Từ Trung Quốc đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, từ Brazil đến Caribe, các trận bão đã và sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại, trong bối cảnh thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu.
Hồng Kông hứng trận mưa lịch sử
Giới chức đặc khu hành chính Hồng Kông ngày 8.9 cho biết đặc khu đã ghi nhận "trận mưa lớn nhất" trong vòng 140 năm qua, sau khi bão Haikui đổ bộ ở khu vực lân cận cách đây ít ngày. Theo Cơ quan Khí tượng Hồng Kông, lượng mưa đo được trong 1 giờ đêm 7.9 là 158,1 mm, lập kỷ lục từ khi có thống kê vào năm 1884, Reuters đưa tin.
Thành phố cũng đã duy trì cảnh báo "màu đen" (mức cao nhất) trong hơn 16 tiếng, phá kỷ lục 5 tiếng 47 phút vào năm 1999, theo South China Morning Post. Tính đến đầu giờ chiều 8.9, giới chức báo cáo 1 người mất tích và 117 người nhập viện vì bị thương, sau khi mưa lớn biến nhiều tuyến đường thành thác lũ và khiến nước tràn vào ga tàu, cửa hàng và trung tâm thương mại.
Đường sá bị ngập do mưa lớn ở Hồng Kông ngày 8.9. AFP
Tại TP.Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), chính quyền đã ban hành cảnh báo thiên tai ở mức cao nhất khi lượng mưa trong 12 tiếng đạt 465,5 mm, lập kỷ lục từ khi hồ sơ được lưu lại vào năm 1952, theo Reuters. Toàn bộ trường học, một số ga tàu điện ngầm và văn phòng ở Thâm Quyến đã đóng cửa trong ngày 8.9.
Tại Hy Lạp, dấu vết tàn phá ở vùng Thessaly thuộc miền trung đất nước đã bắt đầu hiện ra hôm 8.9, khi nước rút sau 3 ngày mưa lớn do ảnh hưởng của bão Daniel. Ít nhất 6 người thiệt mạng và Thống đốc Kostas Agorastos của Thessaly ước tính cơn bão có thể gây ra tổn thất cao gấp 3 lần mức thiệt hại 700 triệu euro do lũ lụt gây ra vào năm 2020. Mưa bão cũng làm 8 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Bulgaria ghi nhận ít nhất 2 trường hợp tử vong sau bão Daniel, theo AFP.
Tại Brazil, ít nhất 41 người chết và 25 người vẫn mất tích sau khi một cơn bão tấn công bang Rio Grande do Sul ở cực nam nước này, gây lũ lụt ở nhiều khu vực. AFP cho biết hơn 10.500 người buộc phải rời bỏ nhà cửa tại 83 thành phố bị ảnh hưởng bởi bão. Một cơn bão khác đang đe dọa đổ bộ vào chính bang này trong những ngày tới.
Trong khi đó, bão Lee ở vùng biển Caribe đã mạnh lên thành cấp 5 (cấp cao nhất trong thang đo của Mỹ) vào đêm 7.9, theo Trung tâm bão quốc gia Mỹ. Với sức gió hiện tại là 260 km/giờ, bão dự kiến quét qua phía bắc quần đảo Leeward, quần đảo Virgin và Puerto Rico vào cuối tuần này cũng như đầu tuần sau.
Tác động khó lường
Bão lũ xảy ra sau khi thế giới chứng kiến các đợt nắng nóng với nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong mùa hè này từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng các hình thức thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Một nghiên cứu mới được công bố hôm 8.9 cho biết một số cảng lớn nhất thế giới có thể không thể sử dụng được vào năm 2050 do mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến hoạt động.
"Trong số 3.800 cảng trên thế giới, một phần ba nằm trong vùng nhiệt đới dễ bị tổn thương trước những tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu… Các cảng Thượng Hải (Trung Quốc), Houston (Mỹ) và Lazaro Cardenas (Mexico), một số cảng lớn nhất thế giới, có thể không hoạt động được vào năm 2050 khi mực nước biển mới chỉ cao thêm 40 cm", Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Lloyd's Register, công ty dịch vụ hàng hải ủy quyền thực hiện nghiên cứu.
Theo Lam Vũ/TNO
Bình luận (0)