Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hiện tượng NGUYỄN NHẬT ÁNH trong điện ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ là một nhà văn "ăn khách", các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều đại thắng doanh thu phòng vé khiến ông trở thành một hiện tượng đặc biệt

Ngoài phim chuyển thể từ truyện dài "Ngày xưa có một chuyện tình" đang thực hiện và dự kiến ra rạp năm 2024, tác phẩm "Kính vạn hoa" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng vừa được nhà sản xuất công bố sẽ đưa lên màn ảnh rộng. Đây là tác phẩm từng được chuyển thể thành phim truyền hình và làm say mê khán giả màn ảnh nhỏ suốt thời gian dài.

Đại thắng doanh thu

Nhà sản xuất và phát hành Galaxy Studio công bố bắt tay cùng đạo diễn Võ Thanh Hòa đưa "Kính vạn hoa" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng. "Kính vạn hoa" có nội dung xoay quanh bộ ba học trò: Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh. Trong đó, Quý Ròm thông minh, lém lỉnh; Hạnh xinh đẹp, điềm tĩnh, kiến thức rộng còn Tiểu Long giỏi võ, trượng nghĩa, thật thà. Cả ba trải qua những tháng ngày học tập vui nhộn cùng những cuộc phiêu lưu thú vị của tuổi học trò, nhắc nhớ đến một thời đã xa mà mỗi người đều đã từng trải qua.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Từng ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ, "Kính vạn hoa" tìm được bộ ba diễn viên hợp vai là Ngọc Trai (vai Quý Ròm), Vũ Long (vai Tiểu Long), Anh Đào (vai Hạnh). Đây là một thách thức cho phiên bản điện ảnh, buộc nhà làm phim phải tìm kiếm cho được Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh phù hợp nhất với nhân vật để tạo sự yêu thích như những gì mà Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào làm được.

Trước "Kính vạn hoa", truyện dài "Ngày xưa có một chuyện tình" cũng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được Trịnh Đình Lê Minh chuyển thể màn ảnh rộng. Nội dung tác phẩm kể về 2 chàng trai tên Phúc, Vinh và cô gái tên Miền. Họ bên nhau từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận. Họ bắt đầu bằng tình bạn rồi dần dần chớm nở tình đầu, bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và vượt qua. Câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng thấm đẫm suy nghĩ về tình yêu, hành trình trưởng thành từng một thời chinh phục độc giả.

Tác phẩm “Kính vạn hoa” sẽ lên màn ảnh rộng

Tác phẩm “Kính vạn hoa” sẽ lên màn ảnh rộng

Sau thời gian nỗ lực tuyển chọn diễn viên, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà sản xuất đã chọn ra Avin Lu, Ngọc Xuân và Đỗ Nhật Hoàng lần lượt cho các vai diễn Vinh, Miền và Phúc. Avin Lu sẽ đảm nhận vai Vinh "còm" – chàng trai thư sinh, tính tình ôn hòa và sống nội tâm. Ngọc Xuân đảm nhận vai Miền – cô gái duyên dáng, mang nét đẹp tự nhiên với đôi mắt ẩn chứa nhiều cảm xúc. Đỗ Nhật Hoàng vai Phúc – chàng trai phong trần có ngoại hình rắn chắc, tính tình bộc trực và tràn đầy nhiệt huyết.

Bộ ba Vinh, Phúc, Miền của “Ngày xưa có một chuyện tình”

Bộ ba Vinh, Phúc, Miền của “Ngày xưa có một chuyện tình”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ khi biết Trịnh Đình Lê Minh đưa tác phẩm của mình lên màn ảnh rộng: "Tôi biết cũng nhân vật tiểu thuyết đó, một trăm người đọc sẽ có cho mình một trăm hình ảnh khác nhau tùy theo tính cách và trải nghiệm của từng người. Đạo diễn cũng thế thôi! Trịnh Đình Lê Minh sẽ hình dung ra Vinh, Phúc, Miền theo sự cảm nhận, óc tưởng tượng, theo cá tính và thiên hướng sáng tạo của anh ấy. Với tư cách một nhà văn, tôi chỉ mong từ nguyên liệu văn học, đạo diễn sẽ sáng tạo nên một bộ phim thành công, đặc biệt là chạm vào cảm xúc của người xem, vậy là tốt rồi!".

Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đưa lên màn ảnh rộng là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do Victor Vũ thực hiện. Phim tạo được tiếng vang và gặt hái doanh thu hơn 77 tỉ đồng. Sau đó, đạo diễn Victor Vũ tiếp tục chuyển thể tác phẩm "Mắt biếc" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lần này, câu chuyện tình đơn phương, lãng mạn giữa Ngạn và Hà Lan mang về 180 tỉ đồng.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chuyển thể tác phẩm "Cô gái đến từ hôm qua" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và gặt hái doanh thu 70 tỉ đồng. Dù những tác phẩm trên vẫn có ý kiến khen chê trái chiều nhưng nhìn chung tất cả đều thắng đậm doanh thu và tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả.

Người trong giới cho rằng thành công của 3 tác phẩm chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", "Mắt biếc" là do sự cộng hưởng các thương hiệu. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lâu nay đã là một thương hiệu, tác phẩm sở hữu lượng lớn độc giả yêu thích là thương hiệu và đạo diễn Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh cũng là một thương hiệu về làm phim được đầu tư tới nơi tới chốn. Tất cả các thương hiệu cùng cộng hưởng, tạo ra một tác phẩm đủ sức hấp dẫn khán giả đến rạp, thỏa mãn sự tò mò của khán giả và sau đó là chinh phục khán giả bằng chất lượng bộ phim.

"Nguyễn Nhật Ánh chọn viết đề tài thiếu nhi, viết về tuổi trẻ là một hướng đi không nhiều sự cạnh tranh cho đến hiện nay. Ông có năng lực, có trải nghiệm, chất liệu để tạo nên những câu chuyện cuốn hút độc giả không chỉ thiếu nhi mà cả những người đã từng trải qua thời thơ ấu, có một thanh xuân như thế. Tác phẩm đã được yêu thích thì khi lên màn ảnh rộng sẽ tạo sự tò mò cho khán giả, thu hút họ đến rạp thưởng thức, thảo luận" – nhà báo Cát Vũ nhận định.

"Truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có sẵn lượng người hâm mộ đông đảo, một lợi thế tạo được sức hút ban đầu để khán giả đến rạp. Các phim trước, sự chọn lựa diễn viên phù hợp kết hợp với tay nghề đạo diễn, sự đầu tư bối cảnh tổng hòa tạo nên thành công" – biên kịch Trần Khánh Hoàng bày tỏ.

Hẳn nhiên, sự thành công này có tiếp nối hay không ở những tác phẩm mới sẽ ra mắt thời gian tới như: "Ngày xưa có một chuyện tình", "Kính vạn hoa" còn phải chờ phản hồi từ khán giả. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường không can thiệp vào công việc của đạo diễn và từ trước đến nay không áp lực hay lo lắng khi một tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim. Ông trải lòng: "Khi cuốn sách hoàn tất và đến tay công chúng là tôi đã xong trách nhiệm của một nhà văn. Tôi cho rằng áp lực lúc này thuộc về đạo diễn nhiều hơn".

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: "Mỗi đạo diễn khi tiếp nhận kịch bản đều có những lựa chọn riêng và cách xử lý dựa trên nền tác phẩm gốc. Tôi tự tin mình sẽ mang đến những cảm giác, không khí mới, một trải nghiệm điện ảnh thật sự đặc biệt trong lần chuyển thể này". 

Theo các nhà chuyên môn, văn học là một kho tàng lớn cho điện ảnh nói chung và điện ảnh Việt nói riêng vì nó chứa đựng những nét văn hóa bản địa, những yếu tố gần gũi và chân thật mang chất riêng chỉ phim Việt mới có được. Sự thành công lớn về doanh thu của các phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là động lực lớn để nhà làm phim chú trọng nhiều hơn vào việc chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng và cũng động viên các nhà văn nỗ lực sáng tác, tạo ra tác phẩm ăn khách để dựng nên thương hiệu cho mình.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

 

Bình luận (0)