Khu vực Đoan Môn có diện mạo mới do được cạo rêu, quét vôi tinh tươm. Trước sự quan tâm của dư luận, Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành lên tiếng.
Đúng kỹ thuật?
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội trao đổi với báo chí chiều 16/1, các hạng mục đang làm ở Hoàng thành là quy trình bảo quản. “Năm nay chúng tôi có nhiều hoạt động bảo quản như các hố khảo cổ, di vật tìm thấy trong hố đã phát lộ, cây cối quanh di tích. Riêng Đoan Môn bảo quản bề mặt tường, phần chân tường gạch vồ và hệ thống liên quan đến di tích như cửa gỗ, hệ thống kết cấu mái ở trên”, ông Việt Anh nói. Cụ thể tường được loại bỏ cây và rêu mốc, dương xỉ mọc ở các khe của di tích, chỗ nào nhiều rêu phải cạo ra, hoàn thiện lại bằng vữa, hạn chế sử dụng xi măng.
Hệ thống gỗ, cửa gỗ và các kết cấu gỗ được làm sạch sau đó đánh véc ni, không phải sơn lại, kể cả phần rui mè ở trên cũng được đánh véc ni bằng tay theo phương pháp truyền thống, tra dầu bôi mỡ cho phần bánh xe, thông tin từ Trung tâm. Đi cùng với Đoan Môn, Trung tâm bảo quản cả hố khảo cổ học cạnh đó như sơn toàn bộ hệ thống kết cấu chịu lực mặt kính, làm sạch di tích, ngăn nước xâm thực một cách tối đa, lắp đặt lại hệ thống bơm để hút nước ngấm vào hố khảo cổ, lắp lại hệ thống điện chiếu sáng.
“Đơn vị bảo quản sử dụng phương pháp truyền thống là dùng vôi, cát và rất ít xi măng để vá lại phần gạch bị lộ ra”, ông Việt Anh nói. Theo lí giải, nếu dùng sơn có thể chọn được nhiều tông màu hơn, còn vôi ve chỉ sắc vàng như ở Đoan Môn. “Có thể do cảm quan chúng ta nhìn lúc có rêu và không có rêu hơi khác, nhưng chúng tôi sử dụng đúng vật liệu, phương pháp nguyên gốc từ lần tu sửa gần nhất 1998”, Giám đốc Trung tâm nói thêm. Ông cũng nêu quan điểm, nếu cứ để rêu mốc thế cạo ra mà không quét vôi lại thì di tích sẽ ra sao, bởi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc di tích của họ lúc nào cũng rực rỡ.
Văn Miếu giải trình
Sau ồn ào của vụ khoác áo mới cho Văn Miếu, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội ký bản báo cáo giải trình gửi Bộ VHTTDL, Cục Di sản Văn hóa. Sở lí giải, hầu hết các di tích ở Hà Nội và Việt Nam nói chung sử dụng cấu kiện gỗ, xây tường bằng gạch trát vữa quét vôi nên dễ xuống cấp do khí hậu. “Vì vậy công tác bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ là nhiệm vụ, là hoạt động nghiệp vụ chuyên môn hằng năm của Ban Quản lý di tích”, công văn của Sở nêu. Quy trình chỉnh trang Văn Miếu đều có sự chấp thuận của Sở VHTT và UBND thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên vì nhiều người dân và một số phương tiện truyền thông phản ánh việc bảo dưỡng, quét vôi đã “làm mới di tích”, nên Sở vào cuộc kiểm tra và có kết luận kịp thời. Cụ thể, Sở đánh giá đây không phải tu bổ di tích, chỉ là hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn định kỳ. Việc bảo dưỡng, vệ sinh, quét vôi này đã được phối hợp thực hiện bởi Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Bảo tồn Di tích thuộc Viện Bảo tồn Di tích, Bộ VHTTDL-đơn vị chuyên ngành, có năng lực nghiệp vụ tu bổ, trùng tu, bảo dưỡng nhiều di tích lịch sử văn hoá của nhiều địa phương.Vật liệu sử dụng là vôi ta pha với than bùn, có thử nghiệm và đối chiếu với màu của lớp vôi cũ.
Không riêng Văn Miếu, việc trùng tu bia Quốc học ở Huế, vụ quét vôi ở Hoàng thành luôn khiến giới chuyên gia và người dân sốc, lo sợ ảnh hưởng đến di tích. Không thể để dân phản ứng thì cơ quan chủ quản mới bị động lên tiếng, một chuyên gia văn hóa nói. Lí giải những ồn ào thời gian qua, đại diện Sở VHTT Hà Nội cho rằng đây là bài học cho các cơ quan quản lý, ban quản lý di tích trước khủng hoảng thông tin về di tích. “Chúng tôi sẽ lưu ý hơn việc thông tin đầy đủ cho báo chí và người dân trước, trong và sau khi tu bổ, bảo dưỡng di tích”, ông Trương Minh Tiến nói.
Cẩn thận màu sắc ở di tích
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế cho rằng cần phân biệt giữa màu thời gian và màu gốc của di tích, chẳng hạn Chùa Vàng dù tu sửa kiểu gì cũng phải ra được màu đó. Anh cho rằng màu sắc thể hiện ý nghĩa riêng của mỗi di tích. “Ảnh cũ của Văn Miếu thời Pháp cho thấy di tích được quét vôi trắng toát, tôi không thích cách người ta pha bùn vào vôi ta để thành màu ghi”, anh nói. Anh cũng ủng hộ phương pháp làm di tích sạch sẽ hơn, ủng hộ các màu sáng sủa tuy nhiên phải đối chiếu với màu gốc của di tích. Ở các cơ sở tín ngưỡng, chùa chiền tông màu chủ đạo là trắng, vàng.
Toan Toan (TPO)
Bình luận (0)