Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Hiên ngang Trường Sa: Kỳ 1: Những hòn đảo không xa

Tạp Chí Giáo Dục

Chào cờ trên đảo Sơn Ca
Sau gần 50 giờ lênh đênh trên biển, được thấy những chú cá chuồn bay trên mặt biển hay những đoàn cá heo lướt sóng, được ngắm những “vòi lửa” từ các giàn khoan…, chúng tôi đã đến hòn đảo đầu tiên. Đó là đảo Đá Lớn B, một hòn đảo chìm nằm trên một rạn san hô lớn, vốn vẫn quen được gọi tên là Đá Lớn (tiếng Anh là Discovery Great Reef).
Những năm 1988-1994, lực lượng công binh hải quân Việt Nam đã xây dựng 3 điểm đóng quân trên rạn san hô này, hình thành các đảo Đá Lớn A, B, C.
1. Ở hòn đảo Đá Lớn B, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là thấy hai khối nhà xây cách xa nhau chừng trăm thước sao mà chơ vơ quá. Giữa trùng khơi bao la, hai khối nhà quá mỏng manh, bé nhỏ. Thế nhưng, khi đặt chân lên đảo, sau những cái siết tay thật chặt với các cán bộ và chiến sĩ hải quân, sự chơ vơ ấy như tan biến trong chúng tôi. Sự rắn rỏi ở đôi tay, nụ cười lạc quan, thái độ tự tin… đã xua tan cảm giác lo lắng của những người đến từ đất liền, hóa ra chính chúng tôi đang được các anh tiếp lửa, hun đúc, chứ không phải người từ đất liền đang tiếp sức cho người nơi đầu sóng ngọn gió…
Ngày thứ hai, chúng tôi đến với đảo Sơn Ca, hòn đảo rất đẹp mang tên một loài chim vốn có nhiều trên đảo này. Ở Sơn Ca, hầu như mọi nơi đều rợp bóng cây xanh, nhiều nhất là dừa, bàng vuông, bão táp… Với những tán dừa cao cùng vườn dừa mới được trồng, Sơn Ca như một khu vườn nào đó ở đất liền chứ không phải là một hòn đảo chỉ có hơn 6ha. Lại có một cây mù u cổ thụ được cho là trên 50 tuổi, loại cây vốn có khá nhiều ở các làng quê của miền Nam nên Sơn Ca là hình ảnh thân thuộc của một vùng đất nào đó trên đất liền, chứ không phải là một hòn đảo xa xôi giữa biển Đông. Hay ở các đảo Nam Yết, Trường Sa Lớn, Phan Vinh A trong những ngày sau đó, cảnh các chú heo đi ăn rong, bầy vịt tao tác kiếm ăn dưới những tán cây xanh mát, rồi vườn chuối, gốc đu đủ… khiến các hòn đảo giữa biển khơi không còn xa xôi nữa, mà là sự thanh bình đến nên thơ.

Các cây dừa trên đảo Phan Vinh A được đánh số cẩn thận
2. Một điểm mà những người đến với các đảo không thể bỏ qua là các cột mốc chủ quyền. Mỗi người đều nghe nhắc đến, hiểu và có thể giải thích về chủ quyền lãnh thổ, biên giới của đất nước, của dân tộc; thế nhưng đứng trước các cột mốc ở đây, sự thấm thía về điều vô cùng thiêng liêng và đầy xúc cảm mới được thể hiện rõ ràng và trào dâng. Quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, hình ngôi sao vàng có thể lúc nào đó ta nghe rất bình thường nhưng tại các đảo, dòng chữ ấy là cả một sự đúc kết chủ quyền của ngàn năm, của triệu triệu trái tim, của máu và nước mắt. Tên đảo được mạ vàng, ghi rõ tọa độ, bao nhiêu Kinh độ Đông, Vĩ độ Bắc, chính xác đến từng chỉ số phút, giây. Như đảo Sơn Ca nằm ở tọa độ 10 độ 22 phút 36 giây Bắc và 114 độ 28 phút 42 giây Đông; đảo Trường Sa Lớn có tọa độ 8 độ 38 phút 30 giây Bắc và 111 độ 55 phút 55 giây Đông… Những con số đó có thể khô khan nhưng thể hiện chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Với Trường Sa, những ai đã đến thì hẳn không ngại ngùng dùng những từ “hiên ngang”, “bất khuất”, “kiên trung”… để chỉ núm ruột của Tổ quốc trên biển Đông.
Dĩ nhiên, vui nhất vẫn là được gặp mặt cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo. Câu thường hỏi là “anh quê ở đâu” để xem có thể nhận người cùng quê không. Nhưng dù không phải đồng hương, dù quê quán ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam, các chiến sĩ vẫn như người thân thuộc của các thành viên trong đoàn. Vì vậy, dù được gặp các chiến sĩ ở Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa hay Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội… thì đều thấy thân quen như đã gặp nhau trước đó. Trên đảo Trường Sa Lớn, tôi gặp chiến sĩ Đặng Hoàng Vũ, nhà ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức (TP.HCM), cách nhà tôi không xa; qua trò chuyện, thấy Vũ vui lắm, mà tôi thì lại thấy bùi ngùi xúc động. Vũ từng học ngành CNTT của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, đã ra đảo hơn 1 năm. Nhìn khuôn mặt rắn rỏi, vui vẻ, trẻ trung, dù so với một số chiến sĩ khác thì Vũ có nhiều tuổi hơn, không thấy lạ gì khi buổi tối đó tổ chức giao lưu văn nghệ, Vũ cũng nhảy điệu Gangnam Style tưng bừng…
 
3. Tôi chợt nhớ lời bài hát Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”… Vì vậy, khoảng cách của các đảo với đất liền trên dưới 500 cây số chỉ là khoảng cách địa lý chứ không phải sự cách trở về mặt không gian, bởi các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các đảo khác trên biển Đông từ lâu đã là một phần máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, không bao giờ xa rời. Và mãi mãi sẽ như thế!
Bài, ảnh: Nguyễn Minh Hải
LTS: Vừa qua, Trung ương Đoàn đã tổ chức hành trình “Tuổi trẻ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” dành cho các thanh niên ưu tú, các cán bộ Đoàn… Hành trình đã cho các thành viên những hiểu biết, trải nghiệm, tình cảm khó phai và để lại những cảm xúc khó tả khi được đặt chân lên các hòn đảo của Tổ quốc.
 
Cảm giác yên bình như ở đất liền
Nhiều thành viên trong đoàn đã đứng ngây ra khi nhìn thấy mái chùa cong vút trên đảo Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Lớn. Có lẽ trong tâm thức của rất nhiều người, mái chùa gắn bó rất thân thương, gần gũi không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị, không chỉ với người theo đạo Phật mà còn những người khác. Tiếng chuông chùa bất chợt ngân lên, hương trầm đâu đây phảng phất, tượng Phật uy nghiêm, tiếng tụng niệm cùng tiếng mõ tại chùa Trường Sa gieo vào lòng mỗi người một cảm giác yên bình; ngoài kia tiếng sóng rì rầm như chỉ là tiếng gió đâu đó thổi qua chứ chẳng phải là tiếng trùng khơi xa thẳm…
 

 

Bình luận (0)