Chiếc xe lam này không biết đổ sập lúc nào, nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân. Ảnh: H.Thuận
|
Hiện nay, tình trạng xe quá đát, xe công nông, xe lam… vẫn xuôi ngược trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn của TP gây ra không ít nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Từ xe đò cũ
Anh Trần Văn Thành, một tài xế lâu năm tại Tân Quy, Củ Chi khẳng định như đinh đóng cột: “Cứ khoảng bốn, năm giờ chiều, anh đến Khu công nghiệp (KCN) Tân Quy sẽ thấy những chiếc xe đò có tuổi thâm niên đến hơn 30 năm vẫn “cõng” hàng trăm công nhân ở đây xuôi ngược trên các con đường tỉnh lộ, quốc lộ”. Quả thật khi theo anh Thành vào khu vực bãi đậu xe gần KCN Tân Quy, chúng tôi thấy tại đây có đến 7, 8 chiếc xe đò “cũ kỹ” đang nằm neo đậu chờ chở công nhân giờ tan tầm. Đến 5 giờ chiều, những chiếc xe đò xếp vào dạng “tuổi cao, sức yếu” này đưa hàng trăm nhóm công nhân về nhà. Chị Lê Thị Thanh Thúy, công nhân Công ty S.H (KCN Tân Quy, Củ Chi) có một thời gian đi làm bằng xe đưa rước này kể: “Kỷ niệm ấn tượng nhất với tôi là cách đây hai năm, hàng chục anh chị em trên một chiếc xe đò đi làm về do bác tài chạy nhanh mà thắng xe quá cũ dừng không kịp nên lao xuống ruộng. May mà họ chỉ bị trầy xước nhẹ nhờ… xe không lật. Từ đó tôi giã từ luôn việc đi xe đưa rước”.
Chị Nguyễn Ngọc Tuyền, nhà ở Phước Thạnh, Củ Chi cho biết, do không có xe máy và nhà ở xa KCN nên hàng ngày chị đành phải chọn phương án đi xe đưa rước. “Vì không còn giải pháp nào lựa chọn nên mới đi trên những chiếc xe như thế này. Xe lúc nào cũng chật cứng người. Đã vậy, do quá cũ nên nó có thể hư hỏng bất cứ lúc nào”, chị Tuyền thổ lộ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, do rất khan hiếm công nhân nên đa phần các công ty ở những KCN “đóng đô” vùng ngoại thành thường hợp đồng với xe khách tư nhân để thực hiện việc đưa rước người lao động. Thậm chí có những công ty còn về tận các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An để rước công nhân. Và cũng vì địa bàn huyện không có xe mới nên họ phải thuê những loại xe cũ. Bên cạnh đó, sở dĩ họ thuê các loại xe này vì giá mềm hơn xe đời mới.
Ở các quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh…, tình trạng các công ty thuê xe “lão niên” đưa rước công nhân không còn mới mẻ gì. Không ít loại xe xuất xưởng từ những thập niên 1970, 1980 vẫn “ung dung” ngược xuôi trên các tuyến đường ngoại thành. Anh Lê Tấn Hùng, hơn 30 năm làm tài xế xe đò và hiện là một chủ xe buýt trên tuyến đường Bình Mỹ – Củ Chi cho biết: “Phần lớn những chiếc xe đò này được “cắt dán” làm lại phần thùng xe từ những năm đầu thập niên 80, còn phần máy thì được làm lại từ đầu máy cũ. Vốn đã cũ và được “chế” lại nên cấu trúc xe không đồng bộ. Do đã quá đát nhưng vẫn phải “cày” nên những “con trâu sắt” này rất dễ xảy ra sự cố như gãy láp, trôi thắng, thậm chí văng bánh… trong quá trình di chuyển nếu như các tài xế chủ quan không thường xuyên chăm xe”.
Đến nhiều loại xe khác
Báo động về việc xe cũ nát lưu thông trên các tuyến đường ở nhiều quận vùng ven nhất hiện nay phải kể đến những chiếc xe lam chở rác dân lập. Anh Nguyễn Văn Minh, có tiệm sửa xe đối diện bãi trung chuyển rác trên đường Nguyễn Huy Điển (quận Gò Vấp) xìu giọng: “Vào giờ cao điểm có đến hàng chục xe lam mục nát chở rác về đây đổ. Nhìn những chiếc xe “oằn mình cõng” đống rác cao chất ngất, tôi nghĩ nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi lưu thông trên đường”. Được biết đây là những loại xe ra đời từ thời Pháp (thập niên 1940, 1950), những chiếc xe có hơn 2/3 “thế kỷ” tuổi đời này đã qua sửa chữa hàng chục, hàng trăm lần nhưng hiện vẫn nhan nhản lưu thông trên các tuyến đường ven đô. Người ta dùng chúng để chở rác, chở phân, chở vật liệu xây dựng… Mặc dù không chở khách, thế nhưng, nếu lưu thông trên những tuyến đường huyết mạch thì đây cũng là hiểm họa gây tai nạn cho những phương tiện khác.
Tại các quận ven và huyện ngoại thành còn có một phương tiện lưu thông khác cũng rất đáng lo ngại là xe công nông (máy cày cải tiến). Ngoài chở rơm, cỏ, phân bón, lá dừa thì hiện nay, các cửa hàng vật liệu xây dựng còn sử dụng xe công nông để chở gạch ngói, sắt thép, xi măng… Khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc như quốc lộ, tỉnh lộ, đường trong khu dân cư…, những chiếc xe “cõng” trên mình gần chục tấn hàng này vẫn “hồn nhiên” phóng với tốc độ lên đến 30, 40km/h. Điều đáng nói, người sử dụng những chiếc xe này đa phần là các bác “hai lúa”, hầu như không ai có bằng lái, hay giấy chứng nhận được phép lái những loại xe thô sơ, cải tiến. Mặt khác, hiện nay Bộ GTVT cũng đã ban hành lệnh cấm các phương tiện này lưu thông trên các con đường tỉnh lộ, quốc lộ… Thế nhưng, “những chú công nông” vẫn “lén lút” lưu thông trên mọi nẻo đường khi có thể.
Rõ ràng, thực trạng về xe quá đát vẫn còn lưu thông trên các tuyến đường ở các quận ven, huyện ngoại thành là điều đáng lo ngại!
Huỳnh Sang
Bình luận (0)