Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiến đất xây trường để diệt giặc dốt

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Tuông trả lời phỏng vấn đài truyền hình

Nước da nâu bóng rắn chắc nên ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 74. 74 năm sống trên đời thì có tới hơn 50 năm ông sống và làm theo lời Bác. Ngày còn trai tráng thì tham gia đánh giặc cứu nước, khi đất nước hòa bình thì hiến đất xây trường để… diệt giặc dốt. Ông là Trần Tuông (SN 1935) – Bí thư chi bộ ấp Kim Quy A1, xã Vân Khánh, huyện An Minh, Kiên Giang.
Cho dân mượn đất để xóa nghèo
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ nước mất nhà tan, cũng như bao người dân yêu nước, chàng thanh niên Trần Tuông tham gia vào đoàn quân kháng chiến. Sau bao nhiêu năm cận kề cái chết, cuối cùng Trần Tuông và các đồng đội, đồng chí cũng được hưởng cái hạnh phúc của ngày độc lập. Hòa bình lập lại, Trần Tuông trở về quê hương và làm việc ở huyện…
15 năm trước, ông về nghỉ hưu tại ấpKim Quy A1, xã Vân Khánh, huyện An Minh. Cái ấp Kim Quy A1 ngày ấy nghèo lắm, nghèo đến độ không có đường để đi, không có chợ để bà con buôn bán. Còn trường học và bệnh viện là những thứ quá xa xỉ. Bởi vậy mà trẻ em trong ấp bỏ học triền miên, ngày ngày theo cha mẹ lặn lội ngoài đồng ruộng. Người già mắc bệnh chỉ còn biết chờ… chết. Đó là cái nghèo chung của cả ấp. Ngoài ra còn có tới 30% hộ dân trong ấp thuộc diện cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thậm chí, ngay cả gia đình ông cũng chẳng dư giả gì.
“Các cụ để lại cho tôi 50 công đất nhưng phần lớn là đất chưa khai hoang, không làm được gì cả. Vì vậy mà bà vợ tôi và 7 đứa con dù chăm chỉ đến mấy cũng chỉ đủ ăn”, ông Trần Tuông kể.
Nhìn tài sản cha ông để lại bị bỏ hoang trong khi vợ con phải sống kham khổ, ông Trần Tuông trăn trở nhiều lắm. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định phải cải tạo lại đất. Mỗi ngày mồ hôi của ông đổ xuống cánh đồng hoang mỗi nhiều. Lớp chai sần ở bàn tay của ông cũng dày thêm, cứng thêm. Bù lại sự cần cù lao động của ông là những cánh đồng lúa chín vàng và hoa màu xanh tốt… Cũng từ đấy cuộc sống của gia đình ông bắt đầu khá giả hẳn lên. Nhưng niềm vui của ông vẫn chưa trọn vẹn, bởi trong ấp vẫn còn vài chục hộ gia đình thuộc diện nghèo.
“Tôi đến từng hộ và tìm hiểu xem vì lý do gì họ lại nghèo. Khi biết họ nghèo vì không có đất trồng lúa, trồng màu, tôi đã cho mượn đất. Sau hai, ba năm, nhiều hộ đã thoát nghèo. Và đến năm 2006 thì trong ấp không còn hộ nghèo”, ông Trần Tuông khoe.
Trước đây, ấp Kim Quy A1 là ấp có nhiều hộ nghèo nhất xã Vân Khánh nhưng sau hơn 10 năm ông Trần Tuông về làm bí thư thì ấp đã không còn hộ nghèo. Và cũng là ấp đầu tiên trong xã thoát nghèo…
Từ phà “sáu Tuông” đến trường “ông Tuông”
Cha mẹ đói cơm nên con phải đói chữ, dân làng đói ăn nên không ai quan tâm đến con đường tới trường của đám trẻ. Nhà cách trường một con sông nên đám trẻ phải đi học bằng xuồng. Nhiều hôm xuồng chở quá tải dẫn đến không ít học sinh bị té sông, ướt hết quần áo, sách vở. Có em té sông quá nhiều nên quyết định nghỉ học. Thương lũ trẻ phải bỏ học, ông Trần Tuông nghĩ ngay đến việc làm phà. Thế là ông bỏ tiền túi ra mua 4 cái thùng phi nhựa và lấy dây, gỗ kết lại thành phà. Chiếc phà đầu tiên đi vào hoạt động đúng vào ngày khai giảng năm học mới (5-9-2003) và những vị khách đầu tiên chính là đám trẻ trong ấp. Cũng từ đấy, người dân trong ấp Kim Quy A1 gọi chiếc phà ấy bằng một cái tên rất thân thương – phà sáu Tuông. Đến nay, ông đã cho ra lò 5 cái phà sáu Tuông. Mỗi cái phà có trách nhiệm đưa đám trẻ tới mỗi điểm trường khác nhau…
Đám trẻ lớn tới trường rồi, đám trẻ nhỏ ở nhà chẳng biết chơi với ai. Chúng hết vào vườn đuổi chim, bắt bướm lại ra đồng mót lúa, nhổ khoai. Bởi vậy đứa nào đứa nấy đen nhẻm, cũng không biết lễ phép với người lớn, lại càng không biết múa hát. Không thể để tình trạng này kéo dài, ông Trần Tuông nghĩ ngay đến việc phải cho đám trẻ nhỏ này đi học mẫu giáo. Ngay sau đó, ông bàn với vợ con hiến hơn nửa công đất để xây trường mẫu giáo. Có đất rồi, ông tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ được vài chục triệu đồng rồi huy động thanh niên trong làng góp sức xây nên ngôi trường mái ngói sạch đẹp. Đây là ngôi trường mẫu giáo duy nhất của xã Vân Khánh tính đến thời điểm này. Từ khi có trường mẫu giáo, đám trẻ 3 – 5 tuổi trong ấp không phải lang thang tìm chỗ chơi nữa. Buổi sáng, chúng được cha mẹ, ông bà đưa tới trường, thậm chí nhiều đứa tự đi. Ở trường, đám trẻ được học hát, học múa, học ăn nói lễ phép. Cám ơn ông Trần Tuông, người dân trong ấp gọi ngôi trường này là trường “ông Tuông”, dẫu rằng chính quyền địa phương đã đặt tên là Trường Mẫu giáo ấp 1.
Không chỉ hiến đất xây trường, ông Trần Tuông còn hiến gần một công đất để làm đường cho dân làng đi.
Sau 15 năm, từ ngày ông Trần Tuông về làm bí thư, ấp Kim Quy A1 đã “thay da đổi thịt”. Từ chỗ không đường, không trường thì nay đã có trường và đường, đời sống của bà con cũng dần no đủ hơn…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)