Khi phải làm việc quá nhiều, mắt bị điều tiết quá mức, gây nên hiện tượng “cận thị giả” khi nhìn xa. Nghĩa là nhìn xa không rõ nhưng thực chất là không bị cận thị. “Cận thị giả” hay gặp ở lứa tuổi học đường, với tỷ lệ khoảng 20%.
Theo Tiến sĩ Vũ Bích Thủy, Trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt TƯ, rất nhiều em học sinh có hiện tượng cận thị giả và không ít trong số đó phải đeo kính oan.
Bình thường, khi được xác định là cận thị giả, bác sĩ chỉ cần hướng dẫn bệnh nhân cho mắt nghỉ ngơi khoa học, sau một thời gian mắt sẽ tự điều tiết lại như bình thường. Trong một số trường hợp, vì mắt vẫn không tự trở lại điều tiết bình thường dù đã được nghỉ ngơi, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kính mắt chuyên dụng, đó là đeo kính hai tròng, với tròng trên (nhìn xa) không có độ và tròng dưới (nhìn gần, đọc sách) để giúp bệnh nhân đỡ phải điều tiết khi nhìn gần. Sau một thời gian theo dõi, bác sĩ sẽ quyết định khi nào ngừng đeo kính trên cơ sở khám mắt.
Tuy nhiên, phát hiện cận thị giả không đơn giản, nhất là nếu khám mắt ở ngay các cửa hàng vừa bán kính, vừa đo mắt miễn phí. “Để xác định độ cận thị, cần phải thực hiện đúng quy trình khám mới đánh giá chính xác”, TS Thuỷ cho biết. Cụ thể mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc liệt điều tiết và chọn thời điểm thích hợp để khám.
Theo BS Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư, cận thị không đơn giản là đeo kính cận khi nhìn mà phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng kính. Những người bị cận cần đeo kính thường xuyên, vì việc không đeo kính khi mắt có tật khúc xạ có thể khiến bị mắt lác ngoài, đặc biệt là hiện tượng nhược thị. Nhất là nếu hai mắt có độ cận lệch nhau thì khi không đeo kính, bên mắt nhìn kém sẽ ngày càng nhìn kém đi, khiến thị lực ngày càng yếu. “Quá trình tăng số độc lập với việc đeo kính, vì nó tiến triển theo việc người đó có phải học, đọc nhiều, làm việc trong phạm vi gần… hay không. Còn với cận thị có yếu tố di truyền, cứ theo độ tuổi mà độ cận tiếp tục lên”, BS Cương nói. |
Hồng Hải (Dan tri)
Bình luận (0)