Với tiêu chí nét đẹp hình thể phải đi đôi với nét đẹp tâm hồn, lịch trình của các cuộc thi nhan sắc đều dành thời gian để các thí sinh làm từ thiện.
Thế là
một số trung tâm trẻ mồ côi, người khuyết tật lớn thường xuyên trở thành “điểm đến nhân ái” của các người đẹp. Ở các cuộc thi hoa hậu, kịch bản thường thấy là cảnh “chị bế em”, “chị chơi với em”, “chị hôn má em”, “chị… khóc thút thít”.
Ngược lại, các trung tâm này cũng trở nên rất chuyên nghiệp trong việc đón người đẹp với một trình tự quen thuộc: phát biểu, tặng hoa, tặng quà, thăm hỏi, giao lưu. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng những nơi này đã vô tình trở thành… làng kịch để những người đẹp mặc sức diễn, đến nỗi không còn mảy may một chút cảm xúc thật nào.
Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 lần đầu tiên được tổ chức tại VN đã đi 2/3 chặng đường với rất nhiều sự kiện. Và tất nhiên, vẫn không thể thiếu hoạt động từ thiện của các người đẹp. Đến nay số tiền các hoa hậu làm từ thiện đã lên đến hơn 1 tỉ đồng – rất thiết thực, nhưng ấn tượng để lại không nhiều.
Đến thăm những trung tâm bảo trợ trẻ em nổi tiếng ở Hà Nội, Nha Trang, không ít hoa hậu ngạc nhiên trước sự sang trọng và tiện nghi như… resort của những nơi này. Dù đã có nhiều kinh nghiệm “thân thiện với trẻ em” qua các cuộc thi sắc đẹp tại quê hương nhưng các hoa hậu vẫn khó xúc động được.
Có vẻ như không bằng lòng với cách làm đó, một đối tác tài trợ của Mỹ đã cất công kiếm được một nơi xa xôi hẻo lánh để đương kim hoa hậu hoàn vũ Riyo Mori làm từ thiện: xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Đó là một xã nghèo nằm cách Nha Trang hơn 40km, khuất sâu trong triền núi mà phía ban tổ chức VN phải khó khăn lắm mới tìm được đường vào. Buổi sáng 5-7, một băngrôn bạc màu được căng lên trước trạm y tế xã với dòng chữ: “Chào mừng hoa hậu Kiyo Mori…”. Khi được ban tổ chức nhắc, phía xã mới biết là đã ghi sai tên hoa hậu nên vội sửa lại.
Đối với bà con dân tộc Raglai quanh năm quần quật với những rẫy bắp, rẫy khoai thì “hoa hậu” hay “người đẹp” là những khái niệm hoàn toàn xa lạ. Những đứa trẻ cứ tròn xoe mắt khi thấy những chiếc ôtô sang trọng, những người nước ngoài cao lớn, những máy quay phim, chụp hình hiện đại. Các gia đình nghèo cầm sẵn hộ khẩu trong tay đứng xếp hàng đợi nhận quà.
Lần đầu tiên được gặp hoa hậu, họ đã không giấu được những niềm vui vụng về và hồn nhiên, cứ ôm khư khư chiếc màn chống sốt rét mà hoa hậu vừa tặng như một món đồ quí giá. Chuyến thăm ngắn ngủi kết thúc trong sự tiếc nuối của bà con, để lại ấn tượng sâu sắc về một cô hoa hậu giản dị, thân thiện và thứ quà tặng thiết thực.
Nên chăng ở những cuộc thi sắc đẹp tiếp theo, phía ban tổ chức hãy siêng năng hơn, thiết thực hơn, “vùng sâu vùng xa” hơn trong việc tìm kiếm những “điểm đến nhân ái” dành cho các người đẹp. Vẫn còn rất nhiều nơi tương tự xã Khánh Thành đang cần sự giúp đỡ từ cộng đồng trong và ngoài nước.
Đừng để mọi thứ trở thành quá chuyên nghiệp, quá hình thức vì khi đó cũng sẽ có ôm ấp, chơi đùa và… nước mắt qua những hình ảnh được đăng trên báo chí, nhưng với một sự chuẩn bị quá chuyên nghiệp từ cả hai phía (nơi được thăm và người đẹp) thì cảm xúc thật chẳng còn bao nhiêu!
HOÀNG OANH (tuoitre.com.vn)
Bình luận (0)