Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hè về: Nhiều sân chơi cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các em học sinh đang học môn thể dục nhịp điệu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP
Hè là thời điểm các bậc phụ huynh hay đưa con em đến các khu vui chơi, nhà thiếu nhi… để vừa giải trí vừa rèn luyện sức khỏe. Đây là lí do khiến các địa điểm vui chơi, sinh hoạt hè luôn trong tình trạng “nóng”.
Đến hẹn lại lên
Để tạo thêm sân chơi, ngoài những môn truyền thống như tennis, võ thuật, nhạc, mỹ thuật, bơi lội… hè năm nay Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP mở thêm bộ môn lắp ghép, điều khiển rô bốt. Tham gia lớp học này, các em sẽ được giáo viên hướng dẫn cách lắp ráp mô hình làm sao khi hoàn chỉnh thì có thể điều khiển bằng remote, điều này thể hiện sự khéo léo kết hợp sự sáng tạo, linh hoạt của trẻ. Nhận thấy môn học này mang tính khám phá, rất có ích cho trẻ nên rất đông phụ huynh đăng ký cho con học. Ngoài ra, môn vẽ và bơi lội cũng được phụ huynh ưu ái. Với môn vẽ, nơi này đã mở đến 7 lớp, mỗi lớp 20 đến 25 em mà cũng chật chỗ. Chị Thu Thảo (Q.1) dẫn con đến đăng ký muộn phải năn nỉ mãi mới được nhận vào ngồi ghép lớp. Riêng môn bơi lội, do số lượng phụ huynh đăng ký đông nên lãnh đạo Nhà Thiếu nhi phải mở nhiều lớp trong ngày mới đáp ứng hết nhu cầu. Đại diện Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP cho biết, ngày thường có khoảng 1.000 trẻ lui tới sinh hoạt, nhưng dịp hè con số này tăng lên đến vài ngàn em.
Để làm mới các hình thức sinh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, năm nay nhiều trung tâm, nhà văn hóa kết hợp với các công ty du lịch tổ chức những chuyến đi thực tế ở các vùng, miền. Nhà Văn hóa Thanh niên phối hợp với Trường Huấn luyện Quân đoàn 4, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn… tổ chức các khóa học: Đến Côn Đảo rèn bản lĩnh, Học kỳ trong quân đội, Huấn luyện và học qua biển đảo quê hương hay Phát triển nhân cách thanh thiếu niên với tên gọi “Teen năng động @.com”… Bà Trần Thái Minh Thủy, Phó phòng Đào tạo Nhà Văn hóa Thanh niên, cho biết chương trình mở ra từ ngày 20-5, đến nay đã tổ chức cho hơn 200 học sinh tham gia khóa huấn luyện Đến Côn Đảo rèn bản lĩnh cùng với các anh lính Quân đoàn 4. Sắp tới đây, các em khóa mới sẽ được tham gia khóa Học kỳ quân đội. Bà Minh Thủy cho biết thêm, không chỉ học sinh ở thành phố mà còn có rất nhiều em ở các tỉnh như Kiên Giang, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Lắk về tham gia.
Còn trại hè Yola (Q.1) thu hút khá đông học sinh tham gia. Tại đây, các em học sinh được các bạn du học sinh đang học các trường ĐH Harvard, Stanford… truyền đạt kiến thức về tư duy và kỹ năng lãnh đạo…
“Sân nhà” vẫn hơn
Đối với các khóa học “học mà chơi – chơi mà học” ở các trung tâm văn hóa, thời gian tham gia chỉ trong một tuần nhưng các em học sinh được hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân, học tính kỷ luật, rèn các kỹ năng mềm, kỹ năng hoạt động nhóm, rèn luyện sự tự tin, tính tự lập… thông qua hoạt động thực tế. Song, với mức phí khá cao, từ 4,5 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng luôn khiến nhiều phụ huynh e ngại. Dường như chỉ có các “cậu ấm, cô chiêu” mới đủ điều kiện tham gia. Chị Ánh Nguyệt, phụ huynh một học sinh Trường TH Nguyễn Thi (Q.3), chia sẻ: “Con tôi cũng muốn được tham gia Học kỳ trong quân đội, nhưng xét thấy khoản phí khá cao nên tôi quyết định cho cháu vào sinh hoạt ở CLB Bóng rổ của trường. Đây là bộ môn cháu đã làm quen và rất thích mà học phí chỉ có… 160 ngàn đồng/khóa, mỗi khóa gần hai tháng”. Nhiều phụ huynh đăng ký cho con học hè tại trường xuất phát từ nhu cầu “gửi con” trong mùa hè. Anh Nguyễn Trí Hoàng, phụ huynh em Minh Anh, học sinh Trường TH Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng (Q.3), chia sẻ: “Ông bà nội, ngoại ở tận miền Bắc, còn vợ chồng tôi thì đi làm suốt ngày nên không có ai chăm sóc Minh Anh. Vì thế, tôi đăng ký cho cháu học lớp cầu lông và lớp cờ vua mở tại trường. Ở đây cháu vừa có bạn thân quen, lại gần nhà nên tiện việc đưa đón, trong khi học phí chưa đến 200 ngàn đồng/khóa”.
Tuy nhiên vẫn có trường học đóng cửa với lí do… không có sân bãi. Một giáo viên Trường TH Trương Quyền (Q.3) cho hay: “Thời gian nghỉ hè là dịp để các em học sinh có điều kiện vui chơi cùng gia đình, việc tổ chức sinh hoạt hè là do phường tổ chức, em nào có nhu cầu học thì về phường tham gia”. Tương tự các trường TH Điện Biên (Q.10), Trường TH Trần Quốc Thảo (Q.3)… cũng “lặng im” trong những ngày này. Chị Thu Hồng, có con học tại Trường TH Trương Quyền (Q.3), cho biết chị rất muốn con có nơi sinh hoạt hè, nhưng đợi mãi không thấy phường tổ chức sinh hoạt hè nên chị đành xin cho con sang Trường TH Nguyễn Thi (Q.3) để học môn bóng rổ.
Ông Đặng Ngọc Quang (Phòng GD-ĐT Q.11), cho biết Phòng GD-ĐT luôn đẩy mạnh hoạt động Đoàn Đội như mở các CLB TDTT, CLB Kỹ năng ứng xử… sau đó triển khai xuống các trường để tổ chức cho các em tham gia. Nếu trường nào không có điều kiện sân bãi thì mở cửa thư viện để các em có thể đọc sách, truyện. Bằng những hình thức này, chúng tôi đáp ứng tối đa nhu cầu phụ huynh tìm chỗ sinh hoạt cho con em”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

“Việc mở các hoạt động tại trường trong hè không những tạo điều kiện cho học sinh vui chơi, giao lưu, giải trí mà còn là hình thức xóa bỏ áp lực học thêm trong kỳ nghỉ hè” – Ông Đặng Ngọc Quang nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)