Theo ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông thì đào tạo CĐ của chúng ta liên thông với ĐH đang ở dạng hình ống – tức vào CĐ bao nhiêu thì thi liên thông lên ĐH bấy nhiêu. Điều này đang gây ra nhiều bất cập.
Hình ống hay hình chóp?
Theo thông tư 55 mới được Bộ GD-ĐT ban hành thì để được học liên thông hệ chính quy, người học lựa chọn một trong hai cách. Thứ nhất người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ để thi liên thông lên trình độ cần và phải dự thi 3 môn là môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành. Thứ hai là nếu chưa đủ 36 tháng thì người học phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký liên thông trong kỳ thi ĐH, CĐ chính quy mà Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm. Còn đối với hệ vừa học vừa làm thì cũng giống như hệ chính quy, nếu đủ 36 tháng, thí sinh sẽ thi 3 môn như trên còn nếu không đủ thì sẽ thi 3 môn văn hóa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức vừa học vừa làm.
Đây chính là quy định được cho là rào cản đối với thí sinh hiện nay. Theo ông Lập, nếu bộ muốn siết chặt vấn đề này theo hình nón thì việc đưa ra quy định trên là cần thiết. Trong thực tế, ông Lập lấy ví dụ đối với sinh viên CĐ thi liên thông lên ĐH. Cách đó 3 năm, vừa tốt nghiệp THPT họ đã không thể thi đỗ ĐH huống hồ 3 năm sau lại bắt họ thi văn hóa. Đây chính là điều bất khả kháng để bộ thu hẹp liên thông.
Còn ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng từ trước đến nay liên thông đã vô tình biến thành đường vòng để thí sinh vào ĐH. Nếu không đỗ ĐH, thí sinh vào học CĐ, sau đó thi liên thông. Chính vì vậy, thi liên thông đã bị biến tướng. Ông Tuấn cũng cho hay, bộ không cấm những người có nhu cầu học lên cao. Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì cứ việc học trung cấp hay CĐ, mỗi hệ đào tạo có mục tiêu riêng, chuẩn đầu ra riêng để cung cấp nhân lực lao động cho thị trường. Do vậy, cứ đi học nghề để vào CĐ, ĐH thì có cần tồn tại những trường trung cấp nghề không? Thông tư mới để các trường tồn tại đúng sứ mạng, không phải là con đường để lên ĐH. Liên thông không phải là đào tạo ĐH 2 giai đoạn.
Có thể thấy, từ trước tới nay đang tồn tại một thực tế: Có rất nhiều thí sinh không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Họ chấp nhận vào học ở bậc học thấp hơn không phải vì muốn học mà mục tiêu là vào ĐH. Trong khi các thí sinh học ĐH chính quy phải thi “trầy vi tróc vẩy” mới đỗ thì những người này, chỉ cần vượt qua đề thi liên thông do trường ra thế là cũng ung dung có tấm bằng ĐH chính quy. Chính sự sính bằng cấp này đã khiến cho công tác phân luồng của Việt Nam bị ách tắc. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực lại rất cần những người thợ có tay nghề cao.
Vấn đề là chất lượng đào tạo
Đối với ĐH chính quy, hiện chúng ta vẫn vướng vào một hạn chế đó là vẫn siết đầu vào và mở đầu ra. Điều này là đi ngược với thế giới. Do vậy, nếu áp quy định trên vào đào tạo liên thông thì chúng ta vẫn quản lý quá chặt đầu vào. Tuy trong thông tư 55 Bộ GD-ĐT có yêu cầu đào tạo liên thông chính quy được tổ chức, quản lý theo các quy định hiện hành của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Đào tạo liên thông chính quy phải tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục ĐH được phép đào tạo liên thông để thực hiện chương trình đào tạo. Sinh viên hệ liên thông chính quy học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy. Nhưng quy định này cũng sẽ vẫn chưa giải quyết được bài toán chất lượng hiện nay. Hơn nữa, bịt đầu vào liên thông, chắc chắn, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 sẽ “khốc liệt” hơn so với những năm trước. Còn theo ông Bùi Anh Tuấn, tất cả những gì thông tư đưa ra chỉ là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người học. Thực hiện thông tư mới cả người học chính quy và liên thông đều được đảm bảo về chất lượng đào tạo dần dần lấy lại uy tín cho người lao động, cho cả nhà trường. Ông Tuấn cũng cho hay, có thể năm đầu thực hiện sẽ có nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng phải thực hiện. Bộ không khuyến khích mở rộng liên thông và phải có sự khống chế số lượng theo đó siết chặt hệ chính quy. Nếu các em không thích học liên thông thì có thể đi vào con đường vừa làm vừa học. Cánh cửa liên thông sẽ không đóng nhưng sẽ hẹp hơn.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)