Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiến máu cứu người thân không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

 

 

 

Nhiều trường hợp máu không đạt yêu cầu

Có mặt tại khu vực tư vấn hiến máu thuộc Bệnh viện Tim TPHCM, chúng tôi thấy cảnh người đứng, người ngồi, người nằm co trên ghế đá hoặc ngồi gục đầu chợp mắt trong lúc chờ gọi tên. Đó là những người nhà của bệnh nhân đang chờ vào tư vấn và thử máu để hiến máu cho người thân của mình được phẫu thuật. Cuộn mình trên chiếc ghế đá, anh Phạm Văn Thiệt (ngụ xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ngủ ngon lành dù ánh nắng chiếu thẳng vào mặt. Khi bác sĩ gọi tên vào thử máu, anh bật dậy lấy vội chiếc khăn ướt lau qua mặt rồi bước vào. Vài phút sau, thấy anh Thiệt trở ra với nét mặt vẫn còn mệt mỏi, chúng tôi hỏi thăm và được anh cho biết: “Chị tôi cần phẫu thuật sớm, hôm trước đã có 4 người nhà đón xe vào thử máu nhưng tiếc là chỉ có 1 người đủ điều kiện hiến máu, còn những người khác do máu “có vấn đề” nên không hiến được. Đêm qua, tôi và 2 người khác đón chuyến xe muộn vào để kịp sáng nay thử máu. Hiện giờ mọi người ở quê hoang mang lắm, không biết có đủ máu cứu chị!”.

Có “thâm niên” chăm sóc vợ 6 năm tại Bệnh viện Tim TPHCM, anh Trương Văn Ngàn (ngụ phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Chuyện hàng chục người nhà của mỗi bệnh nhân phải kéo nhau vào bệnh viện thử máu để hiến cho người thân nhưng không đạt yêu cầu là chuyện bình thường. Nhà gần còn đỡ chứ ở xa cực lắm, họ phải thuê xe vào ra, có khi đi đường mệt mỏi, sức khỏe yếu, thử máu chưa đạt yêu cầu lại phải thuê nhà nghỉ để hôm sau thử lại, vô cùng vất vả và tốn kém. Có người không cùng nhóm máu mà máu đạt yêu cầu thì họ vẫn lấy để đổi máu phù hợp, những ai mà người nhà không hiến đủ máu thì phải viết đơn xin từ ngân hàng máu của bệnh viện, nhưng chờ được duyệt cũng là cả một thời gian dài trong khi người bệnh đang sống lây lất”.

Chỉ tay về dãy hành lang đang có hàng chục người ngồi ôm ba lô với gương mặt mệt mỏi, lo lắng, chị Nguyễn Thúy Yên (ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) kể: “Tôi cùng hơn chục người trong gia đình cũng vừa lên tới đây lúc 4 giờ sáng để hiến máu cứu anh trai. Sáng nay bác sĩ lấy máu sớm, hẹn chiều mới có kết quả, ai cũng lo lắng không biết có cùng nhóm máu, có đạt yêu cầu, chứ nếu phải mua máu thì xoay đâu ra tiền, nhà chẳng còn gì đáng giá”.

Từ sáng sớm đã rất đông người chờ test máu để cho máu cứu người thân tại Bệnh viện Tim TPHCM

Sẵn sàng trợ giúp người bệnh

Một bác sĩ tại Bệnh viện Tim TPHCM cho biết, hiện tại số bệnh nhân mắc bệnh tim rất đông nên nhu cầu máu rất cao. Để kịp thời cứu bệnh nhân, người nhà phải chủ động cử người túc trực cho máu trước, nhất là trường hợp cấp cứu. Tuy nhiên, người Việt Nam, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn thường không quan tâm đến việc thăm khám tổng quát định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, thậm chí họ còn không biết mình thuộc nhóm máu nào, do đó khi người nhà bị bệnh, cần máu khẩn cấp thì mới tới bệnh viện kiểm tra nên xảy ra tình trạng không cùng nhóm máu hoặc máu không đạt. Do vậy, mọi người dân nên thăm khám tổng quát định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và giúp được người thân trong lúc nguy kịch. Đối với trường hợp cấp cứu, người nhà không hiến đủ máu, bệnh viện sẽ ứng máu trước rồi hướng dẫn tới các trung tâm hiến máu nhân đạo để được hỗ trợ hoàn trả.

Theo bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, điều kiện tiên quyết để có thể hiến máu là đạt lượng huyết sắc tố (một thành phần quan trọng của hồng cầu), không mắc các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng hay các bệnh như máu nhiễm mỡ, viêm gan B, C… Ngoài ra, khi di chuyển xa, người hiến máu mệt mỏi, ăn uống không đủ chất, thiếu ngủ dễ dẫn đến huyết áp thấp, nhịp tim không đều nên có thể không đáp ứng được chất lượng máu; do đó cần phải nghỉ ngơi ít nhất 4 tiếng để hồi phục sức khỏe trước khi hiến máu. Hiện nay, ở 24 quận – huyện của TPHCM đều đã lập lực lượng hiến máu dự bị; vì vậy, các bệnh nhân ở TPHCM có thể đến các quận nơi mình cư ngụ để được trợ giúp máu. Còn bệnh nhân ở tỉnh thì liên hệ với Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM.

Về thủ tục xin máu, bác sĩ Như Tố cho biết, các trung tâm đều có đội ngũ tình nguyện viên luôn sẵn sàng hỗ trợ máu cho người bệnh, nhất là bệnh nhân có sổ hộ nghèo hoặc giấy xác nhận gia đình khó khăn của địa phương. Sau khi nhận được đơn xin máu của bệnh nhân, trung tâm sẽ liên hệ với các tình nguyện viên để họ sắp xếp thời gian đến kiểm tra và hiến máu. Trường hợp máu hiếm có thể sẽ lâu hơn vì lượng tình nguyện viên ít và rải rác ở khắp nơi.

Đối với trường hợp bệnh nhân đã ứng máu trước, trung tâm tiếp nhận đơn và cử tình nguyện viên tới hiến máu, nhưng người nhà phải trả một phần chi phí lưu trữ máu trong ngân hàng máu (ngoài phần bảo hiểm đã chi trả).

PHƯƠNG UYÊN/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)