Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiểm họa ngầm tại các cơ sở phế liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Kinh doanh, tái chế phế liệu là ngành nghề kiếm sống khá phổ biến của một lượng lớn người lao động hiện nay nhưng lại như "quả bom" nổ chậm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Một cơ sở thu mua phế liệu bố trí hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC

Một cơ sở thu mua phế liệu bố trí hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC

Với đặc thù nghề nghiệp, nghề này có nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ cao nhưng trên thực tế lại ít được chủ cơ sở quan tâm đúng mức về các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, dẫn tới nguy cơ thường trực về cháy, nổ; khi xảy ra cháy rất khó cứu chữa.
Những “quả bom” nổ chậm
Tại vựa thu mua phế liệu của ông Phan Minh Hoàng (54 tuổi) trên đường Tôn Thất Thuyết, phường 18, quận 4, TPHCM có diện tích 200m2, giữa cái nắng gắt của thời tiết, những đống phế liệu chất cao như núi mà ông Hoàng thu mua đang bốc mùi hôi khắp nơi. Tại đây, nhiều người lao động ra vào liên tục để bán phế liệu. Vì tính chất công việc nên lượng hàng hóa tuy không có giá trị lớn nhưng số lượng rất nhiều, được chất kín hết diện tích của mặt bằng nên mặc dù cơ sở ông Hoàng đã được cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC quận 4 thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền về kiến thức an toàn PCCC nhưng mỗi lần kiểm tra lại vẫn còn lỗi vi phạm. Lỗi khó khắc phục nhất là bố trí hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy. 
Không chỉ vựa phế liệu của ông Hoàng, ghi nhận của chúng tôi tại nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu khác cũng cho thấy điểm chung là những nơi này có diện tích nhỏ nhưng lượng hàng hóa nhiều, chứa nhiều vật liệu dễ cháy như: giấy, nhựa, bìa carton, vỏ xốp, cao su… Hầu hết vụ cháy xảy ra tại các cơ sở thu mua phế liệu là cháy lớn, gần như thiêu rụi 100% diện tích chứa hàng.
Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn TPHCM hiện có 1.816 cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu. Tập trung nhiều nhất ở các quận, huyện Bình Chánh, Bình Tân, 12, Hóc Môn, Nhà Bè. Trong đó, nhiều cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu hoạt động không giấy phép; một số cơ sở có giấy phép nhưng hoạt động không đúng ngành nghề. Những cơ sở này được ví như các “quả bom” nổ chậm, gây bất an cho người dân địa phương.
Chưa quan tâm an toàn PCCC 
Trong các cơ sở hoạt động kinh doanh tái chế phế liệu, việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện an toàn điện là một trong những yêu cầu cốt yếu. Bởi chỉ cần một tia lửa điện cũng có khả năng gây cháy nổ rất cao; khả năng cháy lan không thể kiểm soát rất lớn. Qua kiểm tra thực tế còn tồn tại nhiều cơ sở vi phạm trong việc quản lý và sử dụng điện. Tập trung vào các hành vi như: dây dẫn điện mắc chằng chịt, không được đặt vào ống bảo vệ, để thả trên nền nhà; hàng hóa đè lên dây dẫn điện; dây dẫn điện cắm trực tiếp vào ổ cắm không có phích cắm; mạng nhện bám nhiều trên cầu dao, bảng điện, đường dây dẫn điện.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở những cơ sở thu mua phế liệu, chủ các cơ sở phần lớn là người dân ngoại tỉnh, từ các vùng nông thôn tới. Vì cuộc sống mưu sinh nên họ bất chấp mọi điều kiện tạm bợ để hoạt động kinh doanh. Lực lượng tại chỗ đa phần chưa được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy, vì thế ý thức chấp hành các điều kiện an toàn PCCC thấp; địa phương cũng khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. 
Bên cạnh đó, những cơ sở này chủ yếu kinh doanh tự phát, tạm bợ, thậm chí thuê tạm mảnh đất trống để kinh doanh nên việc đầu tư các điều kiện an toàn PCCC rất khó. Lực lượng Cảnh sát PCCC dù tiến hành kiểm tra, kiến nghị thực hiện thì chủ cơ sở cũng chỉ có thể thực hiện các kiến nghị như trang bị bình chữa cháy, lắp đặt bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC. Còn các giải pháp kỹ thuật khác như trang bị các hệ thống PCCC không thực hiện được. Vì vậy, khi xảy ra sự cố thường là cháy nổ lớn, không kiểm soát được ngay từ giai đoạn ban đầu.
Nhằm ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc khi xảy ra cháy nổ đối với loại hình kinh doanh này, Cảnh sát PCCC TP khuyến cáo chủ các cơ sở kinh doanh phải chủ động, tích cực phòng ngừa, sẵn sàng về lực lượng và phương tiện tại chỗ để kịp thời xử lý sự cố cháy nổ.
Theo đó, cần thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt và các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa, vật dụng trên lối thoát nạn, gần nơi đun nấu, thờ cúng, sát đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây cháy. Bố trí lực lượng tại chỗ thường trực, bảo vệ trông coi để kịp thời khắc phục khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Trang bị các thiết bị chữa cháy nhằm chủ động kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ lúc ban đầu hoặc ngăn chặn sự phát triển của đám cháy không để cháy lan và cháy lớn.

MINH PHƯƠNG/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)