Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Hiệp sĩ” của trường nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nguyễn Thâm thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với những khó khăn của học sinh
Sinh ra trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, từ nhỏ cuộc sống của thầy Nguyễn Thâm (Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh) đã gặp nhiều khó khăn. Có lẽ chính vì thế mà khi gắn đời mình với công tác giáo dục ở những ngôi trường “làng”, thầy không còn sợ khổ nữa.
Bỏ học nuôi em
Ngay từ nhỏ, anh em thầy Nguyễn Thâm đã thiếu đi bàn tay chăm sóc của người lớn vì ba mẹ đều là cán bộ cách mạng, phải vào Nam chiến đấu. Thầy Thâm nhớ lại: “Có lần tôi đội thúng gạo trên đầu đi xay về được nửa đường thì bị rơi xuống đất lấm lem hết bùn. Số gạo mấy anh em tính sống cả tháng đã không còn, tôi ngồi khóc rồi lầm lũi đội cái thúng trống rỗng về nhà. Sở dĩ tôi nhớ như in kỷ niệm này vì nó đã dạy tôi biết linh hoạt ứng phó khi gặp cái khó. Không có gạo, anh em tôi nhờ bà con làng xóm giúp đỡ để chống chọi với cuộc sống. Ngày ấy, dù phải quần quật suốt ngày để kiếm cái sinh nhai nhưng chúng tôi không hề bỏ buổi học nào vì trước khi lên đường làm nhiệm vụ cách mạng, ba đã dặn rằng “Anh em con ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được bỏ học nghen”. Ngày tháng cứ thế trôi đi, rồi anh em chúng tôi cũng học xong bậc phổ thông và khăn gói vào miền Nam đoàn tụ với ba…”.
Năm 1973, thầy Thâm thi đỗ vào Trường Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) – một ngôi trường có tiếng lúc bấy giờ. Hai năm sau, nước nhà được giải phóng. Hạnh phúc chưa trọn vẹn thì gia đình thầy một lần nữa rơi vào cảnh chia ly do ba thầy phải về quê nhận nhiệm vụ mới. Từ đó, hai anh em thầy sống giữa chốn Sài thành rộng lớn và lạ lẫm với bộn bề khó khăn. Cũng trong năm này, các trường đại học ngừng hoạt động một năm để củng cố lại cơ sở vật chất. Vì thế, thầy đã xin đi dạy học ở Trường cấp I, II Điện Biên để kiếm thêm thu nhập trang trải cho mình và em trai.
“Nghỉ học ở Trường Kỹ thuật Phú Thọ tôi cũng tiếc lắm vì đây là ngành nghề tôi yêu thích. Thế nhưng, không thể khoanh tay nhìn em chịu đói, chịu khát, tôi buộc phải từ bỏ ước mơ trở thành một kỹ sư và bắt đầu bước vào nghề “gõ đầu trẻ”. Ban đầu, tuy có phần hụt hẫng và buồn chán, nhưng, trải qua 36 năm làm nghề dạy học, tôi đã không phải hối tiếc vì “mảnh đất trồng người” này mang đến cho tôi khá nhiều thành công”.
Trường nào khó… có thầy Thâm
36 năm qua, những ngôi trường mà thầy được bổ nhiệm về công tác đều gặp phải bao khó khăn chồng chất cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng cũng nhờ những cái khó đó mà thầy tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, thêm sức mạnh để đưa những con thuyền mà mình chèo lái đến bến bờ thành công.
Vừa dạy ở Trường cấp I, II Điện Biên, vừa đi học ở Trường ĐH Sư phạm, chỉ sau một thời gian ngắn, thầy được bổ nhiệm chức Hiệu trưởng vì làm công tác Đoàn năng nổ, lại có nhiều cống hiến cho trường. Năm 1985, thầy được điều động về làm Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp quận Bình Thạnh. Những năm đó, nhờ có nền tảng kiến thức về kỹ thuật nên thầy đã tự tay chỉ bảo các học viên về công tác khéo tay đạt hiệu quả rất cao. Học viên trung tâm của thầy đa phần đều xếp thứ nhất toàn đoàn trong các cuộc thi nữ công gia chánh, khéo tay hay làm… cấp thành phố. Trong vòng 10 năm công tác ở trung tâm, thầy đã vinh dự đưa về cho trung tâm hai bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, thầy được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định. Lúc bấy giờ Trường THCS Trương Công Định là trường bán công, chất lượng đầu vào thấp nên tỉ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp THCS chưa cao. Do đó, trường chưa bao giờ được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của người thầy chịu thương chịu khó, không lâu sau trường đã hai lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2000 và 2008) và là đơn vị tiên tiến cấp thành phố suốt nhiều năm liền.
Và mới đây, năm 2009, lại một lần nữa thầy được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh – một ngôi trường mà bà con ở gần đây vẫn thường gọi là trường “làng” giữa thành phố, trường của lớp lớp học trò là “hợp chủng quốc” vì phần lớn là con của những gia đình nghèo. Ngày nhận nhiệm vụ, băng qua một con đường lầy lội, khi thầy đến được trường thì nước đã dâng lên đến đầu gối vì Sài Gòn đang lúc triều cường dâng cao. Đứng nhìn ngôi trường quạnh vắng với mênh mông biển nước, thầy chợt lặng thầm và chìm đắm trong suy tư: “Có lẽ, đây là ngôi trường cuối cùng tôi về công tác. Mới tới đã gặp quá nhiều thử thách rồi. Định mệnh chăng? Nếu là định mệnh thì tôi phải thấy vui chứ, vui vì cuối cuộc đời làm công tác giáo dục lại tiếp tục được cống hiến, được góp sức vực dậy những ngôi trường nghèo, mang lại tiếng cười cho trẻ thơ”. Thầy tiếp tục lao vào chiến đấu với công việc. Sau hai năm công tác, thầy đã mang về cho trường “làng” Bình Lợi Trung danh hiệu đơn vị tiên tiến cấp thành phố. Đây là năm đầu tiên sau 35 năm hình thành và phát triển, trường vinh dự được nhận danh hiệu này.
Chiến lược “bám sát học trò”
Điều gì đã giúp người thầy có vẻ ngoài bình dị này hoàn thành tốt vai trò quản lý của mình? “Mỗi lần nhận nhiệm vụ tại một ngôi trường mới, tôi không thể ngồi đó chờ đợi phương án này hay phương án kia mà luôn đưa ra kế hoạch tác chiến thần tốc. Theo tôi, nếu cả thầy lẫn trò đều phấn đấu hết mình vì thành tích của nhà trường thì chất lượng học tập của học sinh sẽ ngày được nâng cao. Vì thế, trong mọi trường hợp, tôi đều thực hiện phương châm “bám sát học trò”, thầy Thâm chia sẻ.
Khi làm Hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định, trăn trở lớn nhất của thầy lúc này là học sinh phải đóng tiền học phí khá cao. Do vậy, thầy luôn tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học cho ngôi trường mà mình đang lãnh đạo. Thầy chỉ đạo tập thể giáo viên bám sát cách học tập của học sinh. Chỉ cần các em học dở môn nào là ngay lập tức đội ngũ giáo viên nhà trường sẽ bám sát, phụ đạo thêm để học trò tiến bộ hơn. Nhờ những sáng kiến hay cùng cách lãnh đạo tài tình của “đầu tàu” mà hai năm sau, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THCS của trường đã ngang bằng với những trường công lập có tiếng trong thành phố.
Về với Trường THCS Bình Lợi Trung, khi biết hoàn cảnh của các học sinh trong trường còn rất khó khăn, thầy thường xuyên động viên giáo viên quan tâm đến học sinh không chỉ ở trường mà còn ở gia đình các em. Thầy và các giáo viên trong trường thường xuống nhà học sinh khó khăn để sẻ chia và có những biện pháp khuyến khích các em học tập. Ngay trong năm học đầu tiên mà thầy về đảm nhận chức Hiệu trưởng, nhà trường đã có tới 4 em vào đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố và 13 em vào đội tuyển học sinh giỏi cấp quận cùng nhiều thành tích đáng khích lệ khác.
Để đưa những trường có xuất phát điểm thấp đến bến thành công, bí quyết của thầy không chỉ là “bám sát học trò” mà còn “phát hiện nhân tài”. Thầy Thâm cho rằng: “Ở đâu cũng có nhân tài, quan trọng là mình biết phát hiện, trọng dụng và bồi dưỡng họ”. Từ quan điểm này, thầy thường xuyên động viên các giáo viên trong trường tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi để thấy tự tin hơn trong công tác giáo dục. Cho đến cuối cuộc đời làm công tác quản lý, thầy không nhớ rõ mình đã phát hiện ra bao nhiêu người có năng lực lãnh đạo để động viên họ phấn đấu. Riêng ở Trường THCS Bình Lợi Trung, ngay từ khi mới về trường, thầy đã động viên nhiều giáo viên tham dự cuộc thi Giáo viên giỏi Chu Văn An, một cuộc thi lớn do quận Bình Thạnh tổ chức. Nếu trước nay Trường THCS Bình Lợi Trung ít có giáo viên đoạt giải thì năm học ấy (2009-2010), trường đã mang về một giải nhì và một giải khuyến khích. Không chỉ vậy, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên của trường còn đạt 2 giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo khoa học trẻ do Viện Tài nguyên và Môi trường tổ chức, được Thành đoàn trao tặng danh hiệu Giáo viên trẻ tiêu biểu 2010-2011.
Giờ đây, Trường THCS Bình Lợi Trung đã thoát khỏi mặc cảm của một ngôi trường “làng” và tiếp tục bước lên nấc thang mới trong công cuộc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Những thách thức mới lại đặt lên đôi vai của người hiệu trưởng này. Theo đó, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, bám sát các học sinh vẫn là những phương châm cơ bản mà nhà lãnh đạo tài ba này ứng dụng để đưa đơn vị của mình đi lên trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Bài, ảnh: Dương Bình

 

Bình luận (0)