Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hết thuốc bà nọ đến kem bà kia, ai quản lý?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện trên mạng xã hội đang bùng nổ các sản phẩm làm đẹp, giảm cân, điều trị bệnh mang thương hiệu “bà”, như Bà Lão, Bà Hòe, Bà Dung, Bà Vần, Bà Vân, Bà Bục, Bà Đại…

Nghe có vẻ dân dã, “gia truyền”, nhưng qua kiểm tra, không ít sản phẩm rất “trời ơi” về vệ sinh, an toàn, chất lượng. 

Đủ các thể loại “Bà”

Trên Facebook, liên tục xuất hiện đoạn video quay bà cụ Lưu Thị Hòe ở Hà Giang quảng cáo một sản phẩm mọc tóc có tên Hyra Bà Hòe và nhiều nhánh cỏ cây được cho là thảo dược miền núi, dùng bào chế thuốc mọc tóc. Theo bà Hòe, sản phẩm có ba loại: dầu gội sạch gàu, thuốc xịt kích thích mọc tóc, hà thủ ô làm đen tóc. Được biết, sản phẩm này do bà Hòe cùng một nhóm người khác sản xuất, do Công ty HYDRA có địa chỉ tại TP.Hà Nội phân phối, giá một bộ sản phẩm gần 3 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở bán thuốc của bà Xuyến 3/2018

Làm mưa làm gió không kém trên “chợ” mạng là thuốc giảm cân gia truyền hiệu Bà Vần, Bà Dung được quảng cáo làm từ thảo dược núi rừng như nụ vối, sơn trà, hoa hòe, hoa kim ngân, nấm linh chi, lá sen, trần bì và một loại dược thảo bí truyền của người Tày. 

Một sản phẩm khác cũng đang quảng bá rầm rộ, thu hút người tiêu dùng là thuốc may mắn Bà Bục với hình ảnh các bé sơ sinh trông rất dễ thương, xinh xắn. Thuốc may mắn này là thực phẩm chức năng, nhưng được quảng cáo như thuốc “có thể trị được đa nang buồng trứng, điều hòa kinh nguyệt, điều hòa nội tiết tố, giúp trứng phát triển khỏe mạnh… đã giúp hàng ngàn gia đình vô sinh, hiếm muộn có con”. 

Ngoài ra, còn vô số sản phẩm làm đẹp khác như kem trị mụn, trị thâm nám Bà Lão, kem Đông y đa năng Bà Vân chuyên trị ngứa, zona, thủy đậu, mề đay, tổ đĩa, chàm; thuốc trị tiểu đường Bà Đại… cũng đang được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Hầu hết sản phẩm được làm “lụi”

Với các sản phẩm này, nhà sản xuất, phân phối thường tạo ra các trang web giả mạo trang báo điện tử để quảng bá hoặc chỉnh sửa, cắt ghép, tạo hình ảnh các cơ quan chức năng đến làm việc, cấp phép để tăng thêm niềm tin. Nắm được tâm lý người tiêu dùng thích những sản phẩm mang tính gia truyền, bí hiểm, nhà phân phối thường quảng cáo bằng hình ảnh người bào chế là cao nhân ẩn cư trên núi, người hái thuốc, phơi thuốc là những phụ nữ dân tộc quê mùa, đi vào những nơi hoang vu, hiểm trở.

Không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội, các sản phẩm này còn xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada… Theo quy định của Bộ Y tế, người có bài thuốc gia truyền có hiệu quả trị bệnh phải được sở y tế địa phương cấp chứng nhận. Người có bài thuốc gia truyền muốn hành nghề phải được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. 

Tuy nhiên, các bài thuốc gia truyền gắn với thương hiệu “bà” nói trên đều chưa được cấp chứng nhận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kem Đông y đa năng Bà Vân do Công ty cổ phần Thương mại Song Ánh (phố Trần Khát Chân, P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) sản xuất. Trong hồ sơ công bố, Sở Y tế TP.Hà Nội chỉ phê duyệt sản phẩm này là mỹ phẩm có tác dụng làm mát da, góp phần ngăn ngừa hăm tã, mẩn ngứa, mụn nhọt trên da. Thế nhưng, khi quảng cáo trên các trang thương mại điện tử và in trên vỏ hộp sản phẩm, nhà sản xuất tự giới thiệu sản phẩm có thể trị các bệnh về da liễu. 

Mới đây, Sở Y tế TP.Hà Nội đã phối hợp với (C49) Bộ Công an kiểm tra một điểm kinh doanh ở P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội, phát hiện 29 lọ sản phẩm kem đa năng Bà Vân nhưng người bán không có hóa đơn, chứng từ, sản phẩm không có thông tin gì về xuất xứ. Tương tự, qua kiểm tra đột xuất, Thanh tra Sở Y tế và Phòng Cảnh sát môi trường TP.Hải Phòng ghi nhận, tại cơ sở “Đông y gia truyền” Bà Đại (số 11 Kỳ Đồng, P.Quang Trung, Q.Hồng Bàng) bày bán viên trị tiểu đường Bà Đại nhưng không xuất trình được tài liệu chứng minh về tính hợp pháp của lô hàng.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cho biết, hiện có nhiều trang điện tử, mạng xã hội quảng cáo và rao bán sản phẩm giảm cân Bà Vần, kèm giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 44492/2017/ATTP-XNCB cấp ngày 30/11/2017 tại Làng Mô, H.Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nhưng cục khẳng định, chưa từng cấp giấy xác nhận cho sản phẩm nói trên. Các giấy xác nhận trên là giả mạo.  

Riêng về thuốc mọc tóc Bà Hòe, qua xác minh, Công an thị trấn Vinh Quang (H.Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) khẳng định, tại thị trấn Vinh Quang, không có người nào tên Lưu Thị Hòe, làm nghề bào chế thuốc hay nghề tóc. 

Dù vậy, các sản phẩm “bà” này vẫn còn đầy rẫy trên thị trường, cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý. 

Theo Hoa Lài/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)