Sự kiện giáo dụcTin tức

Hiểm họa rình rập… học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Lúc sang sông, trên đò QB-1428.H chở đến gần 70 người

Hàng trăm học sinh, giáo viên vẫn ngày ngày vượt sông Gianh bằng những chuyến đò ngang cũ nát, nhồi nhét và bất an toàn. Trước mối hiểm họa rình rập đó, chính quyền địa phương vẫn thờ ơ với những chuyến đò này…
Gần 70 người trên đò… 12 chỗ
Gần trưa, đứng bên bờ dòng Gianh, ở bến đò Nam Phong, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nhìn cảnh tượng hàng trăm học sinh, giáo viên cùng người dân chen chúc nhau trên những chuyến đò qua sông, chúng tôi phải bấm miệng, mím chặt môi lo sợ…
Thực tế hiện nay, khoảng 3.000 nhân khẩu của 700 hộ dân ở 3 thôn: Sảo Phong, Mã Thượng và Cao Trạch của xã Phong Hóa, vẫn phải chấp nhận việc sang sông Gianh bằng đò ở bến Nam Phong nếu muốn ra khỏi địa bàn để học tập, buôn bán, lao động… Bởi nếu theo đường bộ, thì phải đi vòng sang xã Đức Hóa, hơn 10 cây số.
Hiện tại, bến đò Nam Phong chỉ có hai con đò một to, một nhỏ để phục vụ người dân. 11 giờ 30 trưa 19-3, chúng tôi cùng hàng trăm học sinh ở 3 thôn trên đứng chật cứng trên bến nôn nóng chờ đò để về nhà. Rồi chiếc đò lớn số hiệu QB-1428.H có treo biển to với dòng chữ rõ ràng: “Quy định chở 12 người” phành phạch hạ tiếng máy dần vào bến. Đò cập bến, các em học sinh nháo nhào đẩy chen nhau lên, người điều khiển đò là một phụ nữ không hề tỏ ý can ngăn, đến khi đò không còn nhét nổi một chỗ nào nữa mới thôi. Người điều khiển giật máy nổ, dong đò rời bến, chúng tôi nhẩm đếm, trên đò có gần 70 người!
Chị Bình – một phụ huynh có con học lớp 7 thường xuyên đi, về qua bến đò này tỏ ra lo lắng: “Cứ đến giờ cao điểm là rứa thôi. Thấy họ cứ nhét các cháu đông quá. Rồi mỗi chuyến qua sông như thế thì chỉ 1/3 người là có áo phao thôi. Tui nóng ruột gan lắm, nhưng con tui không bỏ học được nên vẫn phải đi đò”.
Khi hỏi nhiều người dân ở gần bến đò Nam Phong về việc các cơ quan chức năng có thường xuyên kiểm tra an toàn bến bãi ở đây không, thì hầu hết đều cho biết: Lâu lâu mới thấy cảnh sát giao thông đường thủy về kiểm tra, nhưng đâu lại vào đó.
Nghe bà con kể thêm, thấy đi đò mất an toàn quá, nhiều người dân đề xuất bỏ tiền túi ra chung vốn làm cầu phao cho bà con đi lại an toàn hơn, nhưng chính quyền địa phương không đồng ý. Khi chúng tôi đề cập việc quá tải ở bến đò này, ông Trần Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa, cho biết: “Hiện bến đò Nam Phong có một đò chính và một đò phụ đề phòng lúc cao điểm. Nhu cầu đi lại của người dân thì rất lớn, nhưng vì sắp làm cầu xuyên Á (thuộc công trình đường nối từ Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên – PV) nên không cần tăng cường thêm đò nữa”.
Nhưng khi hỏi bao giờ cầu được xây, ông Chủ tịch xã cho hay: “Đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Còn khi nào triển khai xây cầu thì chưa xác định được thời gian cụ thể”.
“Tréo ngoe” việc thu phí

Học sinh chen chúc lên đò QB-1428.H để sang sông ở bến Nam Phong, nhưng người điều khiển đò không hề có phản ứng can ngăn

Không chỉ tình trạng qua sông mất an toàn mà việc thu phí ở bến đò cũng có nhiều điều đáng bàn. Nhiều giáo viên Trường Mầm non và Tiểu học Số II Phong Hóa (phục vụ 3 thôn trên), đã bức xúc nói: Thời gian gần đây, việc thu phí của chủ đò bỗng đột ngột tăng cao.
Trước Tết, phí qua đò là 150 ngàn đồng/tháng/người + xe máy nhưng sau Tết, chủ đò đã tăng lên 360 ngàn đồng/tháng. Trước tình hình này, nhiều giáo viên đành phải gửi lại xe máy rồi qua đò và phải đi bộ khoảng 1km đường lởm chởm đất đá, ngập bùn lầy để lên lớp. “Lương giáo viên hợp đồng như em thì ít ỏi mà dành một phần lớn để đi đò thì chịu không nổi. Đã thế đi đò thì như chơi trò ú tim”, cô N. (giáo viên Trường Tiểu học Số II Phong Hóa), than thở.
Đội ngũ y, bác sĩ của xã Phong Hóa sang bên kia sông Gianh công tác thường xuyên cũng chịu cảnh tương tự. Trong khi đó, toàn thể cán bộ làm việc tại UBND xã thì lại được miễn phí đi lại hoàn toàn và được chủ đò phục vụ tận tình, 24/24, hễ cần là có. Cô giáo N. tỏ ra bức xúc: “Nhiều lúc giáo viên có việc cần gấp trong đêm, hay giờ nào đó mà đò nghỉ thì năn nỉ đủ đường, họ vẫn làm khó không chở. Mà nếu có chở cũng hét giá lên 30-50 ngàn đồng/người. Vào dịp lễ Tết, hay vào mùa lũ lụt họ cũng lấy mức giá ấy”. Trong khi đó, mức phí mà người đứng tên làm chủ đò là ông Mai Văn Hoàng đóng cho UBND xã chỉ là 1,4 triệu đồng/tháng. Vấn đề này, ông Hương (Chủ tịch xã), một mực khẳng định: “Phí đi đò được xã quản lý rất chặt chẽ và chủ đò chỉ được thu với giá 60-80 ngàn đồng/tháng/người. Người đi từng chuyến thì 1.000 đồng/người/lượt, thêm xe đạp thì 2.000 đồng, xe máy thì 3.000 đồng”. Khi chúng tôi hỏi nhiều giáo viên phản ánh việc thu giá 360 ngàn đồng/người/tháng + xe máy, thì ông Hương khẳng định: “Không có chuyện đó”.
Về vấn đề cán bộ xã được miễn phí, còn y, bác sĩ, giáo viên thì không, ông Hương nói: “Cán bộ xã lương bổng thấp, lại phục vụ nhiều nơi, đi lại suốt nên phải được miễn phí. Còn giáo viên và y tế xã chỉ phục vụ một điểm nên phải tốn phí là điều đương nhiên”. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đây là quy định riêng của xã. Cái gì cũng thế, phải có những quy định riêng như thế thì xã hội mới phát triển được”, ông Hương giải thích thêm.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia

Bình luận (0)