Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hết vaccine, bệnh thủy đậu hoành hành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ đang điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: H.Triều
Cùng lúc vaccine phòng bệnh thủy đậu ở những nguồn chính như Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Viện Pasteur không còn, bệnh thủy đậu đã bắt đầu hoành hành khiến người dân lo lắng, nhất là khi Tết Nguyên đán sắp đến.
Mắc bệnh vì thiếu kiến thức
BS. Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khẳng định việc tiêm vaccine ngừa bệnh thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cả ở thôn quê lẫn thành thị đều thiếu kiến thức, cho đến giờ phút này vẫn chưa biết bệnh thủy đậu có vaccine phòng ngừa.
Anh Phan Công Khanh, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM làm nghề sửa xe gắn máy đưa đứa con gái 2 tuổi nổi chằng chịt mụn nước đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhập viện. Trước đó vài ngày, đứa con trai lớn đang học mầm non của anh cũng bị bệnh này chưa kịp khỏi. Anh Khanh thừa nhận trong gia đình không ai biết căn bệnh này có vaccine phòng ngừa. “Nếu biết trước thì tốn bao nhiêu vợ chồng tôi cũng ráng lo cho con, chứ không để cả hai đứa lây bệnh cho nhau rồi cùng phải chịu đau đớn. Con đau một chứ mình đau mười. Chưa kể hai vợ chồng tất bật lo cho con mất cả công ăn việc làm”.
Cũng như người chị gái trong gia đình, nay đến lượt Vy Oanh, ngụ phường 19, Bình Thạnh, TP.HCM mắc phải căn bệnh thủy đậu khi chị đang mang thai ở tháng thứ 6. Một tuần nay chị phải khốn khổ vì ngồi không được mà nằm cũng không xong. “Khắp người bị nổi mụn nước to, kể cả các chân tóc cũng có, khiến tôi vừa đau đớn vừa ngứa ngáy. Khủng khiếp nhất là lúc mụn bị bể nước. Toàn thân tôi lúc nào cũng đau rát. Thêm nữa lại không được tắm giặt khiến tôi có cảm giác như mình đang bị phong hủi”, Vy Oanh thuật lại những ngày chị vừa trải qua với cảm giác khó chịu đến tột độ.
Oanh nói chị thấy đáng tiếc và thấy mình như đang bị bệnh oan: “Rõ ràng là mình có tiền mà không biết có thể chích vaccine ngừa. Nhà chỉ còn thằng út chưa bị thôi. Nó sẽ đi chích ngừa trong nay mai vì thấy tôi bệnh nó cũng sợ phát khiếp”. Theo chị Oanh, người dân cần được tiếp cận kiến thức về các loại vaccine một cách phổ biến và thường xuyên để có thể chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Biện pháp phòng tránh khi chờ nguồn vaccine mới
Theo các chuyên gia, bệnh thủy đậu còn được gọi là phỏng dạ hay trái rạ, do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh này thường xuất hiện vào lúc giao mùa đông – xuân và dễ lây lan thành dịch, do chủ yếu lây qua đường hô hấp, nên giới y tế khuyến cáo người dân cần đề phòng bệnh có nguy cơ bùng phát vào dịp Tết. Theo chu kỳ hằng năm, bệnh thủy đậu thường bùng phát đỉnh cao trong khoảng tháng 3-4. Tuy nhiên thực tế từ tháng 12 năm ngoái bệnh đã bắt đầu chớm và tăng dần. Điều này được biểu hiện qua số ca nhập viện liên tục ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Có ngày bệnh viện này tiếp nhận tới 6 ca bệnh.
Bệnh thủy đậu lâu nay người dân vẫn coi là không có gì nguy hiểm, nhưng thực chất biến chứng hay gặp không chỉ là nhiễm trùng và có sẹo sâu, mà nguy hiểm hơn là khi thủy đậu mọc nhiều trên da và niêm mạc có thể gây viêm niêm mạc miệng, âm hộ, viêm tai giữa, tai ngoài, tiểu ra máu, viêm thanh quản, viêm màng não, thậm chí gây tử vong.
Vào thời điểm này, nguồn vaccine phòng thủy đậu đã hết. Nước ta hiện chưa sản xuất được loại vaccine này nên phải chờ nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm nào có thể nhập vaccine trên vẫn chưa được xác định. Thông tin trên khiến người dân lo căn bệnh này sẽ có nguy cơ bùng phát sớm hơn.
Trước tình hình trên, các thầy thuốc đưa ra những biện pháp chữa trị tối ưu hầu giúp phụ huynh có thể đối phó với căn bệnh này khi thấy trẻ có các dấu hiệu như bị sốt đột ngột (trên 380C), kèm theo viêm đường hô hấp trên thì cần đưa trẻ đi khám BS ngay. Đồng thời cần có biện pháp cách ly trẻ bệnh với trẻ khỏe, không dùng chung quần áo, khăn mặt của trẻ bị bệnh thủy đậu. Điểm cần lưu ý nữa là da của trẻ phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh bị bội nhiễm vi khuẩn gây loét các nốt thủy đậu nhưng cần tắm nước ấm, tránh gió lùa, tắm nhanh, sau khi tắm xong cần lau thật khô da bằng khăn sợi bông và mặc quần áo ngay cho trẻ. Bên cạnh việc giữ vệ sinh, thì việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng là điều tối cần thiết.
Bích Vân
Để tiêm phòng bệnh thủy đậu hiệu quả
Vaccine tiêm ngừa thủy đậu có tên là Okavax và Varilrix. Phác đồ tiêm phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất theo BS. Nguyễn Đắc Thọ gồm 2 mũi tiêm. Đối với trẻ nhỏ, tiêm mũi 1 vào khoảng 12-15 tháng tuổi, và mũi tiêm bổ sung vào lúc trẻ 4-6 tuổi. Đặc biệt, vaccine ngừa thủy đậu không giới hạn độ tuổi, nên có thể tiêm phòng cho bất cứ đối tượng nào, miễn là từ 12 tháng tuổi trở lên. Sau 14 ngày tiêm, kháng thể của vaccine thủy đậu đã được tạo ra để phòng chống bệnh. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)