Khi chọn nghề, nếu thích thôi thì chưa đủ. Các em phải căn cứ vào năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, đừng quá quan trọng vào bậc học, bởi mỗi bậc học đều có những giá trị riêng và không phải là yếu tố quyết định đến giá trị nghề nghiệp.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Ảnh: Y.Hoa
Đó là những lời khuyên được ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhắn nhủ đến các em học sinh lớp 12 khi chọn nghề trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức. Theo nhiều chuyên gia, bí quyết để chọn được một nghề phù hợp, đó là phải “hiểu bản thân”.
Chọn nghề theo đam mê hay có lương cao?
Sai lầm thường gặp nhất trong lựa chọn nghề của học sinh, theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, đó là không biết mình thật sự… muốn gì. “Không hiểu bản thân mình khiến các em rơi vào trạng thái loay hoay, hoang mang không biết nên chọn gì. Chọn nghề theo đam mê hay có lương cao? Chọn theo cha mẹ, bạn bè hay chọn theo cái mình thích? Có nhiều em nói rằng bản thân không biết mình thích hợp với nghề nào khi thấy nghề nào mình… cũng thích”, bà Thảo chia sẻ.
Theo bà Thảo, chìa khóa trong việc chọn nghề rất đơn giản. Chỉ cần trả lời được câu hỏi rằng bản thân mình mong muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. “Không chọn thiên về đam mê, cũng không chọn thiên về nghề hot. Hãy lựa chọn một công việc nào đó mà bản thân vừa có sự hứng thú và vừa phù hợp với thực tế. Tức là mình phải có khả năng để theo đuổi ngành học đó, có đủ khả năng để theo đuổi công việc đó, có đủ khả năng để chịu được những rủi ro, áp lực mà công việc đó mang lại”, bà Thảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để không phải mang theo những hối tiếc khi lựa chọn một nghề, bà Thảo khuyên rằng: Tốt nhất là các em cần có sự trải nghiệm trước khi lựa chọn. Các trường ĐH, CĐ, TC luôn chào đón các em đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Ngoài ra, các em có thể tìm hiểu với những người đi trước, hay tìm hiểu từ mạng xã hội. Bất cứ nghề nào cũng cần có tố chất riêng. Do đó các em hãy cứ mạnh dạn trải nghiệm để hiểu và khám phá chính bản thân mình.
Đã lựa chọn là phải nghiêm túc
ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (Giám đốc Phân hiệu ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho biết có một thực tế là hiện nay rất nhiều sinh viên “dở dang” việc học giữa chừng vì phát hiện ra ngành nghề đó không dành cho mình. “Việc bắt đầu lại thì sẽ tốn thời gian, tiền bạc, công sức và cả những cơ hội. Còn nếu nhắm mắt để học tiếp để cầm tấm bằng trong tay thì cũng sẽ chật vật khi tìm việc làm”, ông Chương khẳng định.
Vì vậy, ông Chương khuyên: “Các em hãy nghiêm túc ngay từ đầu khi lựa chọn nghề. Đảm bảo rằng nghề đó mang lại cho bản thân sự hứng thú khi học tập. Còn nếu không sẽ là triền miên với những chán chường”.
Không chỉ nghiêm túc khi lựa chọn nghề, theo ông Trần Anh Tuấn, thái độ này cần phải xuyên suốt trong quá trình học tập. “Đã không lựa chọn thì thôi, còn đã chọn rồi thì phải học một cách nghiêm túc cả trong chuyên môn lẫn thái độ. Lao động Việt Nam thua kém trên thị trường lao động quốc tế chưa hẳn là về trình độ chuyên môn mà chủ yếu là yếu kém về thái độ, tác phong, kỹ năng và sự chuyên nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cho biết thái độ và kỹ năng là yếu tố để tạo nên các giá trị hành nghề của mỗi con người. “Các em đừng quá quan trọng về bậc học: ĐH, CĐ hay TC, thậm chí là học nghề – miễn sao các em cảm thấy phù hợp với bản thân và học bằng niềm say mê cả về kiến thức lẫn kỹ năng”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) tư vấn lựa chọn ngành nghề cho học sinh lớp 12 ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.Tri
Bổ sung về câu chuyện bậc học, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin: Có những nghề để có thể “hành nghề” được thì bắt buộc phải tốt nghiệp ĐH, nhưng có những nghề chỉ cần có đủ khả năng là làm được. Các em cần vẽ ra mục tiêu mà bản thân mình sẽ theo đuổi để lựa chọn một bậc học cho phù hợp. Hiện nay, bằng cấp không còn là yếu tố để quyết định vị trí một công việc mà chính là năng lực chuyên môn, năng lực thích ứng của người lao động mới là yếu tố quyết định.
Làm gì cũng phải có ngoại ngữ
“Học ngoại ngữ chưa bao giờ là muộn. Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, để hội nhập ít nhất người học phải biết tiếng Anh. Không chỉ để học, để trau dồi, để nghiên cứu mà còn để cạnh tranh công việc với lao động nước ngoài”, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho hay.
Theo ông Nguyên, chưa bao giờ tiếng Anh đóng vai trò quan trọng như hôm nay. Đó là chìa khóa để mở ra mọi cơ hội nghề nghiệp, làm thăng hoa nghề nghiệp cho bản thân và mang lại những giá trị nhất định cho xã hội. “Thế giới ngày càng phẳng, lao động ngày càng dịch chuyển, nếu không có tiếng Anh các em sẽ không hiểu được thế giới đang nói gì, nghĩ gì. Và vô tình, chính các em đã chặn đứng cơ hội của chính mình”, ông Nguyên phân tích.
Ngoài tiếng Anh, ông Nguyên còn đưa ra lời khuyên về CNTT: “Trong thời đại 4.0, mọi ngành nghề khi gắn với CNTT đều sẽ tạo ra một ngành nghề mới. Do vậy, khi có những hiểu biết về CNTT sẽ là một lợi thế, tăng tính cạnh tranh trong công việc”.
Chia sẻ về việc học ngoại ngữ, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) nhắn nhủ: “Bất cứ ngôn ngữ nào cũng mang lại những giá trị riêng. Nhưng quan trọng nhất cần phải học được tiếng Anh để trò chuyện cùng thế giới. Ở rất nhiều ngành nghề, nếu không có tiếng Anh thì các em đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Tiếng Anh không chỉ là cầu nối để thăng hoa trong công việc mà còn là cầu nối để khẳng định chính mình. Đó là cách nhanh nhất để xây dựng được giá trị hành nghề ngoài thái độ và tính kỷ luật”.
Đỗ Yến
Bình luận (0)