Cho rằng học sinh, sinh viên (HS-SV) nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu HS-SV nghỉ học quá lâu sẽ tác động không tốt đến giáo dục và xã hội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho HS-SV cả nước học đại trà qua truyền hình trong mùa dịch Covid-19.
Giáo viên ôn tập kiến thức môn ngữ văn lớp 9 cho học sinh trên Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai ngày 3-3
Theo hiệp hội, toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể diễn ra của đại dịch chứ không chỉ là cho HS-SV nghỉ học chờ hết dịch. Trong thời gian cho HS-SV nghỉ tránh dịch Covid-19, một số trường phổ thông và ĐH đã chủ động thực hiện đào tạo trực tuyến, đây là điều tốt. Chỉ có điều, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Vì vậy, hiệp hội đặt vấn đề khôi phục việc dạy học trên truyền hình cho HS-SV. Trước đây, chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì, tuy thời gian không nhiều. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình hiện đại từ Trung ương đến địa phương, đây là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Theo hiệp hội, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.
Vừa nghỉ vừa… học trực tuyến Nhiều trường ĐH tiếp tục cho SV nghỉ học đến hết tháng 3, trong đó có ĐH Quốc gia TP.HCM, Học viện Cán bộ TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Tài chính – Marketing… Các trường: ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM cho SV nghỉ học đến hết ngày 15-3. Trong thời gian SV không đến trường, nhiều trường như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)… tổ chức dạy học trực tuyến cho các em. |
Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh/thành. Các sở GD-ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. Các em HS ở nhà hoặc một nhóm HS cùng ngồi học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý, theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của HS vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm, chủ yếu qua mạng thông tin truyền thông quốc gia. Để làm được như vậy, theo hiệp hội, những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương cần sớm ra quyết định để các đài truyền hình chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy học. Hiện nay, các đài truyền hình luôn có sẵn phòng thu, đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp; các sở GD-ĐT luôn sẵn sàng cử giáo viên bộ môn giỏi đến để dạy và cùng nhà đài công bố các lịch phát sóng để HS biết, theo học… Bên cạnh đó, hiệp hội cho rằng giảng dạy trực tuyến, trong đó có giảng dạy trên truyền hình là xu hướng chung của giáo dục toàn thế giới, các trường học ở Việt Nam cũng nên bắt nhịp thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức dạy học truyền thống như hiện nay. Thời gian này cũng là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà giảng dạy trực tuyến trong tương lai chứ không chỉ trong thời gian tránh dịch.
Được biết, Đồng Nai hiện là địa phương có tổ chức dạy học qua sóng truyền hình cho HS trong những ngày các em không đến trường để phòng chống dịch Covid-19.
T.Trân
Bình luận (0)