Vài năm gần đây, hiện tượng các nữ sinh tại một số tỉnh thành trong cả nước ngất đồng loạt gây xôn xao dư luận, gây hoang mang lo lắng cho gia đình và nhà trường có con em lứa tuổi này. Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này, các nhà tâm thần học đã vào cuộc. Dư luận rất quan tâm đến việc làm thế nào để các hiện tượng trên được giảm bớt trong thời gian tới…
Rối loạn phân ly (trước đây gọi là hystery, rối loạn thần kinh chức năng) là một bệnh tâm thần khá phổ biến ở những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Bệnh xuất hiện ở những người dễ bị ám thị và tự ám thị, trong môi trường thuận lợi. Môi trường thuận lợi ở đây là trường học mà áp lực học hành là rất lớn. Bệnh rối loạn phân ly không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng lại có khả năng “lan” rất nhanh từ người này sang người kia và có thể phát triển thành “dịch”. Bệnh được biểu hiện rất đa dạng, phong phú như quên phân ly, bỏ nhà đi phân ly, rối loạn đa nhân cách, mù phân ly, điếc phân ly, liệt phân ly… Trong các vụ “dịch” rối loạn phân ly xảy ra gần đây trong các trường học, bệnh biểu hiện dưới 3 dạng là cơn ngất, cơn co giật và cơn la hét. Để ngăn chặn được “dịch” rối loạn phân ly trong trường học, chúng ta cần làm tốt mấy việc sau:
Các hoạt động ngoại khóa giúp phòng ngừa rối loạn phân ly.
– Giảm áp lực học hành. Điều này không có nghĩa là cắt bớt khối lượng học tập của học sinh, mà phải làm sao cho các cháu không cảm thấy áp lực trong việc đánh giá kết quả học tập theo tiêu chí điểm số. Nghĩa là không nên biểu dương thái quá những cháu học giỏi (coi các cháu như anh hùng, như thần tượng, như tấm gương mà các học sinh khác trong trường buộc phải noi theo). Mặt khác, không nên phê phán quá nặng nề các trường hợp học chưa giỏi, các tập thể lớp không có nhiều học sinh giỏi. Thực tế cho thấy bệnh thành tích vẫn rất nặng trong các nhà trường, vì thế các cháu học giỏi chưa chắc đã thực sự giỏi tương xứng với điểm số của mình trong sổ điểm. Hơn nữa, chẳng có ai hoàn hảo cả. Cháu học sinh giỏi thì chưa chắc đã lao động chân tay tốt bằng cháu học sinh trung bình. Cháu học sinh xuất sắc chưa chắc đã biết nấu cơm, làm việc nhà, giỏi nữ công bằng các bạn khác trong lớp.
– Tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa ở đây bao gồm ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, tập bơi, chơi các môn thể thao và lao động tập thể. Điều đáng buồn là ngày nay có rất nhiều các cháu học sinh và cả người lớn không hề biết bơi. Thực tế này tồn tại là do họ không hề được dạy bơi trong nhà trường. Vì thế khi xảy ra lũ, lụt… họ rất dễ chết đuối. Cần biết rằng các hoạt động chân tay này giúp thư giãn rất tốt và rèn luyện sức khỏe cả về thể xác và tinh thần. Nếu trường nào có diện tích rộng, nên tổ chức sân chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và đường chạy. Nếu có thể thì cải tạo các ao, hồ thành hồ bơi, nhưng phải đảm bảo các yếu tố an toàn, đừng quan niệm rằng bơi ngoài sông, hồ là mất vệ sinh.
– Qua các vụ “dịch” rối loạn phân ly vừa rồi, tất cả bệnh nhân đều là nữ. Vì thế không nên tổ chức các trường, các lớp nữ sinh (nghĩa là tất cả học sinh đều là nữ). Các lớp học nên có khoảng một nửa là nam thì không còn điều kiện cho bệnh rối loạn phân ly phát triển thành “dịch”. Hãy tưởng tượng ra tình huống một cháu học sinh bị ngất trong lớp do một nguyên nhân nào đó. Nếu điều này xảy ra trong lớp nữ sinh thì các em gái sẽ dễ dàng la hét, gây nhốn nháo do hoảng sợ. Tình trạng hoảng sợ này sẽ lan ra nhanh chóng trong lớp và dẫn đến hiện tượng ngất hàng loạt do phân ly. Khi đó “dịch” rối loạn phân ly đã hình thành. Nếu chuyện này xảy ra trong một lớp có khoảng một nửa học sinh là nam, khi các bạn gái hoảng sợ thì các học sinh nam sẽ là chỗ dựa tinh thần cho các bạn gái. Chỉ cần một vài em tỏ ra can đảm đứng ra giúp bạn bị ngất thì tình trạng hoảng sợ sẽ chấm dứt, “dịch” phân ly không thể xảy ra.
Các biện pháp nêu trên tuy đơn giản, nhưng không dễ thực hiện do có nhiều trường, nhiều địa phương bị giới hạn bởi các điều kiện không thuận lợi. Nhưng nếu muốn ngăn chặn “dịch” rối loạn phân ly không xảy ra trong nhà trường thì chúng ta buộc phải tìm cách thực hiện nó.
TS. Bùi Quang Huy
(Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)
Theo SK&ĐS
Bình luận (0)