Ngày 3-6 (giờ địa phương), LHQ đã phát thông cáo cho biết tại trụ sở LHQ ở New York, 67 nước đã ký kết hiệp ước đầu tiên về buôn bán vũ khí. Hiệp ước sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi quốc gia thứ 50 phê chuẩn.
Argentina là nước đầu tiên ký kết. Các nước ký kết cam kết thực hiện các quy định pháp lý chung về nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao vũ khí quy ước để buôn bán vũ khí có trách nhiệm và minh bạch hơn.
Hiệp ước được thảo luận vào năm 2006 sau khi bảy nước (Argentina, Úc, Phần Lan, Nhật, Kenya, Anh, Costa Rica) trình dự thảo lên Đại hội đồng LHQ. Sau hai tuần thảo luận căng thẳng hồi tháng 3, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước ngày 2-4.
Hiệp ước dài 15 trang chủ yếu đề ra các quy định liên quan đến mua bán vũ khí quy ước xuyên quốc gia (không phải là các loại vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học), đồng thời buộc các nước ký kết phải công khai các phi vụ buôn bán vũ khí và đánh giá khả năng vũ khí đó có thể được sử dụng trái với lệnh cấm vận quốc tế, vi phạm nhân quyền, tiếp tay cho bọn khủng bố hoặc bọn tội phạm.
Tượng khẩu súng lục bị bẻ cong nòng trước trụ sở LHQ tại New York. Ảnh: FLICKR
Vũ khí nêu trong hiệp ước bao gồm vũ khí hạng nhẹ cũng như hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, máy bay chiến đấu, tàu chiến, tên lửa, đạn dược.
Chữ ký của quốc gia ký kết không ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ biểu thị ý định trở thành nước ký kết, cam kết không hành động trái ngược với hiệp ước.
Sau khi phê chuẩn hiệp ước, nước ký kết mới thiết lập các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm thực hiện hiệp ước.
Nhằm bảo đảm các quốc gia ký kết có đủ thông tin và năng lực thực hiện hiệp ước, một số nước thông báo sẽ đóng góp vào Quỹ đặc biệt của LHQ về hỗ trợ điều chỉnh buôn bán vũ khí như Đan Mạch (1,6 triệu USD), Hà Lan (0,5 triệu euro), Úc (1 triệu USD).
Nhằm bảo đảm các quốc gia ký kết có đủ thông tin và năng lực thực hiện hiệp ước, một số nước thông báo sẽ đóng góp vào Quỹ đặc biệt của LHQ về hỗ trợ điều chỉnh buôn bán vũ khí như Đan Mạch (1,6 triệu USD), Hà Lan (0,5 triệu euro), Úc (1 triệu USD).
Hiệp ước ra đời có công lao của các tổ chức dân sự. Ý tưởng soạn thảo hiệp ước hình thành cách đây 10 năm khi tổ chức Oxfam và nhiều tổ chức dân sự vận động thiết lập một công cụ quốc tế để điều chỉnh vấn đề buôn bán vũ khí quốc tế.
Liên minh kiểm soát vũ khí gồm đại diện của khoảng 100 tổ chức phi chính phủ đã gây sức ép dẫn đến hiệp ước được thông qua.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận hầu hết các nước cung cấp vũ khí lớn lại chưa ký kết hiệp ước như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Đại diện của Mỹ (nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới) chuyển lời Ngoại trưởng John Kerry thông báo Mỹ hy vọng sẽ ký kết hiệp ước khi công tác đối chiếu bản dịch hiệp ước hoàn tất. Thông báo ghi nhận hiệp ước không can thiệp vào chủ quyền quốc gia và cản trở các quyền của công dân Mỹ, trong đó có tu chính án thứ hai.
Theo BBC, nhiều chuyên gia nhận định hiệp ước khó mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu vũ khí. Dù vậy, hoạt động vận chuyển vũ khí lậu xuyên biên giới sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo Cơ quan nghiên cứu Quốc hội (Mỹ), hơn 2/3 số thương vụ cung cấp vũ khí quy ước trên thế giới trong năm 2011 do năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) thực hiện với trị giá khoảng 44,3 tỉ USD. Mỹ và Anh xuất khẩu vũ khí chủ yếu sang Bắc Phi và Trung Đông. Nga và Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu ở châu Á. Thị trường kinh doanh vũ khí trên thế giới mang lại 60tỉ USD mỗi năm.
|
HOÀNG DUY (PLO)
Bình luận (0)