Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hiểm họa tắc đường thở

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người còn xem nhẹ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên khi phát bệnh thì gần như hết thuốc chữa

Anh Đ.V.L (22 tuổi, quê Quảng Bình) làm công nhân (CN) ngành da giày tại tỉnh Đồng Nai được ba năm. Là thanh niên trẻ khỏe nhưng mới đây sức khỏe anh suy sụp trầm trọng. Đi khám tại cơ sở y tế địa phương, anh được chẩn đoán đau và viêm họng cho thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm, lại ngày càng trầm trọng hơn.

Mắc bệnh mà không biết

Được đưa lên TP HCM cấp cứu tại một bệnh viện (BV) chuyên về lao phổi thì anh L. rơi vào tình trạng nguy kịch, khó thở, hôn mê, bác sĩ “lắc đầu” khi xem kết quả kiểm tra phổi của anh. Còn nước còn tát, anh L. được chuyển sang một BV tuyến trên thuộc Bộ Y tế để điều trị. Song, các bác sĩ tại đây thông báo rất khó tiên lượng vì phổi bệnh nhân đã trắng xóa, rất nguy kịch và đang cân nhắc có nên đặt nội khí quản hay không vì rất nguy hiểm.

Đo hô hấp ký để kiểm tra bệnh COPD
Một trường hợp khác là ông Đ.C.X. (57 tuổi, quê Phú Yên), một ngư phủ với 50 năm trong nghề. Gắn bó với biển khơi sóng gió nên trong mỗi chuyến đi, thuốc lá là bạn đồng hành với ông. Riết rồi ông mắc bệnh phổi lúc nào không hay. Sức khỏe ông sa sút trầm trọng, đặc biệt ho nhiều, khạc đờm về đêm, ông nhập viện tại địa phương nhưng không cải thiện. Vào BV ĐH Y dược TP HCM khám bệnh, qua kiểm tra, đo hô hấp ký, bác sĩ phát hiện ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) giai đoạn nặng. “Quê tui miền biển có quá nhiều người ghiền thuốc. Không hiểu sao bệnh lại rơi vào cha mình”, anh Đ., con ông X., than.
Tại TP HCM, số liệu từ một số BV cho thấy số bệnh nhân mắc COPD đến khám đang tăng nhanh. Tại BV Phạm Ngọc Thạch TP HCM số bệnh nhân COPD đến khám và điều trị tăng 1.000 ca/năm; ở BV Chợ Rẫy số ca mắc bệnh này chiếm 20% bệnh nhân khoa hô hấp… Theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM kiêm Trưởng Trung tâm Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐH Y dược TP HCM, bệnh hô hấp nghề nghiệp trong giới CN tại các KCX-KCN cũng đáng báo động. Bệnh này tiến triển âm thầm đến khi phát hiện thì cuộc sống của người bệnh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Khảo sát của PGS Tuyết Lan cho thấy CN mắc COPD nhiều nhất là ở lĩnh vực sản xuất thép, nhựa plastic, trồng và sơ chế cao su, pin ắcqui, sản xuất dây thun. Nếu tần suất chung mắc COPD ở nước ta là 6,7% thì tỉ lệ CN mắc bệnh này trong ngành thép là 13%, thủy tinh 21%, nhựa 28%, trồng và sơ chế cao su 13,4%, sản xuất pin và ắc-quy là 12,4%….
Theo TS-BS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Viện Lao và bệnh phổi Trung ương, nhiều người mắc bệnh nhưng không hề hay biết. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám quá muộn để lại hậu quả đáng tiếc.
Theo các chuyên gia, phổi là cơ quan hứng chịu những chất ô nhiễm trong môi trường nhiều nhất. Bệnh CODP là tình trạng đường thông khí hệ hô hấp bị tắc nghẽn, gây khó thở và không thể hồi phục hoàn toàn. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như ho, đờm, khó thở… Đến giai đoạn muộn, vách của các phế quản bị xơ hóa, tạo sẹo, các phế nang bị phá hủy, gây nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong sớm.
Hết thuốc chữa !
Theo giới chuyên môn, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh (chiếm 90%), kế đến là các tác nhân như: ô nhiễm không khí, môi trường làm việc, hóa chất độc hại, khói bếp… Người hút thuốc có nguy cơ tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Theo Bộ Y tế, một nghiên cứu do bộ thực hiện tại Hà Nội cho thấy có gần 7% số người trên 40 tuổi bị COPD. 80%-90% bệnh nhân COPD là người nghiện thuốc lá.
Giới chuyên môn khuyến cáo hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn COPD mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ như: bỏ thuốc lá; xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, luyện tập phù hợp; giữ không khí trong lành; tránh khói và các loại khí khó thở; đồng thời rèn luyện thường xuyên để tăng cường sức khỏe…
Con số đáng sợ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện COPD là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới và dự đoán sẽ đứng hàng thứ 3 vào năm 2020. Mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển do thói quen hút thuốc vẫn còn rất phổ biến. Tại Việt Nam, đây là bệnh có tần suất ngày càng tăng. Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng và tập quán hút thuốc lá. Có ý kiến cho rằng CN mắc bệnh này là do thiếu sự quan tâm chăm sóc đúng mức từ các nhà sản xuất, chủ DN, dù rằng họ đem lại lợi ích rất lớn cho DN.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)