và cha mẹ sẽ an nhàn khi về già.
Ấy vậy mà giờ đây, đất trời như sụp đổ trước mắt chúng tôi khi con trai bị suy nhược thần kinh. Cháu học sa sút tới mức nhà trường phải liên lạc với gia đình, đề nghị cho đón cháu về Việt Nam điều trị, tĩnh dưỡng. Chúng tôi đưa cháu khám bệnh và kết quả cho thấy, cháu đang bị rối loạn tinh thần”, anh H.T., ba của sinh viên này nghẹn ngào kể.
Như một vận động viên chạy marathon đã bị vắt kiệt sức ở những năm tháng phổ thông, cậu bé đã không đủ sức để “chạy” tiếp giai đoạn quan trọng, quyết định cuộc đời của chính mình.
Khá muộn màng khi hệ quả xảy ra, các bậc phụ huynh mới bắt đầu nhìn nhận có phần lỗi của mình trong việc nuôi dưỡng, khích lệ ước mơ con cái phải đậu vào trường chuyên, lớp chọn cho “nở mày, nở mặt” gia đình, bất kể con có đủ tố chất học trường chuyên hay không. Tuy nhiên, những “bài học kinh nghiệm” dạng này, mà cao điểm là vụ việc đau lòng ở trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, làm nhiều bậc cha mẹ giật mình, chột dạ song chưa đủ sức dập tắt kỳ vọng con cái cần phải đậu chuyên vốn mang tính phổ biến.
Cuối buổi tư vấn vào lớp 10 năm học 2010-2011 tại Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, một vị phụ huynh đã gặp riêng ông Trần Mậu Minh, hiệu trưởng nhà trường, nhờ ông thuyết phục con mình phải đăng ký vào THPT chuyên Lê Hồng Phong hoặc một trường nào đó, miễn có chữ “chuyên”.
Vị phụ huynh này nói: “Thật không hiểu nổi tại sao nó không muốn vào trường chuyên trong khi đứa em họ của nó học dở hơn đã “thề” rằng “nếu con đậu vào chuyên Lê Hồng Phong, con sẽ mặc đồng phục có phù hiệu của trường đạp xe vòng khắp khu phố cho mọi người biết””. “Người mẹ khổ đau” này rất ấm ức và không sao lý giải được đứa con (vốn là học sinh giỏi nhất trường, khả năng đậu trường chuyên là rất cao) lại chỉ muốn là học sinh trường “bình thường”.
Học chuyên được gì?
TP.HCM đã hình thành khá đầy đủ một hệ thống trường chuyên, lớp chọn, thế nhưng vẫn không đáp ứng hết sự hăm hở của phụ huynh khiến tỷ lệ chọi ở kỳ tuyển sinh chuyên luôn cao chót vót.
Năm học 2010-2011, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ tuyển 400 chỉ tiêu cho lớp 6 nhưng có đến 3.700 thí sinh dự thi. Ở cấp 3, học sinh đổ xô vào các trường, lớp chuyên nhộn nhịp không kém, hơn 7.000 em dự thi cho tổng chỉ tiêu 1.200. Cả một công nghệ luyện thi tha hồ “hốt bạc” ăn theo nhu cầu “nhà nhà muốn con vào trường chuyên”.
Nhiều phụ huynh không chắc con mình đậu nhưng vẫn muốn con “thử sức”, biết đâu may mắn sẽ trúng tuyển. Hãy nghe phụ huynh lý giải: “Vào trường chuyên đồng nghĩa với con em mình được học tập trong một môi trường toàn những người giỏi, giáo viên giỏi, cơ sở vật chất được Nhà nước ưu tiên đầu tư, con em mình tự khắc cũng sẽ giỏi” (do vậy mới có thực tế, học sinh chưa giỏi nhưng nhờ luyện thi chăm chỉ đã trúng tuyển lớp chuyên nhưng sau đó bị đuối sức giữa chừng).
Về phía các trường chuyên cũng đã thừa nhận, mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi cho thành phố vốn là nhiệm vụ chiến lược của trường chuyên, nay đã bị mục tiêu đậu ĐH lấn lướt. Cả bộ máy trường chuyên dồn sức để hơn 95% học sinh bước chân vào giảng đường ĐH.
Đậu ĐH: công lao của trường hay trung tâm luyện thi?
Nếu nhìn vào số lượng học sinh trường, lớp chuyên toàn thành bậc THPT gần mười ngàn em (chưa tính học sinh lớp chọn ở các trường THPT thường, ở các trường THCS) ắt hẳn chúng ta đều vui mừng vì nhân tài (đang ở dạng tiềm năng) nhiều như lá rụng mùa thu. Thực tế, ở năm học này, chỉ có hơn 80 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, một em giành thành tích trong kỳ thi quốc tế.
Để được đi trên con đường trải đầy hoa hồng này là một hành trình khổ luyện đầy cay đắng, hao tốn sức lực của học sinh và tiền của nhà trường. Muốn có “chân” trong đội tuyển quốc gia, học sinh phải trải qua vòng tuyển chọn cấp trường, rồi đến cấp thành, toàn quốc. Các em phải luyện ngày luyện đêm chỉ cho một môn thi, tạm ngưng những môn văn hóa khác. Sau khi thi học sinh giỏi quốc gia xong, các em chỉ còn một thời gian ngắn để lấy lại những kiến thức đã bị mất.
Nhưng đường vào ĐH đòi hỏi học sinh phải giỏi cả ba môn, dù cho học luyện cấp tập thì con đường vào ĐH rất gian nan, đó là chưa kể khả năng rớt… tốt nghiệp cũng có thể xảy ra. Như trường hợp đáng buồn của một thí sinh Bình Thuận dự thi học sinh giỏi môn Địa lý toàn quốc nhưng rớt tốt nghiệp năm học 2009 vì tổng điểm không đạt tới 30.
Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định tuyển thẳng ĐH đối với học sinh giỏi quốc gia khiến học sinh càng phải cân nhắc khi tham gia đội tuyển. Những em đoạt giải hay không đoạt giải phải tiếp tục “chạy đua” lấy lại kiến thức các môn không chuyên mới có cơ hội vào ĐH.
Mục tiêu phát hiện, đào tạo tài năng của trường chuyên giờ đây ngày càng thu hẹp quy mô. Đại đa số học sinh chuyên chỉ chăm chăm vào chuyện đậu ĐH; ngay cả những em xuất sắc cũng rút lui khỏi đội tuyển vào năm lớp 12 để tập trung cho mục tiêu vào ĐH hay đi du học.
Ông Võ Anh Dũng, hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong đã thẳng thắn công bố số liệu, hơn 60% học sinh của trường học thêm, thậm chí các em còn “luyện thi” cấp cao hơn như chia ra học ở nhà những giáo viên giỏi nhất thành phố, để rồi cùng chia sẻ “bí kíp”.
Những trường, lớp chuyên khác tuy chưa có con số thống kê nhưng theo nhận định của các giáo viên, tình trạng học sinh chuyên đi luyện thi còn cao hơn con số 60%. Một thầy giáo dạy chuyên Toán đặt câu hỏi: Thành tích học sinh đậu ĐH có phải là nhờ nhà trường phổ thông hay chính là công trạng của các… trung tâm luyện thi?
Câu hỏi này chưa ai giải đáp được nhưng nó phản ánh thực tế: Đa số học sinh chuyên đều đi học thêm để đậu ĐH. Nói cách khác, học sinh trường thường không cần học chuyên vẫn đậu ĐH, nếu có sự hỗ trợ từ phía gia đình. Như vậy, nếu chỉ vì mục tiêu đậu ĐH thì cha mẹ không nên ép con vào trường chuyên, lớp chọn.
Học sinh trường thường ít nhất không phải chịu áp lực như học sinh lớp chuyên: học lực giỏi là chuyện thường, học khá là thành phần “thiểu số” bị bạn bè chê cười, còn học lực trung bình là không chấp nhận được. Cho dù có “mác” học chuyên nhưng nếu học không nghiêm túc, vẫn rớt ĐH như thường.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Phổ thông Năng khiếu TP.HCM: Nếu không phát hiện nhân tài thì giải tán trường chuyên
Trường chuyên có hai nhiệm vụ: đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi và tạo điều kiện để các em đậu ĐH. Đầu vào của trường chuyên đều là học sinh giỏi nhưng không phải tất cả đều được bồi dưỡng trở thành nhân tài. Số đông học sinh giúp nhà trường sàng lọc để phát hiện ra tinh túy, nếu không phát hiện nhân tài thì giải tán trường chuyên.
Thi học sinh giỏi như một sân chơi không thể bắt ép học sinh, trong khi đó, phụ huynh thực dụng hơn, quan tâm đến chuyện con em phải đậu ĐH hơn; còn nhà trường hiểu nguyện vọng của phụ huynh vì được giải quốc gia không được ưu tiên xét tuyển vào ĐH.
Tôi vẫn thường khuyên phụ huynh không nên cho con học thêm, ngoại trừ môn nào các cháu thấy còn yếu. Áp lực của cha mẹ làm khổ học sinh.
Ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Không phải tất cả giáo viên trường chuyên đều giỏi
Muốn vào trường chuyên phải có tố chất, phải đam mê môn chuyên. Học sinh trường chuyên có lợi thế môn chuyên hơn so với học sinh trường thường, nhưng học sinh lớp thường trường chuyên học giống như học sinh trường phổ thông thường. Phụ huynh muốn con vào trường chuyên vì muốn con học thật giỏi, với mục đích cuối cùng là con đậu ĐH.
Tuy nhiên, thi ĐH có đến ba môn thi, trong khi lớp chuyên chỉ chú trọng môn chuyên sẽ khiến các em học lệch, không thi ĐH được. Học sinh Trần Đại Nghĩa luôn hướng vào khối A và D nên những năm qua, ngoài môn chuyên, trường vẫn phải chú trọng cho các em môn khác để có thể vượt qua kỳ thi ĐH.
Phụ huynh có tâm lý hễ trường chuyên là được đầu tư giáo viên giỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên trường chuyên đều giỏi, có những giáo viên giỏi không muốn về trường chuyên. Giáo viên trường nào cũng có khả năng hướng dẫn cho học sinh tự học, tự nghiên cứu, nếu học trường chuyên mà không tự học được thì cũng rớt ĐH như thường. Thành công của trò chỉ nhờ thầy hai phần, tám phần còn lại là do khả năng và ý thức học của các em.
TS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc: Huy chương Olympic không nói lên khả năng tri thức của một quốc gia
Các em học sinh chiếm những huy chương trong các kỳ thi Olympic đương nhiên là những em rất thông minh và học giỏi. Nhưng con số huy chương đó và số học sinh giỏi như thế không phải là bộ mặt của nền giáo dục quốc gia. Nếu sử dụng những chỉ số như kinh tế tri thức, sáng tạo, phát triển giáo dục… thì Việt Nam chúng ta đều thua Thái Lan.
Chúng ta có một hệ thống huấn luyện học sinh trung học chỉ để giành huy chương Olympic về toán, lý, hóa, tin… Những thành tựu về con số huy chương trong các kỳ thi đó cũng đáng mừng nhưng nó chỉ mang tính chất cá nhân, không nói lên khả năng tri thức của một quốc gia.
|
Theo DOANH DOANH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)