Từ khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (1-7-2007), đến ngày 31-12-2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não. Hành động cao cả này đã đem đến cuộc sống mới cho cả chục ngàn người mắc bệnh nan y…
Ca ghép thận của chị M.C cho bệnh nhi 15 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BVCC
Một người chết cứu… 6 người bệnh
Đó là chị M.C (25 tuổi), bị tai nạn sinh hoạt, té chấn thương sọ não nặng, chết não. Theo đó, ngày 19-8-2022, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy nhận được thông tin tình nguyện hiến tạng từ mẹ của chị C. Người mẹ đã thực hiện ước muốn cuối cùng của con gái là có thể chia sẻ những phần cơ thể còn có chức năng của mình để cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo. Chị C. đã thể hiện ước muốn đó qua thẻ đăng ký hiến tạng với Trung tâm điều phối Quốc gia vào tháng 7-2020 (số thẻ VN0002386).
Kết quả, BV Chợ Rẫy đã nhận từ chị C. 1 quả tim, 1 lá gan, 2 quả thận và 2 giác mạc để ghép cho 6 người bệnh. Một trong 6 bệnh nhân may mắn đó là bệnh nhi sinh năm 2007, phát bệnh từ năm 2020 với chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn, khả năng xơ hóa cầu thận khu trú từng phần tiến triển, chưa loại trừ hoàn toàn bệnh thận IgA. Thời điểm được ghép thận, bệnh nhi này đang chạy thận nhân tạo tại BV Nhi đồng 2.
Theo các bác sĩ của BV Nhi đồng 2, ca ghép thận này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho người bệnh.
Cũng giống như chị C., anh H. (38 tuổi), sau khi chết đã đem đến cuộc sống khỏe mạnh cho 6 người. Cụ thể, ngày 11-10-2022, BV Chợ Rẫy nhận được thông tin tình nguyện hiến tạng từ mẹ của anh H. bị xuất huyết não nặng, chết não. Đây là mong muốn cuối cùng của anh H. trước khi qua đời.
Kết quả, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận được 1 quả tim, 2 quả thận, 2 giác mạc và da để ghép cho 6 người bệnh. Diễn tiến hậu phẫu tất cả các bệnh nhân đều hồi phục tốt và xuất viện trong tuần thứ nhất và thứ 2, riêng ca ghép tim thì xuất viện sau 4 tuần.
Cũng tại BV Chợ Rẫy, ngày 1-5-2022, BV tiếp nhận thông tin từ bác sĩ Khoa Hồi sức ngoại của BV Nhân dân Gia Định về một trường hợp bệnh nhân nam (19 tuổi, ngụ TP.HCM) bị chấn thương não nặng do tai nạn giao thông, mê sâu, đang thở máy, sử dụng vận mạch… Bác sĩ của BV Nhân dân Gia Định đã giải thích cho người nhà về tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong. Cha mẹ của bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng con mình để cứu sống những người khác, nếu các bác sĩ không còn điều trị được nữa.
Sau đó các bác sĩ của BV Chợ Rẫy và BV Nhân dân Gia Định đã tích cực điều trị cho bệnh nhân nhưng diễn tiến lâm sàng của người bệnh không thay đổi. Ngày 5-5, bệnh nhân được chẩn đoán chết não theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam. Kết quả, gia đình người bệnh đã quyết định hiến 2 thận, lá gan và quả tim để cứu sống 4 người bệnh.
Hơn 63.500 người đăng ký hiến tạng
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, hiến tặng mô, bộ phận cơ thể để cứu người là một nghĩa cử cao đẹp; một món quà vô giá giúp kéo dài sự sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy; ngày 29-11-2006, Quốc hội đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tính đến ngày 31-12-2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn. Ước tính có hàng chục ngàn người cần ghép thận, ghép gan; hàng ngàn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội…
Thượng tá Đinh Văn Trình – Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) – thông tin, đối tượng phạm tội ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; hoạt động theo băng, ổ nhóm, mỗi đối tượng có nhiệm vụ khác nhau như tiếp cận, làm quen với bên mua và bên bán… Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các BV hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các BV phẫu thuật ghép tạng. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay các đối tượng lợi dụng những diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán một cách bí mật. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống “chân rết” để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể. Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… Trong đó, thận là chủ yếu với thủ đoạn tập trung tại các BV lớn để tiếp cận, làm quen những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép. Nhiều người suy thận độ cao có nguy cơ tử vong sẵn sàng trả 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Sau khi có bên mua và bên bán, đối tượng tổ chức sắp xếp hai bên gặp nhau thỏa thuận giá cả mua bán thận, đồng thời hỗ trợ, tổ chức đưa người bán và người mua thận đi xét nghiệm. Nhiều đối tượng còn lập hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi tại các khu nhà trọ, nhà thuê để chờ bán. Với mỗi trường hợp môi giới, tổ chức mua bán thành công, các đối tượng hưởng lợi từ 150 đến 250 triệu đồng.
“Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hòa Triều
Bình luận (0)