Với nhu cầu tiêu thụ thịt heo ngày càng tăng, có nguy cơ sản xuất sẽ không thể đáp ứng kịp, gây nên tình trạng "cung không đủ cầu". Các nhà khoa học tất nhiên sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Việc chăn nuôi các loại gia súc nói chung và heo nói riêng làm hao tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, với quy trình chăn nuôi heo hiện nay, khả năng tăng trọng của heo gần như đã tới ngưỡng.
Một nhóm khoa học gia thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) gần đây đã nghiên cứu chỉnh sửa gene nhằm làm gia tăng khối lượng cơ bắp của heo để tăng năng suất thịt.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Jin-Soo Kim, cho biết: "Việc cải tạo giống để làm tăng cơ bắp có thể thực hiện qua khâu chọn lọc và lai giống, nhưng sẽ phải mất hàng thập niên mới cho ra kết quả như ý".
Heo "siêu thịt"
Trước đây vào năm 1997, nhà di truyền học Se-Jin Lee thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phát hiện ra vai trò của myostatin và đã thực nghiệm thành công trên loài chuột, tạo ra những con chuột có cơ bắp phát triển gấp đôi bình thường.
Sau đó, một số viện nghiên cứu ứng dụng phát kiến này để lai tạo 2 giống bò thịt Belgian Blue và Piedmontese. Chỉ khác ở chỗ là họ chỉ làm cho các tế bào cơ bắp của bò nhân lên, thay vì tăng trưởng kích thước gấp đôi bình thường, do đó lượng cơ bắp chỉ tăng thêm có 40%.
Thử nghiệm này không thể áp dụng trên quy mô chăn nuôi lớn vì không đạt hiệu quả kinh tế: bò mẹ gặp nhiều khó khăn khi sinh đẻ vì bò con quá lớn, phải tốn nhiều công sức chăm sóc và đòi hỏi chế độ ăn uống đặc biệt cho bò con để đạt mức tăng trọng tối ưu.
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã chọn lựa con đường nhanh nhất là chỉnh sửa gene MSTN, gene này chịu trách nhiệm mã hóa myostatin.
Myostatin là một protein có nhiệm vụ kiểm soát kích thước của cơ bắp ngay từ giai đoạn đầu phát triển của phôi thai và tiếp tục đến hết cuộc đời động vật. Myostatin ức chế sự tăng trưởng của cơ bắp, ngăn ngừa chúng phát triển quá lớn.
Họ đã chỉnh sửa gene để ngăn cản việc sản xuất myostatin, vì thế cơ bắp của con heo sẽ phát triển tự do mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Nhờ vậy, heo sẽ phát triển lớn gấp đôi kích thước bình thường, điều này an toàn hơn là việc cấy ghép thông tin di truyển từ loài vật khác sang heo.
Đến nay họ đã thực hiện việc chỉnh sửa gene thành công trên 30 con heo con thí nghiệm. Họ dự kiến sẽ xuất khẩu tinh trùng của các chú heo "lực sĩ" này, trước mắt là sang Trung Quốc vì nhu cầu thịt heo ở đây là rất lớn, sau đó sang các nước khác.
Chỉnh sửa gene động vật: thành tựu hay ác mộng?
Tuy vậy, hiện nay các nước trên thế giới đều ngăn cấm việc tiêu thụ các sản phẩm động vật biến đổi gene vì e ngại về chất lượng và sự an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc làm này đã bị các tổ chức bảo vệ động vật lên án dữ dội vì vấn đề đạo đức khi buộc heo phải tăng trọng vượt quá mức tăng trưởng tự nhiên của chúng.
Họ cho rằng heo tăng trọng bất thường là một sản phẩm của ác mộng và ngay khi mới sinh ra, chúng đã mang trong mình nhiều bệnh tật tiềm ẩn. Trong số 30 con heo đã được các nhà khoa học Hàn Quốc tạo ra vào năm 2015, chỉ có duy nhất 1 con là tương đối khỏe mạnh.
Xem ra, công trình khoa học này cũng còn gặp lắm gian nan, cản trở từ cộng đồng quốc tế và người tiêu dùng thế giới, trước khi có thề ứng dụng rộng rải trong ngành chăn nuôi thế giới.
Vào đầu tháng này, dân mạng "dậy sóng" sau khi loạt ảnh những con heo cơ bắp cuồn cuộn được đăng lên mạng. Số heo trên được nói là đã được biến đổi gene và do nông dân Campuchia nuôi để bán kiếm lời.
Tờ Mirror đưa tin nhiều người đã chỉ trích việc làm này, nhất là sau khi video cho thấy heo không thể đứng vững do thân hình quá khổ.
Theo số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thịt các loại (heo, bò, dê, cừu, gia cầm) bình quân đầu người của thế giới sẽ tăng từ 34kg/người năm 2014 lên đến 35,5 kg vào năm 2024 (dự kiến), trong đó thịt heo chiếm đến 40%.
Riêng Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt các loại đã tăng từ 3,5 triệu tấn năm 2013 lên 3,6 triệu tấn năm 2014, ước tính sẽ tăng lên 4,5 triệu tấn vào năm 2019.
Năm 2015, tổng lượng thịt heo người Việt tiêu thụ là 2,55 triệu tấn (xếp thứ 6 thế giới), bình quân đầu người 33,2 kg/người/năm, khá thấp so với Trung Quốc (56,4 kg), khối EU (76 kg) và Mỹ (107 kg).
Sản lượng thịt heo của thế giới năm 2015 là 110 triệu tấn.
Bình luận (0)