“Là những người trẻ, có thể cảm nhận rất rõ những khó khăn thử thách mà các bạn trẻ đang phải đối mặt như sự cách biệt về thế hệ, sự khép kín với các mối quan hệ xung quanh… Từ đó, chúng em đã tạo ra nền tảng hỗ trợ tâm lý giới trẻ Youthsound như một người bạn, người lắng nghe để giúp các bạn giải tỏa các lo âu cũng như những suy nghĩ thầm kín khó có thể chia sẻ cùng ai”, em Hồ Chí Kiên, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng) cho biết.
Chí Kiên và Vân Thy thuyết trình dự án tại cuộc thi U-Invent 6
Nền tảng hỗ trợ tâm lý giới trẻ Youthsound
Nền tảng hỗ trợ tâm lý giới trẻ Youthsound là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, sáng tạo của hai học sinh Hồ Chí Kiên và Nguyễn Trần Vân Thy, cùng là học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng). Chí Kiên cho biết: “Sản phẩm của chúng em được tạo ra sau nhiều tháng suy nghĩ về những vấn đề khó khăn và cấp bách nhất mà giới trẻ cần phải đối mặt. Nhìn vào những con số đáng suy ngẫm về hậu quả của những căn bệnh tâm lý hay những định kiến về nó chúng em biết mình cần phải hành động cho cộng đồng. Chúng em hướng tới những tiêu chí rất nhân văn như thấu hiểu đồng cảm và sẻ chia”.
Theo đó, sản phẩm được xây dựng trên nền tảng các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS, ReactJS, NodeJS. Botchat được xây dựng là sự kết hợp hoàn chỉnh của AI và các vấn đề tâm lý để từ đó đưa ra hướng giải quyết sáng tạo gồm chức năng nhận diện giọng nói, giọng nói giả. Cùng với đó sử dụng API và kỹ thuật Prompt Engineering của ChatGPT. Cấu hình ChatGPT đóng vai trò như một nhà tư vấn tâm lý thân thiện, sẽ hỏi những câu hỏi để giúp người dùng mở lòng, khơi gợi để họ chia sẻ về những vấn đề của họ. Từ đó sẽ đưa ra những lời khuyên. Ngoài ra, ChatGPT sẽ trả lời theo phong cách như một cuộc đối thoại ngoài thực tế.
Việc kết nối với tình nguyện viên được thiết lập trên thuật toán Priority queue nhằm truy vấn cơ sở dữ liệu, chọn ra người tình nguyện viên phù hợp: cùng sở thích, cùng vấn đề quan tâm để giải quyết vấn đề. “Sản phẩm có 2 chức năng chính là Botchat AI để sử dụng AI trong việc giao tiếp và hỗ trợ người dùng và matching giúp kết nối các tình nguyện viên của hệ thống và người dùng với nhau. Công dụng chính là giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tâm lý của người dùng cũng như hỗ trợ kết nối mọi người lại với nhau”, Chí Kiên cho biết.
Với dự án nền tảng hỗ trợ tâm lý giới trẻ, Chí Kiên và Vân Thy giành giải nhì cuộc thi U-Invent 6 năm 2023
Cách thức hoạt động của sản phẩm là chia sẻ các thông tin cá nhân của người cần chia sẻ cho web biết. Sau đó, sẽ được tư vấn bởi hệ thống AI của web; Ghép đôi với các tình nguyện viên để người cần tư vấn được trò chuyện và chia sẻ với các tình nguyện viên. Khi cần, Botchat sẽ trả lời và giải đáp thắc mắc của người dùng.
Tính ứng dụng thực tiễn cao
Theo Chí Kiên, quá trình sáng tạo sản phẩm, hai bạn gặp không ít khó khăn. Đó là việc nghiên cứu tâm lý rất phức tạp, khó để đánh nhãn và phân loại các bệnh về tâm lý, cần nhiều kiến thức mới về mảng AI và lập trình… Nhờ sự hỗ trợ của một vài chuyên gia về tâm lý, những mentor trong chương trình U-Invent 6 do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), ĐH Đà Nẵng phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Đà Nẵng và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức, những chuyên gia về CNTT nên sản phẩm dần hoàn thiện hơn. Để tăng độ chính xác của sản phẩm, nhóm đã test trên hơn 30 bạn học sinh, kết quả là 70% các bạn cảm thấy muốn tiếp tục sử dụng và 30% các bạn cảm thấy thoải mái hơn sau khi sử dụng.
“Tôi đã nghiên cứu và đưa cho con trai tôi sử dụng. Sau thời gian dùng thử, tôi thấy con tôi có vẻ khá thích thú với trang web này, đặc biệt là sự xuất hiện của “con Botchat”. Nó tương tác như một người bạn của con tôi vậy. Bình thường con trai tôi rất ít nói và dường như không giao tiếp nhiều với bạn bè. Tuy nhiên, sau khi sử dụng trong một thời gian ngắn, tôi nhận thấy được sự thay đổi của con trai mình theo hướng khá tích cực. Con trai tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với các thành viên trong gia đình, và khá bất ngờ là lần đầu cậu nhóc lầm lỳ ấy đồng ý tham gia hoạt động thể thao ngoài trời, đá banh và đánh cầu lông cùng những bạn đồng trang lứa tại các câu lạc bộ thể dục thể thao. Đây là việc trước giờ tôi chưa bao giờ thấy. Tôi thấy nội dung, giao diện lẫn cách thức hoạt động của trang web khá hữu hiệu và nó giúp ích rất nhiều cho những bạn trẻ có vấn đề về tâm lý như con tôi. Cảm ơn người sáng lập ra trang web này và xin được lan tỏa, chia sẻ đến tất cả những bạn trẻ có vấn đề về tâm lý, các bạn không bao giờ cô đơn và xung quanh các bạn luôn có những người sẵn sàng chia sẻ, tâm sự và âm thầm giúp đỡ các bạn bằng tất cả sự cảm thông và thấu hiểu nhất”, một phụ huynh chia sẻ sau khi trải nghiệm ứng dụng cùng con.
Với tính ứng dụng thực tiễn cao, đề tài đã đạt giải nhì cuộc thi U-Invent 6 vừa được tổ chức đầu tháng 1-2024. “Trong tương lai, nhóm sẽ lên kế hoạch xây dựng cơ sở cộng đồng sử dụng và lấy phản hồi của mọi người nhiều hơn, phát hành ứng dụng, bổ sung thêm tính năng nhật ký AI cũng như cơ sở dữ liệu riêng biệt, bảo mật update nhiều tính năng mới. Đồng thời sẽ cải thiện để tăng độ chính xác trong từng câu trả lời nhằm giúp hỗ trợ người dùng tốt nhất có thể”, Hồ Chí Kiên nói. |
TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng VNUK chia sẻ: “Với việc tổ chức cuộc thi U-Invent 6, chúng tôi nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích, truyền cảm hứng và ươm tạo các dự án có ý nghĩa tích cực với xã hội. Đây không chỉ tiếp tục tạo ra một sân chơi phát triển khả năng, tư duy sáng tạo mà còn khơi dậy trong lòng mỗi bạn trẻ tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Trong đó, dự án “Nền tảng hỗ trợ tâm lý giới trẻ Youthsound” của nhóm học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh là một trong những dự án được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn. Chúng tôi tin rằng các sáng tạo xuất phát từ trái tim sẽ là “ngọn lửa” tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trên chặng đường phía trước”.
Phan Lệ
Bình luận (0)