Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hiểu biết sai lầm, “Cận thị giả thành thật”

Tạp Chí Giáo Dục

Tại khoa mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương, Thanh Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc với tờ kết quả trên tay kể: ba tháng trước, tôi đưa con gái sáu tuổi đi khám mắt tại một cửa hàng kính thuốc. Sau khi đo mắt xong, một nhân viên tại đây nói con tôi bị cận mắt phải 0,75 độ và mắt trái 2 độ, tư vấn tôi mua kính cho cháu. Từ khi đeo kính, cháu hay kêu mỏi và đòi bỏ ra. Hôm nay, tôi đưa con đến viện Mắt Trung ương khám lại thì được bác sĩ ở đây cho biết trước đây con tôi vốn không bị cận nhưng do đeo kính cận lâu ngày đã bị cận thật (!)
Ảnh: L.H.Thái
Tiến sĩ Vũ Bích Thuỷ, trưởng khoa mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, khi đo kính cho trẻ cận thị, loạn thị thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở khám mắt tư nhân đều bỏ qua công đoạn này vì sợ mất thời gian. Do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra không chính xác. Cha mẹ cũng nên biết “cận thị giả” (độ cận nhẹ) chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc mắt đúng cách là mắt hồi phục.
TS Thuỷ cho biết thêm, để các em đeo kính gọng rộng, trễ xuống mũi mỗi khi nhìn đều phải rướn mắt hay đeo mắt kính áp sát vào mắt… là không đúng kỹ thuật. Một cặp kính thuốc ngoài độ cận, mắt kính phải đúng tâm trục thị giác, khoảng cách từ kính đến mắt là 12mm, độ nghiêng của kính là 12 độ. Tuy nhiên, không phải ở cửa hàng kính tư nhân nào, kỹ thuật cũng viên nắm được những điều cơ bản này.
Bao giờ có chuẩn?
Theo báo cáo tình hình tật khúc xạ ở Việt Nam, điều tra ở các vùng thành thị và nông thôn được công bố đầu tháng 4 cho thấy: TP.HCM, Hà Nội có tỷ lệ tật khúc xạ rất cao. Cận thị ở khu vực thành thị là 27,86%, nông thôn là 17,95% (năm 2008) trong đó, tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh tiểu học là 29,84%, học sinh trung học cơ sở là 49,57%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng, bàn ghế không đủ chuẩn. Yếu tố nguồn nước cũng là một ảnh hưởng, học sinh dùng nước máy có tỷ lệ cận thị cao hơn học sinh dùng nước suối.
Hội Chiếu sáng đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay thiết bị chao chụp nhằm tập trung ánh sáng chỉ chiếm 13% các lớp học trong cả nước, 75% các phòng học không sử dụng đèn chiếu sáng bảng.
Có tới 91% phòng học không đạt độ chuẩn theo tiêu chuẩn Việt Nam, ánh sáng của các phòng học được thiết kế không theo một khuôn mẫu, số lượng và chủng loại bóng đèn không chuẩn, kỹ thuật lắp càng đáng phàn nàn hơn, có khi bóng đèn được đặt trên quạt trần… đó là kết quả khảo sát của một công ty trên 12.008 phòng học phổ thông tại 300 trường.
Được biết, quyết định 1221/2000/QĐ-BYT của bộ Y tế quy định độ rọi sáng trong lớp học 100 lux là quá thấp trong khi theo TCVN 7114: 2002 về chiếu sáng học đường thì độ rọi phải đạt từ 300 – 500 lux.
Thanh Tuyền (theo SGTT)

Bình luận (0)