Tương tác thuốc dễ xảy ra khi uống một lúc nhiều loại thuốc – Ảnh: T.T.D. |
Dùng chung một lần nhiều loại thuốc có thể dẫn đến tương tác thuốc, nguy hại đến sức khỏe.
Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời hai hay nhiều thuốc, thuốc này làm thay đổi tác dụng hay tăng độc tính của thuốc kia dẫn đến hậu quả có lợi hoặc bất lợi với cơ thể người dùng thuốc.
Mục đích của thầy thuốc khi chỉ định phối hợp nhiều loại thuốc là nhằm khai thác tương tác thuốc có lợi, tức là làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ của thuốc. Nhưng nhiều khi do lực bất tòng tâm hoặc vì có ý đồ không tốt (phối hợp thuốc theo kiểu bao vây để tạo uy tín bác sĩ, làm bệnh nhân tốn tiền mua nhiều thuốc không cần thiết) mà bác sĩ phối hợp thuốc tạo cảnh “hổ và cừu được nhốt chung một chuồng”. Khi được nhốt chung như thế chắc chắn hổ sẽ ăn thịt cừu (thuốc này làm mất tác dụng của thuốc kia) và sau khi ăn thịt cừu, hổ sẽ hăng máu, hung dữ hơn bình thường (thuốc kia làm thuốc này tăng độc tính). Đó có thể xem là bức tranh biếm họa có tính ví von nhằm diễn tả cái gọi là tương tác thuốc có hại.
Khi các thuốc “đánh” nhau
Các bác sĩ, dược sĩ ở các nước tiên tiến phải sử dụng các phần mềm vi tính về tương tác thuốc để xử trí kịp thời, không cho “hổ và cừu sống chung một chuồng”.
|
Khi vào cơ thể, đầu tiên thuốc phải được hấp thu vào máu, nếu thuốc được uống thì giai đoạn này khá nhiêu khê. Sau đó, thuốc từ máu được phân bố khắp nơi để đi lòng vòng khắp cơ thể, hầu đến nơi mà nó cho tác dụng (như vào não để trị viêm não chẳng hạn). Song song với việc phân bố và cho tác dụng, thuốc được gan chuyển hóa. Sau cùng, thuốc sẽ được thận đào thải ra khỏi cơ thể. Trong bốn giai đoạn vừa kể: hấp thu, phân bố, chuyển hóa, bài tiết, nếu hai thuốc uống cùng lúc đánh nhau lộn tùng phèo ở từng giai đoạn, sẽ đưa đến hậu quả có khi rất đáng buồn cho chủ nhân là người dùng thuốc.
Nếu hai thuốc dùng chung bằng đường uống, thuốc này cản trở sự hấp thu của thuốc kia, làm lượng thuốc hấp thu bị giảm trầm trọng, không cho tác dụng điều trị hiệu quả. Đó là trường hợp thuốc kháng axit chữa loét dạ dày chứa Al, Mg (Maalox, Kremil-s…), hoặc thuốc chứa than hoạt, kaolin trị tiêu chảy cản trở thuốc uống cùng với nó trị tăng huyết áp, tiểu đường… làm thuốc sau mất tác dụng (phải uống hai thuốc cách xa nhau ít nhất hai giờ).
Hoặc khi phân bố trong máu, hai thuốc dùng chung cùng liên kết với albumin có trong máu, thuốc có ái lực liên kết lớn hơn sẽ đẩy thuốc kia ra thành dạng tự do, làm tăng nồng độ gây độc tính. Đó là trường hợp dùng chung thuốc kháng viêm phenylbutazon với warfarin sẽ làm tăng tác dụng chống đông của warfarin, gây xuất huyết nguy hiểm.
Các thuốc đều được chuyển hóa ở gan, khi dùng hai thuốc cùng lúc, thuốc này làm tăng hoặc giảm hoạt tính của men gan chuyển hóa, đồng thời làm giảm hoặc tăng hoạt tính trị liệu của thuốc kia, gây hậu quả xấu. Như kháng sinh erythromycin cản trở sự chuyển hóa thuốc giãn phế quản trị suyễn theophyllin, làm tăng độc tính của thuốc này.
Hầu hết các thuốc được chuyển hóa qua thận, vì vậy tương tác thuốc khi xảy ra ở đây sẽ làm thuốc tích lũy lại trong cơ thể gây hại. Như kháng sinh thuộc nhóm aminosid dùng chung với thuốc trợ tim digoxin, digoxin không được bài tiết tốt sẽ tích lũy gây độc.
Còn phải kể loại tương tác thuốc gọi là tương tác thuốc dược lực học. Đó là tương tác xảy ra giữa hai thuốc làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc kia (do tác dụng của hai loại thuốc đối kháng với nhau). Như cafein (có trong dược phẩm trị cảm) gây kích thích làm giảm tác dụng an thần của diazepam. Hoặc không nên phối hợp dùng chung kháng sinh penicillin và kháng sinh tetracyclin vì có sự đối kháng trong tác dụng diệt vi khuẩn.
Để tránh không bị thuốc… trừng phạt
Người dùng thuốc nên lưu ý những điểm sau để tránh tương tác thuốc:
Một số người được gọi là đối tượng có nguy cơ dễ bị tương tác thuốc. Đó là người phải dùng nhiều thuốc vì nhiều bệnh, người cao tuổi, người hay đi khám nhiều bác sĩ (thuộc loại liên tục đổi thầy đổi thuốc), người bị bệnh kinh niên như viêm loét dạ dày – tá tràng, tim mạch (nhất là bị tăng mỡ trong máu hay dùng thuốc chống đông), động kinh, hô hấp (hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính).
Các đối tượng này cần lưu ý ba điều khi dùng nhiều loại thuốc:
– Thứ nhất: khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc (loại bán không cần đơn) tại nhà thuốc phải kể rõ cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết mình đang dùng thuốc gì.
– Thứ hai: khi đang dùng thuốc chữa bệnh, không được dùng thêm bất cứ thuốc gì khác, kể cả thuốc y học cổ truyền hay các loại thực phẩm chức năng mà không hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị.
– Thứ ba: khi đang dùng đơn thuốc ghi nhiều thuốc, nếu có phản ứng bất thường xảy ra nên đi tái khám ngay và kể rõ cho bác sĩ biết sự bất thường đó.
PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC – TTO (Đại học Y dược TP.HCM)
Bình luận (0)