Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiểm họa tiềm ẩn từ thực phẩm ở chợ và vỉa hè

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhếch nhác như thế này thì rất khó đảm bảo ATVSTP

Những ngày cuối năm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại “nóng lên”, nhất là thực phẩm tươi sống được bán ở chợ và vỉa hè. Và hiểm họa ngộ độc thực phẩm từ các mặt hàng bán ở chợ, vỉa hè là rất cao nhưng ý thức của người bán lẫn người mua thì chưa quan tâm đến điều đó.
Hiểm họa từ chợ, vỉa hè 
Đi dạo một vòng các ngôi chợ, đều có thể nhận thấy một điều, khu vực bán thực phẩm tươi sống như cá thịt rất nhếch nhác, dơ bẩn, người bán không dùng bao tay… Tại chợ Hiệp Phú (phường Hiệp Phú, quận 9), lối đi quanh khu vực bày bán thịt cá, rau tươi luôn ẩm ướt, trong khi sạp chợ lại thấp và chật chội. Những người buôn bán thực phẩm ở đây hầu hết đều không mang bao tay để giữ vệ sinh khi cân cá thịt cho khách. Đặc biệt ở mỗi sạp thường có một chậu nước rửa dao thớt, rửa tay sau khi bốc thực phẩm nhưng hầu như cả một ngày kinh doanh, xô nước bẩn vẫn không được thay mà tái sử dụng nhiều lần. Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại chợ Phước Bình, Hiệp Phú (quận 9). Tại chợ Văn Thánh (Bình Thạnh), cá, thịt, rau, củ, quả bày bán trong một môi trường rất mất vệ sinh. Ở hàng thịt cá, hầu như tiểu thương ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh xung quanh khi để nước thải, rác, thực phẩm thừa ngay bên cạnh hàng hóa đang bày bán cho khách. Ngoài mùi hôi, thì ruồi và bụi bu bám vào thực thẩm tươi sống lẫn nấu chín. Với lối kinh doanh này, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng của thực phẩm. Riêng ở chợ Tân Hương (quận Tân Phú), kinh hoàng hơn khi một số sạp bán cá nằm ngay bên rãnh thoát nước của chợ, rất mất vệ sinh. Nhiều người trải tấm ni lông bệt xuống đất để bày cá bán.
Tiểu thương Trần Thị Hương (bán cá ở chợ Hiệp Phú) nói: “Thường thì nhân viên vệ sinh làm vệ sinh mỗi ngày một lần, còn tiểu thương như chúng tôi chỉ lo việc buôn bán, ít khi quan tâm đến vấn đề đó”. Không chỉ các chợ nêu trên mất vệ sinh quanh năm suốt tháng mà hầu hết hệ thống chợ ở TP.HCM cũng nằm trong tình trạng tương tự, nhất là những ngôi chợ chật hẹp. Hệ thống chợ ở TP.HCM được xây mới, cải tạo lại rất ít, đa phần đã được xây từ lâu, chợ nhỏ, cũ kỹ, xuống cấp và thiết kế không phù hợp cho điều kiện kinh doanh, trong khi người kinh doanh lại đông. Theo nhiều tiểu thương đang kinh doanh ở những ngôi chợ chật hẹp ở TP.HCM thì xuống cấp chưa phải là yếu tố chính gây nên tình trạng mất vệ sinh trầm trọng hiện nay mà do ý thức của người kinh doanh, ban quản lý chợ và ngay cả người tiêu dùng quá kém trong vấn đề giữ vệ sinh chung. Theo ý kiến của nhiều tiểu thương, nền chợ ẩm thấp, cống rãnh thoát nước thải luôn bị nghẹt, người kinh doanh không thể cải tạo được. Mặt khác, nếu chỉ có tiểu thương giữ vệ sinh nhưng người tiêu dùng khi đến mua cứ bạ đâu vứt đó thì chợ làm sao sạch sẽ được.
Ngoài hệ thống chợ, thực phẩm sống và nấu chín còn được bày bán ở quán xá dọc vỉa hè, ngõ hẻm, xe đẩy lưu động là một loại hình kinh doanh phổ biến mà thực phẩm kém chất lượng và khó kiểm soát nhất. Đặc biệt những ngày cuối năm, chợ tự phát mọc lên khắp các ngõ hẻm khu phố. Ở những điểm kinh doanh loại này thì thịt, cá được bày bán bệt dưới mặt đất, nước sinh hoạt cũng để ngay bên cạnh, sử dụng nhiều lần. Người bán hàng thường không rửa tay trước khi bốc thức ăn. Khâu bảo quản thực phẩm tươi sống và nấu chín rất kém, thậm chí còn thiếu cả những dụng cụ để che đậy.
Chỉ giải quyết được phần ngọn
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý về ATVSTP của TP.HCM, tình hình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM nhìn chung có chuyển biến tích cực. Việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đã được tiến hành thường xuyên; tuy nhiên, còn nhiều cơ sở và cá nhân kinh doanh, chế biến ý thức kém, thiếu trách nhiệm về ATVSTP. Điều kiện đảm bảo vệ sinh nơi sản xuất chế biến, dụng cụ phương tiện lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh chưa thay đổi nhiều. Và có một thực tế là khi các đoàn kiểm tra liên ngành liên tục giám sát, kiểm tra thì giữ được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, nhưng khi đoàn đi rồi thì tình trạng vẫn tái diễn như cũ.
Thực phẩm bán ở các chợ, vỉa hè, xe đẩy lưu động ở TP.HCM không đảm bảo vệ sinh là tình trạng tồn tại đã nhiều năm, nhiều đoàn kiểm tra đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra nhưng thực phẩm mất an toàn cũng thường xuyên xuất hiện. Theo một số chuyên gia quản lý về ATVSTP, hình thức kiểm tra, xử lý các chợ, quán ăn vỉa hè mất vệ sinh như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Theo kết quả đã xử lý từ các cuộc kiểm tra về ATVSTP trong thời gian qua, các đoàn kiểm tra chỉ giải quyết được phần ngọn, phần gốc quan trọng là các cơ sở kinh doanh (tức chợ, hàng quán) không được nâng cấp, cải tạo; tập quán và ý thức của người kinh doanh vẫn không thay đổi.n
Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)