Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiến kế cải cách, nâng chất giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Theo GS. Hồ Ngọc Đại, nên áp dụng chương trình giáo dục 11 năm. Trong đó bậc tiểu học là 6 năm, bậc THCS 3 năm và bậc THPT 2 năm. Ảnh: Anh Khôi
Nâng cao chất lượng giáo dục (GD) một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của các nhà GD tâm huyết khi UBMTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này. Các vấn đề được đưa ra đều không mới nhưng để thực hiện được, ngành GD cần phải có một giải pháp đồng bộ.
Bỏ thi tốt nghiệp, học THPT 2 năm
Theo Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, hiện nay đang có tình trạng buông lỏng quản lý thi cử, chất lượng người thầy. Cách đánh giá kết quả GD-ĐTcũng phải xem lại. Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học.
“Tôi mạnh dạn đề nghị Bộ GD-ĐT có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không khi các trường đỗ gần 100%, được một năm thắt chặt thì có lớp đỗ 0%. Bên cạnh đó, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ quá gần nhau gây vất vả cho gia đình, nhà trường. Cách tốt nhất, Bộ GD-ĐT cần xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể, lượng hóa”, Phó chủ tịch nước đề nghị. 
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch nước cũng khẳng định từ kinh nghiệm thực tế và lắng nghe các ý kiến đóng góp, rất đồng tình với cách đặt vấn đề của số đông đại biểu: “Tại sao đất nước chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi lại mâu thuẫn với số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về GD-ĐT, dù đã có đủ chủ trương, nghị quyết…”. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng phân tích so sánh với các nước xung quanh như Malaysia, Singapore để thấy phải thay đổi tư duy GD của Việt Nam. Nhưng Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh đổi mới tư duy như thế nào thì phải thông qua mục tiêu các cấp học, bậc học để xem khiếm khuyết ở đâu để sửa – không thể đưa ra những giải pháp chung chung. Nếu xác định sản phẩm đào tạo của các cấp cần nhiều số lượng, bằng cấp, nặng về lý thuyết hơn chất lượng thì không cần phải đổi mới gì.
Cũng liên quan đến GD phổ thông, GS. Hồ Ngọc Đại lại đề nghị chỉ cần học phổ thông trong vòng 11 năm. Trong đó có 6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT. 
GS. Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định nhân tài là đặc sản cá nhân. GD đại trà chỉ cấp cho cá nhân những tri thức và kĩ năng cơ bản bắt buộc, tối thiểu, không thể không có. Do đó cần phân chia bậc học theo 2 tiêu chí: Sự phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại qua các lứa tuổi. Nhu cầu sức lao động của các cá nhân trong nền sản xuất hiện đại. Còn PGS. Văn Như Cương thì cho rằng, cần phải cấu trúc lại chương trình THPT. Nên để THPT phân thành hai nhánh, một nhánh trường THPT và nhánh kia gọi là trung học có dạy nghề.
GDĐH dễ dãi
Các vấn đề của GDĐH cũng được các đại biểu đưa ra bàn bạc và thảo luận tại hội nghị. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN &NĐ Quốc hội, quy mô GDĐH phát triển quá nhanh sau 40 năm qua và bộc lộ rất nhiều hạn chế như quy mô phát triển không tương xứng với chất lượng, quy mô đào tạo chưa cân đối giữa các ngành. Ông nhấn mạnh đến tính thiếu sàng lọc trong đào tạo của hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay. Điều này được thể hiện ở chỗ quá trình đào tạo thầy thương trò, dễ dãi, chấm luận văn không thực chất. Tiêu cực đều có cả như chạy thầy, sao chép luận văn, luận án… Nguyên nhân của vấn đề này là nôn nóng phát triển nóng, tràn lan.
GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra các giải pháp khắc phục như  xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo gồm chính sách, tổ chức kiểm định và xếp hạng các cơ sở đào tạo. Phải có tiêu chí, có cơ chế kiểm định, hiện Việt Nam chưa có tổ chức kiểm định nào hoạt động. Đồng thời hoàn thiện chương trình đào tạo sau ĐH, tôn trọng quyền tự chủ của các trường. 
Đặc biệt, GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hiện nay cần xem lại vì dựa trên tiêu chí hình thức chứ chưa biết tình trạng đào tạo thực của các trường.
Còn đối với các trường ĐH ngoài công lập, GS. Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng chính sách cho các trường ngoài công lập hiện nay rất kém, bất cập. GS Trần Phương đề nghị để xã hội hóa GD Nhà nước cần cân bằng học phí trường công và trường tư.
Nghiêm Huê
Năm 2014, vẫn thi tốt nghiệp THPT
Trước đề nghị của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về việc bỏ thi tốt nghiệp, ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã có trả lời chính thức về việc này. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thi tốt nghiệp hiện nay có hai mục đích. Thứ nhất là hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập của thí sinh, xác nhận trình độ, năng lực có đạt được yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không. Thứ hai là động viên sự cố gắng hứng thú học tập của học sinh, cố gắng cải tiến phương pháp của giáo viên để giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy và học. Sau thi, cơ quan quản lý đổi mới chỉ đạo hiệu quả cho những năm sau. Bộ đang nghiên cứu và đưa ra định hướng đổi mới các kì thi, công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam cũng như Đề án đổi mới chương trình SGK sau 2015. Sau khi các đề án được thông qua, phê duyệt, bộ sẽ công bố phương án đổi mới  để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức.
Cũng theo ông Hiển, đúng là hai kì thi có nhiều tương đồng môn, lại tổ chức gần nhau, gây ra nhiều khó khăn, bức xúc nên có nhiều ý kiến: Bỏ thi tốt nghiệp, chỉ giữ kì thi ĐH. Hiện tại, không chỉ một kì thi mà công nhận được, phải gắn với dạy học, quá trình kiểm tra. Kết quả công nhận tốt nghiệp làm cơ sở cho nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Hướng này nhiều người cho rằng gọn nhẹ, hiệu quả. Học đến đâu thi dần, cuối cùng thi tổng hợp cũng là một hướng. Bộ cũng đang làm ngân hàng câu hỏi với 3 mức độ: Tư duy, kiến thức, kỹ năng. Làm đề thi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên các câu hỏi, đảm bảo các yêu cầu như 50% hiểu và vận dụng, nhớ 50%. Khi học sinh càng giỏi thì tỷ lệ câu hỏi yêu cầu hiểu, vận dụng phải nâng lên. Khi ngân hàng này chưa hoàn thiện, nếu giao kì thi cho địa phương thì bộ chưa tin họ có thể làm tốt. Hiện nay, bộ cũng chỉ ra quy chế, làm đề, thanh tra kiểm tra, còn tất cả vẫn giao cho địa phương.
Ông Hiển còn khẳng định, với nhiều tỉnh đỗ cao chót vót như hiện nay thì rõ ràng là chưa đánh giá đúng thực tế. Nếu làm nghiêm thì hầu hết các tỉnh đều giảm tỷ lệ đỗ. Tuy nhiên, để trả lời bao giờ thực chất và thực chất đến mức nào thì bộ không trả lời được vì nó còn nhiều yếu tố, liên quan đến các địa phương. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, khi chất lượng đang bị giả mà cao quá so với thực chất thì khi chúng ta làm nghiêm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ giảm, nhưng khi điều kiện tổ chức dạy học càng tốt thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thực chất sẽ lên. Chỉ khi đầu lên và đầu xuống giao thoa với nhau thì lúc đó mới là thực chất.
T.Lam
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)