Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Heo rớt giá, đại lý thức ăn lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Tại tỉnh Đồng Nai, từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá heo hơi tụt đáy khiến hàng ngàn hộ chăn nuôi phải bán trại, treo chuồng, cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng. 

Kéo theo đó, nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi cũng đối mặt nguy cơ phá sản. Tiền nợ bán thức ăn gia súc cho người chăn nuôi không thể thu hồi, trong khi các khoản lãi vay vẫn phải trả, khiến nhiều đại lý rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Đại lý thức ăn chăn nuôi hụt hơi

Ghi nhận tại một số cửa hàng và đại lý cấp 1 chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, hầu như các nơi đều vắng khách. Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) thổ lộ: “Trước đây, trung bình cửa hàng tôi bán được 2 – 3 tấn cám/ngày, gần 100 tấn cám/tháng thức ăn chăn nuôi. Thời điểm gần đây, số lượng sụt giảm rõ rệt, nhất là khoảng một tháng đổ lại. Hiện tại, cửa hàng của tôi bán được rất ít thức ăn cho heo, khách chủ yếu mua thức ăn gia cầm. Trung bình chỉ bán được vài chục, hoặc cao lắm 100kg cám/ngày”.

Là địa phương có số hộ nuôi heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai nên huyện Thống Nhất cũng là nơi tập trung nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi. Đại lý Minh Thúy (xã Gia Kiệm) đang gánh số nợ của bà con nông dân trong vùng lên tới hơn 15 tỷ đồng. Bà Trần Thị Thanh Thúy, chủ đại lý cho hay, giá heo liên tục giảm sâu, 100% hộ chăn nuôi thua lỗ khiến việc trả tiền cám cũng bị ngưng trệ. Mỗi con heo bán ra, bà con nông dân lỗ cả triệu đồng, lấy tiền đâu mà trả tiền cám. Từ sau Tết 2017 đến giờ, hầu như không thu hồi được tiền bán cám nên hiện tại bà chỉ bán cho những hộ có tiền trả ngay, còn những hộ mua nợ, bà nhất quyết từ chối, bởi đã không còn đủ vốn để nhập hàng. Kéo dài tình trạng này, việc các đại lý phá sản là điều thấy rõ. 

Heo rớt giá, đại lý thức ăn lao đao ảnh 1

Heo rớt giá khiến các đại lý thức ăn chăn nuôi lâm vào cảnh ế ẩm 

Chưa có con số thống kê các đại lý thức ăn chăn nuôi thiệt hại ra sao từ việc heo hơi rớt giá thảm hại, nhưng họ đang thực sự khó khăn. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lâu nay giữa các đại lý cám và hộ chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng “gối đầu”. Các đại lý sẽ cung cấp cám cho người nuôi từ đầu vụ, khi bán được heo người nuôi sẽ thanh toán tiền. Cuộc khủng hoảng giá heo kéo dài nhiều tháng qua đã làm người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai gần như cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến việc không trả nợ đúng hạn cho chủ đại lý thức ăn gia súc. Những năm trước, các đại lý vẫn xoay vòng vốn được vì thời gian heo rớt giá xảy ra ngắn. Tuy nhiên, lần này heo rớt giá không thấy lối ra, khiến người chăn nuôi cũng như các đại lý kiệt quệ, nhất là những đại lý ít vốn phải vay ngân hàng để mua cám. 

Hạ giá thức ăn chăn nuôi

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp (DN) và Sở Tài chính đề nghị triển khai ngay các biện pháp tăng cường bình ổn thị trường thịt heo. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các DN kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; không điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. DN sản xuất, kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ bị xử lý nghiêm và thu nộp vào ngân sách nhà nước và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các DN phải thực hiện điều chỉnh giảm ngay giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm giá và kê khai giá theo quy định. Ngoài ra, Bộ Tài chính khuyến nghị DN sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi bán sản phẩm ra thị trường cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng nhằm đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và DN.

Thực hiện khuyến cáo trên của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nghiên cứu, tiếp tục giảm giá để chia sẻ với nông dân trong tỉnh. Song, theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện giá thức ăn cũng đã giảm theo quy luật thị trường và khó có thể giảm thêm. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Bình, cho hay, các nhà máy đều đã có nhiều chương trình khuyến mãi, tự điều chỉnh để giá cám về đúng thực chất. Trong khi đó, đại diện Công ty CP C.P Việt Nam cho biết, công ty đã triển khai giảm giá 200 đồng/kg tất cả các loại cám, đồng thời cũng đang đẩy mạnh sản xuất một số loại thức ăn có thể thay thế các loại thức ăn giá thành cao, giúp giảm giá thành chăn nuôi cho nông dân. 

Mặc dù vậy, theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, giá thức ăn đến tay người chăn nuôi trong tỉnh hiện vẫn cao là do qua nhiều khâu trung gian. Người chăn nuôi mua được thức ăn gia súc ít nhất phải qua 3 cấp và mỗi cấp đều có chiết khấu nên giá đến tay người nuôi vẫn cao. Ông Báu đề nghị, các DN tạo điều kiện giúp người chăn nuôi được mua thức ăn trực tiếp để hạ giá thành. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác sản xuất hoặc hợp tác xã để được ký trực tiếp nhận thức ăn tại nhà máy về cung cấp cho người chăn nuôi.

ĐỨC TRUNG (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)