“Bẫy” hố ga giăng ra, người dân tự khắc phục bằng biện pháp “chướng ngại vật”. (Ảnh chụp ngày 25-5-2009 ngay sát Bến xe Miền Đông) |
Tại TP.HCM, chỉ trong hai tháng 6 và 7-2008 có đến 4 vụ tai nạn liên quan đến hố ga, công trình giao thông khiến 6 trẻ em chết thảm thương. Ngay trong đêm đón năm mới 31-12-2008, một bé trai rớt xuống hố ga ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và tử vong. Không riêng TP.HCM, ngày 9-3-2009 tại Hà Nội, một cô gái chết oan chỉ vì xe máy trượt gờ hố ga. Tại Bắc Giang, cũng vì hố ga, một xe tải bị lật, tài xế bị thương nặng phải cấp cứu…
“Bẫy” giăng khắp nơi
Đang trong giai đoạn quy hoạch, TP.HCM như một đại công trình ngổn ngang, “lô cốt” khắp nơi. Kèm theo nó là những hiểm nguy rập rình. Có những thời điểm, tai nạn liên tục ập đến với người tham gia giao thông, với những trẻ thơ mà thủ phạm trực tiếp là những hố ga, cống thoát nước. Theo ghi nhận, trong hai tháng 6 và 7-2008 liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn liên quan đến các hố ga, cống thoát nước làm chết 6 cháu bé và 1 thanh niên bị thương nặng phải cấp cứu. Đêm 31-12-2008, bé trai Ngô Hoàng Võ (7 tuổi) tử vong vì lọt xuống hố ga ở bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Cái chết oan ức và thương tâm của bé Võ là tiếng kêu xé lòng trước “hiểm họa” công trình giao thông không an toàn. Dư luận thật sự phẫn nộ trước hành vi thiếu trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị gây cái chết thương tâm của các cháu. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị thi công, quản lý các công trình này dường như đang… “có vấn đề”? Cho đến nay, các “bẫy” hố ga, cống thoát nước vẫn giăng ra khắp nơi. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình… sau thời gian “cày xới”, “lô cốt” rút đi để lại mặt đường gồ ghề, hàng loạt hố ga trồi lên cao “bẫy” người đi đường. Không chỉ vậy, “bẫy” hố ga còn giăng ra trước nhiều cổng trường học. Từ cuối năm 2008, tại số 144/7D Điện Biên Phủ, P.25, Bình Thạnh, cách Trường Tiểu học Đống Đa chừng 50m là hố ga mất nắp, nước cống chảy tràn lên mặt đường bốc mùi hôi thối dù người dân gọi điện báo nhiều lần nhưng phải hơn ba tháng sau mới có người đến khắc phục. Tương tự, gần sát cổng trường THCS Trần Quốc Toản, Q.9 một nắp cống bị mất từ đầu năm 2009 nhưng phải đến tháng 4-2009 mới được khắc phục. Điều đáng lo ngại là tại đoạn đường này, lúc tan học, rất nhiều học sinh đứng đợi phụ huynh đến đón, nếu chẳng may các em bị sảy chân té xuống cống, tai nạn xảy ra ai chịu trách nhiệm? Vào tháng 4-2009, loạt “bẫy” hố ga, cống thoát nước trên đường Đình Phong Phú chạy ngang qua Trường Tiểu học Phong Phú, Q.9 gây nguy hiểm cho học sinh. Đơn vị thi công hệ thống cống thoát tại tuyến đường này rào chắn rất sơ sài, ống cống chất chồng lên nhau rất dễ lăn xuống. Trong khi đó tuyến đường này rất ít đèn chiếu sáng, học sinh thường xuyên ra vào trường nên nguy cơ “dính bẫy” rất cao. Không chỉ trường học, ngay sát Bến xe Miền Đông, hố ga xuống cấp, hỏng nắp như chiếc bẫy giăng ra “bẫy” người và xe cộ qua đây. Đặc điểm của đoạn đường này là rất nhiều người, phương tiện tham gia giao thông và ngay vị trí hố ga bị hỏng là trạm xe buýt nên nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Hố ga này “phát bệnh” từ đầu tháng 5-2009 và người dân tại đây đã nhiều lần điện báo cho các đơn vị có trách nhiệm đến xử lý, khắc phục nhưng đến nay đã là cuối tháng 5-2009, tình trạng nguy hiểm ở hố ga này vẫn chưa được khắc phục. Một người dân sống trong khu vực cho biết “Nắp đậy này hư rồi, chỉ đậy tạm vậy thôi, xe cộ không chú ý chạy lên là sụp xuống cống liền. Mấy người ở đây gọi điện báo hoài mà có thấy ai đến sửa đâu. Chúng tôi lo là tai nạn xảy ra trước khi họ đến sửa nên đã cắm nhành cây, phế liệu bên hố ga để cảnh báo người đi đường”.
Bao giờ mới hết “bẫy” hố ga, cống thoát nước?
Năm 2008, tại thành phố, “hiểm họa công trình giao thông” khép lại bằng cái chết thương tâm của bé trai Ngô Hoàng Võ trong đêm giao thừa. Mùa mưa năm nay đã đến, cùng với nó là những tháng hè, thêm nhiều cái “bẫy” giăng ra đối với học sinh. Hai tháng 6 và 7 sắp tới gợi nhắc người dân TP.HCM nhớ lại “hai tháng thương tâm” năm ngoái liên tiếp bốn vụ tai nạn thảm khốc gây nên cái chết thảm thương của 6 trẻ em. Và mới đây, thông tin về hố ga gây ra cái chết oan ức của cô gái ngoài Hà Nội như thêm một lời cảnh báo cho những người có trách nhiệm, những đơn vị quản lý các công trình giao thông đường bộ tại thành phố. Nhưng dường như chừng đó chưa đủ cảnh tỉnh những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này? Bởi hiện nay khắp các con đường, quận huyện của thành phố vẫn còn đó những hố ga “tử thần”, những cống thoát nước sụp lở, mất nắp, những công trình thi công rào chắn không an toàn, những mặt đường tái lập cẩu thả biến hố ga thành những chiếc bẫy chực chờ gây tai nạn cho người dân. Và trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị chức năng, cơ quan quản lý?
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)