Theo đúng quy định của Bộ GDĐT, đến 17 giờ hôm nay, 10.10, là ngày cuối cùng các trường được nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3. Kết thúc đợt xét tuyển cuối cùng này, nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt ngành học.
Tiếp tục “thất bát” tuyển sinh
Cập nhật đến ngày hôm nay (10.10), ĐH Huế mới nhận được 421 hồ sơ/gần 2.000 chỉ tiêu NV3, trong đó vẫn có hàng chục ngành chỉ tuyển được vài thí sinh như Sư phạm tiếng Pháp (4/24 chỉ tiêu), Việt Nam học (5/30), Song ngữ Nga – Anh (1/24), Ngôn ngữ Pháp (1/21), Công nghiệp công trình nông thôn (3/33), Cơ khí BQCB nông sản thực phẩm (3/38), Khoa học nghề vườn (1/12), Lâm nghiệp (5/24), Nông học (3/12), Khoa học đất (3/12), Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (5/57), Toán học (4/17), Tin học (7/66), Vật lý (6/30), Toán tin ứng dụng (3/44), Địa chất CT và địa chất thủy văn (1/12), Lịch sử (7/78), Triết học (4/74), Hán Nôm (1/41), Xã hội học (2/38), Ngôn ngữ học (1/42), Đông Phương học (3/54)…
Trường ĐH Đà Lạt đến hết ngày 10.10 vẫn còn 6 ngành “trắng” hồ sơ. 24 ngành còn lại mặc dù có nhận được hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng chỉ có duy nhất 1 ngành Ngôn ngữ Anh nhận được hồ sơ nhiều hơn so với chỉ tiêu. Có đến gần 20 ngành nhận được dưới 10 hồ sơ. Trong năm học này, trường phải đối diện với việc hàng loạt ngành phải ngưng mở lớp đào tạo vì thiếu người học trầm trọng.
Vì lượng hồ sơ quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển nên ĐH Đồng Tháp không cập nhật lượng hồ sơ NV3 nộp vào trường. Hội đồng tuyển sinh của trường đã phải tuyên bố đóng cửa 4 ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện và Công nghệ thiết bị trường học. 10 ngành sư phạm của ĐH An Giang cũng không nhận được hồ sơ nào. Trong tổng chỉ tiêu NV3 là 491 nhưng ĐH An Giang chỉ nhận được chưa tới 90 hồ sơ.
ĐH Thái Nguyên là một trong những trường có tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 nhiều nhất của cả nước khi các trường thành viên cần tuyển gần 1.800 chỉ tiêu nhưng đến nay mới nhận được chưa tới 150 hồ sơ. ĐH Kỹ thuật công nghiệp chỉ có 54 hồ sơ/930 chỉ tiêu cần tuyển, trong đó nhóm ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp không nhận được hồ sơ nào.
Số hồ sơ nộp vào ĐH Sao Đỏ vẫn dừng lại ở 69 hồ sơ hệ ĐH và 108 hồ sơ CĐ trong tổng chỉ tiêu NV3 của cả 2 hệ đào tạo là 2.460 chỉ tiêu.
Ông Lê Thế Vinh – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết,:khó tuyển nhất vẫn là ngành sư phạm kỹ thuật. Mặc dù đây là ngành học chính và ngành sinh viên không phải đóng tiền học phí nhưng đến nay vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Với việc quá ít thí sinh trúng tuyển vào một ngành, trường sẽ không đủ kinh phí để đào tạo. Vì vậy, nguy cơ phải đóng cửa ngành học là điều có thể sẽ xảy ra.
Một loạt các trường khác như ĐH Sư phạm Hà Nộ 2, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Hồng Đức, ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, ĐH Thành Đô, ĐH dân lập Lương Thế Vinh… cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Không còn thí sinh để “vét”
Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết, thực trạng tuyển sinh bi đát năm nay tiếp tục phản ánh thực chất việc thi tuyển ĐH trong những năm qua. Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định số thí sinh đạt điểm thi từ điểm sàn trở lên cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vì sao các trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu?
Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập chỉ ra thực tế: Bộ chỉ tính toán các con số một cách cơ học mà không nhìn nhận đến nhiều yếu tố khác như tâm lý thí sinh, vùng tuyển, thí sinh ảo… Sau đợt xét tuyển NV2, nhiều thí sinh không đỗ đã có tâm lý bỏ cuộc, chấp nhận sang năm thi lại chứ không muốn “đỗ vét”. Ông này đưa ra dẫn chứng: Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có thể có nhiều thí sinh đạt điểm trên sàn, mặc dù không đỗ NV1, NV2 nhưng họ chắc chắn sẽ không muốn lên các ĐH vùng sâu vùng xa như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Lạt hay ĐH An Giang để theo học. Chính vì thế, mặc dù còn nhiều thí sinh có điểm trên sàn nhưng các trường vẫn thiếu nguồn tuyển trầm trọng.
Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập đã từng kiến nghị Bộ GDĐT nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, bỏ điểm sàn… Họ cho rằng, mặc dù Bộ đặt ra điểm sàn để các trường nâng cao chất lượng đầu vào nhưng nhiều năm nay, điểm sàn đều trở thành… chuẩn phấn đấu của không ít trường dân lập, thậm chí cả công lập. Sau đợt trúng tuyển NV1, đến NV2, hầu như các ngành, các trường ĐH công lập đều lấy điểm xét tuyển là điểm sàn, đẩy các trường ngoài công lập vào thế không còn gì để tuyển. Ở các lần xét tuyển NV2, NV3, điểm chuẩn của các trường vẫn là điểm sàn nhưng vẫn chới với, không thể “bám” được đến chuẩn của Bộ.
Các trường đều có nhận định bi quan: Nếu công tác tuyển sinh ĐH, CĐ khộng được cải tiến thì thực trạng tuyển sinh bi đát của nhiều trường vẫn sẽ tiếp tục tái diễn.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)