Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hiện tượng lạ trong làm phim về Trịnh Công Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17/6 tới, các hệ thống rạp trong cả nước sẽ đồng loạt chiếu hai bộ phim về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”. Cả hai bộ phim này do cùng một ê kíp sản xuất và thực hiện trong cùng một thời điểm.

Ngày 30/5, nhà sản xuất bộ phim “Em và Trịnh” là Galaxy EE bất ngờ cho biết không chỉ có “Em và Trịnh” mà còn có bộ phim khác là “Trịnh Công Sơn” cùng ra mắt khán giả trong một thời điểm. Cả hai cùng một ê kíp sản xuất và cùng một đội ngũ diễn viên. “Việc có tới hai bộ phim cùng lúc về Trịnh Công Sơn là một bất ngờ ngay cả với chính chúng tôi”, ông Lương Công Hiếu, đại diện nhà sản xuất Galaxy EE nói. Ông cũng cho biết: “Cách đây hơn 5 năm trước, khi bắt tay vào sản xuất, chúng tôi chỉ định làm một tác phẩm điện ảnh về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhưng khi xem lại những thước phim của gần 1.000 giờ quay, chúng tôi đã kinh ngạc khi phát hiện ra có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn rất khác biệt về người nhạc sĩ, mà góc nhìn nào cũng có những nét đặc biệt thú vị. Vì thế chúng tôi đã làm 2 bộ phim để mong mỏi được chia sẻ điều thú vị đó đến với khán giả”.

Hiện tượng lạ trong làm phim về Trịnh Công Sơn ảnh 1

Hiện tượng lạ trong làm phim về Trịnh Công Sơn ảnh 2

Hai bộ phim về Trịnh Công Sơn là: "Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”. Ảnh NSX cung cấp

Cũng theo ông Hiếu, hai bộ phim sẽ có những sự khác biệt. “Em và Trịnh” khắc họa một Trịnh Công Sơn đời thường, trong khi “Trịnh Công Sơn” mang hơi hướng về một thần tượng âm nhạc. “Em và Trịnh” có độ dài 136 phút, cho thấy một Trịnh Công Sơn gần gũi, đời thường với những đắm say và bối rối của trái tim luôn có khát vọng yêu đương. Ngoài thời trẻ, câu chuyện trong “Em và Trịnh” có thêm tuyến giữa cô gái Nhật Michiko và Trịnh Công Sơn ở tuổi trung niên. Trịnh ở tuổi lục tuần vẫn đang có khát vọng yêu và được yêu, nhưng vẫn lo sợ với mối tình lệch tuổi với cô gái trẻ đến từ một nền văn hóa khác. Những bóng hồng trong “Em và Trịnh” là câu chuyện tình thực sự của chàng nghệ sĩ đa tài, đa cảm, với nhiều si mê, thất vọng và trong tình yêu cũng bối rối ngỡ ngàng như bất kỳ ai trên con đường đi tìm hạnh phúc….

Ngược lại, phim “Trịnh Công Sơn” (thời lượng 95 phút) tập trung vào thời tuổi trẻ của ông – một thư sinh đa tài, lãng tử để yêu, rồi trở thành “nhạc sĩ viết tình ca hay nhất thế kỷ”. Những bóng hồng đến rồi đi trong cuộc đời nhạc sỹ là nguồn cảm bất tận mà Trịnh tìm thấy ở đó có một tình yêu lớn, vĩnh cửu với âm nhạc và vẻ đẹp bất tận. Theo nhà sản xuất, phim “Trịnh Công Sơn” sẽ giữ bí mật về nội dung cho tới ngày ra mắt. Đối với những người yêu mến nhạc Trịnh, họ vẫn hy vọng sẽ được thưởng thức một bộ phim phản ảnh đầy đủ chân thật về một phần của cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa, nhất là trong giai đoạn chiến tranh mà Trịnh đã sống và sáng tác.

Hai góc nhìn về một con người

Ngay sau khi nhà sản xuất công bố sẽ chiếu cùng lúc hai bộ phim về Trịnh Công Sơn, dư luận đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Một cho rằng nhà sản xuất đang PR (quảng bá) cho bộ phim và gây sốc khán giả vì cùng một thời điểm, cùng một ê kíp làm phim do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn và chung dàn diễn viên đã làm hai bộ phim cùng về một nhân vật. Theo nhà biên kịch Phạm Nguyễn, đây là phương thức làm phim khá lạ lùng và trên thế giới cũng rất ít có tiền lệ. “Theo tôi, khi làm một bộ phim, các nhà sản xuất chỉ tập trung cho nội dung bộ phim đó, hiếm khi làm song song cả hai bộ phim bởi như thế sẽ không thể dàn trải bối cảnh, dàn trải kịch bản. Và ngay cả diễn viên cũng không thể tập trong việc đầu tư cho diễn xuất ở cả hai bộ phim”, nhà biên kịch nói.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, nhà sản xuất tận thu nguồn lực sản xuất. Thực ra nhà sản xuất lấy các thước phim cùng quay một thời điểm để tách ra, dựng thành hai bộ phim cùng về một nhân vật. Ông Lương Công Hiếu cho rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được xem là huyền thoại của âm nhạc Việt Nam nên việc sản xuất nhiều bộ phim cùng về một nhân vật huyền thoại là điều hết sức bình thường. “Hai bộ phim về Trịnh, chất lượng và nội dung đều tốt, xứng đáng để ra rạp và cùng chiếu song hành. Bởi chỉ có như thế khán giả mới có cơ hội so sánh, đánh giá về một huyền thoại thông qua hai góc nhìn khác nhau. Điều quan trọng hơn, chúng tôi muốn giới thiệu với khán giả hai cách hình dung khác nhau về cùng một huyền thoại âm nhạc”, ông Hiếu nói.

Theo Trọng Thịnh/TPO

 

Bình luận (0)