Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Hiện tượng” của giới biên kịch

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng tự phác họa chân dung mình (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nguyễn Quý Dũng được xem là một “hiện tượng” trong giới biên kịch Việt Nam khi kịch bản phim liên tục xuất hiện trên phim trường. Thế nhưng, ít ai biết để có được một chỗ đứng như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua những năm tháng trầy trật, chật vật sống.
Tính đến nay, hơn 10 phim của anh đã đóng máy, trong đó 7 phim đã phát sóng như: Hoa xương rồng, Giấc mơ biển… và 4 kịch bản khác sắp ra mắt vào tháng 5 tới trên HTV7 hứa hẹn nhiều bất ngờ là: Vườn đời, Sáu mặt Rubic… Đặc biệt là bộ phim hành động Vật chứng mong manh vừa công chiếu đã tạo được “luồng gió mới” làm người xem mãn nhãn.
Từ Hạt nút đến Vật chứng mong manh
Nguyễn Quý Dũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà biên kịch. Ước mơ làm bác sĩ nhưng lại chọn kiến trúc để theo học còn mưu sinh thì bằng nghề chép tranh và viết báo. Dù không có một khái niệm nào liên quan đến kịch bản hay phim trường, nhưng những ngày còn làm ở Báo Công An Nhân Dân, viết mảng phóng sự xã hội, điều tra đã cho anh nhiều trăn trở về đề tài phim hình sự. Để rồi, một lần trong lúc chen chúc giữa đám đông vây quanh một xác người chết trong tư thế bị trói tay chân, anh nhen nhóm ý định viết câu chuyện mang tựa đề Hạt nút. Dù chỉ mới nằm trong… ý tưởng nhưng Hạt nút mau chóng được bạn bè ngợi khen và tham mưu anh nên sớm chuyển thành kịch bản phim. Anh mua một đĩa phim về xem, tự mày mò đối chiếu nên dần dần hiểu các ngôn từ điện ảnh và bắt tay vào viết. 33 tập phim Vật chứng mong manh triển khai từ ý tưởng của Hạt nút ra đời.
Tác phẩm đầu tay tưởng vậy là xong, nào ngờ để đến được với khán giả vào tháng 2 vừa qua, Vật chứng mong manh có quãng đời thăng trầm gần 5 năm, đi qua hơn chục hãng phim mới được dàn dựng. Song, viết kịch bản lúc này lại trở thành một đam mê mới nên Nguyễn Quý Dũng vẫn không nản lòng, anh tiếp tục đắm chìm trong hàng loạt kịch bản khác và được nhiều hãng phim đặt mua.
“Kẻ tha phương”
Nguyễn Quý Dũng tự nhận mình như thế khi anh lớn lên ở Đà Nẵng, trưởng thành tại Long An, về TP.HCM lập nghiệp và dù sinh ra ở Pleiku nhưng quê quán lại là Đồng Tháp. Đó là do cuộc sống của cả nhà phải di chuyển, thay đổi theo công việc của ba anh (vốn là một võ sĩ quyền anh, sống bằng nghề thượng đài và buôn bán nhỏ). Anh kể vui: “Gia đình tôi có cả thảy 9 anh em thì được sinh ra ở 7 tỉnh khác nhau rồi”. Nhắc nhiều đến hình ảnh người cha, nên khi được hỏi về những trang viết của mình, ngoài việc trải nghiệm từ một phóng viên điều tra thì còn gì in dấu nữa, anh đáp không cần suy nghĩ: “Đó là hình ảnh của ba tôi. Ông là người không dạy cho con cách làm giàu mà chỉ dạy đạo lý. Mỗi bữa ăn là một từ ngữ mới được ba mang ra cắt nghĩa, như, thế nào là tình thâm, là giọt tương… hay đại loại ba giải thích vì sao hoa mai phải đi với trúc mà không đi với bất kỳ loại cây nào khác… Cốt cách, những lời rao giảng thực tế của ba thẩm thấu trong từng ý nghĩ của tôi và được trải bày, xây dựng hình tượng trên trang viết”.
Kể về cuộc đời của mình, anh gói gọn trong hai chữ “thăng trầm”. Anh chia sẻ, bao phen thất nghiệp, phải ở nhà thay vợ… nấu ăn, trông con khiến nhiều người rẻ khinh “thằng đàn ông… bám vợ”. Nợ nần chất chồng. Cho nên khi kịch bản Vật chứng mong manh lần đầu được hỏi mua với giá 150 triệu đồng, ôm số tiền 45 triệu đồng ứng trước, anh ngỡ ngàng, ngác ngơ chạy một mạch về đưa hết cho vợ. Trong thâm tâm dự định sẽ thưởng chiếc laptop cho mình, mua ít quà cho vợ con, bè bạn… Nhưng tất cả chỉ là dự định khi số tiền ấy không đủ để trả nợ. Cho đến khi hãng phim… gọi trả kịch bản vì không đủ kinh phí, điều kiện dàn dựng, gia đình anh nhiều phen điêu đứng lao vào hành trình vay nợ để thanh lý cho hợp đồng.
Bây giờ, có một chỗ đứng trong làng điện ảnh, nhưng chính từ bước lênh đênh của “đứa con đầu đời”, Nguyễn Quý Dũng lại mang một trăn trở khác: “Nhu cầu thị trường luôn đòi hỏi phim hay nhưng nhà sản xuất gần như không chịu bỏ vốn để tìm mua, dàn dựng. Tất cả có lẽ chỉ chạy theo doanh thu, lợi nhuận nên ít chịu đầu tư và cắt bỏ nhiều phân đoạn kịch bản. Đó là chưa kể êkip làm phim, bao gồm cả diễn viên nhiều khi không tâm huyết vì bận… chạy show cho phim khác”. Trong khi đó, người viết kịch bản luôn chịu khó trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Như Vật chứng mong manh của anh, được đánh giá là kịch bản hay, mang cái mới lạ đến cho thể loại phim hình sự vốn đã nghèo nàn nhưng lại chịu phận “phiêu bạt” những 5 năm mới đến được với khán giả.
Tuyết Dân

Hiện tại, nhà biên kịch “trẻ” Nguyễn Quý Dũng đang cùng lúc hoàn thành hai kịch bản theo đơn đặt hàng: một kịch bản hình sự Chiếc cán gương nạm ngọc Dương cầm ở thể loại tình cảm, tâm lý xã hội. Cả hai dự kiến sẽ khởi quay trong tháng 4 này.

 

Bình luận (0)