Tòa soạnThư đi – tin lại

“Hẻm gà”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gà “dạo chơi” trong con hẻm 40 đường Nguyễn Khoái, Q.4

Quy định cấm chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà đá trong các khu dân cư đã được UBND TP.HCM ban hành đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực. Thế nhưng, thực tế ở nhiều con hẻm trên địa bàn TP từ lâu đã bị người dân “hô biến” thành… “hẻm gà”.
Việc nuôi gà thả rông, đa phần là gà đá gây mất vệ sinh, mất trật tự xã hội và trên hết là tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Gà “quấn” hẻm
Hẻm 40 đường Nguyễn Khoái (P.2, Q.4 – TP.HCM) hầu như không lúc nào ngớt tiếng gà. Được biết đây là nơi chuyên cung cấp gà cho các tay chơi đá gà. Gà ở đây được nuôi nhiều và có tổ chức chứ không nuôi đơn lẻ như ở một số con hẻm khác. Ngay con hẻm nhỏ đầu tiên, hẻm 40/10, lối vào rất nhỏ, chỉ vừa cho một xe máy đi. Tuy nhiên, hai bên hẻm bị người dân tận dụng làm nơi nuôi gà, lồng gà bày la liệt, khiến việc đi lại đã khó lại càng khó hơn. Gà nhảy cả lên mái nhà, bay cả lên ban công. Phân gà rải khắp nơi, trông rất nhếch nhác. Tiến sâu hơn chút thì có hẻm 40/13 cũng trong tình trạng tương tự… Ông Nguyễn Văn Ngà, một người dân sống lâu năm ở con hẻm 40/10, chia sẻ: “Họ nuôi gà không hề có vệ sinh, cứ thả rông như thế, phân gà ở khắp nơi. Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa nước ngập, mùi hôi bốc lên rất sợ. Thỉnh thoảng lại có đám thanh niên tụ tập đá gà, rất mất an ninh…”.
Con hẻm cụt đường Phùng Chí Kiên (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) từ rất lâu được biến thành “hẻm gà đá”. Một số hộ dân tận dụng bóng râm của cây cổ thụ trong con hẻm để thả rông gà. Phân gà phủ trắng gốc cây. Thức ăn thừa đổ ra đó, gà bới tung tóe khắp nơi, lại không được dọn dẹp, từ đó sinh ra ruồi muỗi, chuột bọ.
Là người sinh sống trong con hẻm này, anh Hoàng Phi Long than thở: “Tiếng gà gáy inh ỏi vào lúc ban trưa, không sao nghỉ ngơi được. Hẻm lại nhiều trẻ nhỏ, muốn cho trẻ đi dạo chơi vào buổi chiều cũng không được vì rất mất vệ sinh. Đôi khi dân chơi gà mua bán, trao đổi, cãi cọ nhau ồn ào, mất trật tự… Nguy hiểm hơn, có người còn vì tránh gà mà tự gây tai nạn…”.
Cũng bị “hô biến” thành nông trại nuôi gà bất đắc dĩ, con hẻm 263 đường Thành Công (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) từ lâu đã trong tình trạng nhếch nhác và mất trật tự. Vì có bãi đất trống trong hẻm nên thường được dân chọi gà chọn làm địa điểm đá gà. Sau đó lại được tận dụng để thả gà.
Ôm gà chạy quanh hẻm
Trước thực trạng những “hẻm gà” tồn tại công khai, nhiều quận đã đưa ra rất nhiều biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, kết quả nhận được không mấy thay đổi.
Bà Lê Thị Sao – Phó trưởng phòng Kinh tế UBND Q.Tân Phú – cho biết: “Quận đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm gồm Phòng thú y, Công an quận lẫn Công an phường thường xuyên đi kiểm tra, bắt gà của các hộ dân vi phạm và xử lý tiêu hủy triệt để. Quận cũng chú trọng tuyên truyền đến người dân quy định cấm nuôi gia cầm, đặc biệt là gà đá trên website, trên những bản tin, trong từng cuộc họp dân phố của mỗi phường. Tuy nhiên, vì lực lượng kiểm tra mỏng nên mỗi lần xuống, người dân lại ôm gà chạy quanh hẻm. Hướng tới, quận sẽ phối hợp với phường, tuyên truyền cụ thể từng hẻm, tới từng nhà, ký cam kết…”.
Cũng gặp khó khăn trong việc nghiêm cấm nuôi gà đá trong khu dân cư, đại diện UBND Q.4 chia sẻ: “Một số phường như P.1, P.2 thuộc diện giải tỏa, vì thế người dân có tâm lý bất cần nên công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý việc nuôi gà đá ở các hộ dân rất vất vả. Nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng trên, quận cũng thường xuyên phối hợp với mỗi phường, trạm thú y để tuyên truyền, giám sát và tịch thu, tiêu hủy gà đối với những hộ nuôi gà đá. Tuy nhiên, sau mỗi lần kiểm tra thì người dân dừng nuôi chừng vài bữa. Sau đó đâu lại vào đấy. Có hộ bắt đi bắt lại vẫn tái phạm…”. Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, quy định cấm chăn nuôi gia cầm trong khu dân cư của UBND TP đã có từ lâu. Việc chăn nuôi gia súc trong nội thành tuy không nghiêm cấm nhưng cũng hạn chế vì gây ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện những hộ dân nào chăn thả gia súc, gia cầm trái phép trong khu vực dân cư, người dân nên báo cho ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tại những UBND phường, trạm thú y để tiến hành kiểm tra, tiêu hủy theo quy định nhằm đảm bảo vệ sinh và hạn chế nguy cơ dịch bệnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)