Hội nhậpThế giới 24h

Hi vọng mong manh

Tạp Chí Giáo Dục

Trung Quốc từng là niềm hi vọng của nhiều nước châu Á khi kinh tế thế giới bắt đầu rơi sâu vào khủng hoảng từ quý 3 năm ngoái. Niềm hi vọng này có thể giải thích được khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong suốt hơn chục năm liền thường duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 2.000 tỉ USD. Tuy vậy, đến hôm qua (5-3), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thừa nhận năm 2009 sẽ là “năm khó khăn nhất” trong thế kỷ này đối với kinh tế Trung Quốc.

Ông Ôn Gia Bảo thành thật nói thẳng Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm khó khăn với Trung Quốc đồng nghĩa cơ hội dựa vào Trung Quốc để vượt khủng hoảng của nhiều nước ngày càng ít đi. Với các nước đang phát triển, Trung Quốc từng là “hi vọng cuối cùng” để hồi phục cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các nhà kinh tế đánh giá kinh tế khu vực châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào các đơn đặt hàng từ phương Tây.

Michael Buchanan, kinh tế trưởng tại châu Á của Goldman Sachs, mới đây nói trên Financial Times rằng sự sụt giảm nhanh chóng khối lượng hàng nhập khẩu từ các nước châu Á vào Trung Quốc cho thấy khách hàng Trung Quốc vẫn chưa thể thay thế khách hàng từ châu Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, ông cho rằng hình thức buôn bán nội khối của châu Á vẫn “mang dáng dấp mô hình dây chuyền cung cấp” để cho việc xuất khẩu đi các vùng khác.

Vào tháng giêng, xuất khẩu của lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm lần lượt là 50% và 33%. Vẫn còn nhiều tin xấu nữa sẽ còn tiếp tục, ít nhất đến hết quý 2 này. Nhiều nước đã chớm hi vọng khi hay tin về khoản tiền kích thích kinh tế trị giá 585 tỉ USD mà Trung Quốc vừa công bố. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, phần lớn gói kích thích này sẽ được đầu tư vào các dự án hạ tầng, đường sá và thủy lợi – không phải là những mảng sẽ kích thích nhập khẩu.

Như vậy hi vọng của các nước về một cứu tinh Trung Quốc có vẻ ngày càng mong manh.

THANH TUẤN (TTO)

Bình luận (0)