Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiểm họa từ thi công

Tạp Chí Giáo Dục

Người tham gia giao thông bị té ngã do khu vực công trình xây dựng không có rào chắn, biển báo an toàn
Sập giàn giáo, cẩu đứt cáp… gây tai nạn cho người lao động và người tham gia giao thông không phải là chuyện mới, thế nhưng thực trạng đau lòng này vẫn còn tồn tại, gây hoang mang trong người dân.
Vụ tai nạn sáng 6-11 tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân 3, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội (thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông) làm 1 người chết và 2 người bị thương nặng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động tại các công trình xây dựng.
Thót tim vì… cần cẩu
Tại TP.HCM, người đi đường không khỏi ngán ngẩm, lo lắng về tai nạn khi đi qua những công trình nằm ven đường đang xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Mỗi ngày, tại những công trình này có hàng trăm lượt cẩu nâng vật liệu (sắt, cừ bê tông…) lên xuống phục vụ các hạng mục trên cao. Cần cẩu dài hàng chục mét cẩu vật liệu nặng cứ lơ lửng trên đầu khiến không ít người đang tham gia giao thông phải thót tim.
Thời gian gần đây, các công trình xây dựng chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn dẫn về khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng khiến người đi đường hết sức lo lắng. “Nhìn những chiếc cần cẩu “vươn tay” cẩu vật liệu lên rồi chầm chậm thu cần lại lơ lửng trên đầu ai mà không sợ. Nó mà rớt trúng thì chết chắc”, anh Nguyễn Văn Minh, tài xế taxi ở địa bàn này lo lắng.
Người dân ngụ ấp 3, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè bức xúc vì nhiều tháng qua phải sống chung với tử thần từ công trình xây dựng nhà cao tầng trong khu dân cư. “Vôi vữa, đá, sắt vụn… liên tục dội xuống mái tôn, cứ 5-7 phút là nghe đụi đụi trên mái. Người đi ra đi vào cũng ngại vì sắt vụn vuông, tròn đủ kích cỡ rơi xuống liên tục”, anh Phúc, người dân ngụ ấp 3 lắc đầu ngán ngẩm.
Chúng tôi có mặt tại một công trình xây dựng thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh khi công trình này đang trong giai đoạn đổ bê tông. Vì khoảnh đất chật hẹp, đơn vị thi công đã tận dụng khoảnh đất trống bên kia đường nội bộ để tập kết vật liệu. Và khi muốn chuyển chúng lên tầng cao thì dùng cẩu đưa từ bên này sang bên kia nhưng không hề có biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho người đi đường. 
An toàn thi công còn bỏ ngỏ
Ông Nguyễn Văn Bảy, giám sát công trình Công ty TNHH MTV Xây dựng Hòa Phát (TP.HCM) cho biết, với những công trình lớn nằm trong khu vực dân cư đông, đường giao thông… thì trước khi tiến hành cẩu vật liệu phải thực hiện phân luồng hoặc cấm lưu thông tạm thời, đặt biển báo an toàn. Công việc này phải được tuân thủ nghiêm ngặt, có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông, công an và dân phòng địa phương. Hơn nữa, trước khi đưa cẩu vào vận hành cần được kiểm tra độ an toàn của dây cáp, các mối hàn. “Thật khó xác định được tuổi thọ của dây cáp cẩu như nhà sản xuất đưa ra bởi trong quá trình vận hành, đưa vật liệu nặng lên cao, gặp sự cố dằn, sốc hoặc va chạm với đà giàn giáo thì cũng có thể đứt nên việc kiểm tra thường xuyên là thật sự cần thiết”, ông Bảy nói. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng ngày càng tăng. 30%/ tổng số vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực này, trong đó: Do té ngã, sập đổ giàn giáo, bảo hộ lao động sơ sài (hoặc không có), sự cố về điện… Ông Bảy cho biết thêm, hầu hết các vụ tai nạn lao động trong xây dựng là do ý thức an toàn lao động của đơn vị thi công cũng như người lao động còn rất hạn chế. “Che chắn, đặt biển cảnh báo an toàn, người lao động tuân thủ trang bị dụng cụ, thiết bị bảo hộ sẽ hạn chế những vụ tai nạn thương tâm”, ông Bảy quả quyết.
Chủ đầu tư phó mặc cho nhà thầu, nhà thầu giao cho đơn vị giám sát, đơn vị giám sát lại bỏ ngỏ  đơn vị thi công là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng trong thời gian qua. Bác sĩ Huỳnh Khánh An (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy) nói: “Thông thường, nạn nhân tai nạn lao động ở lĩnh vực xây dựng phải chấp nhận thương tật vĩnh viễn, nặng có thể sống đời thực vật. Đó thật sự là một gánh nặng cho xã hội. Điều lo ngại là để chạy đua với tiến độ, một số công trình làm việc cả ngày lẫn đêm”.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Con người làm việc quá 8 tiếng/ ngày với công việc nặng ở trên cao là quá sức. Máy móc cũng cần phải được nghỉ ngơi, “ép” như thế khó tránh khỏi hỏng hóc, tai nạn lao động chết người”, ông Bảy cảnh báo.
 

Bình luận (0)