Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) đã giảng như sau:
“Bắt cá hai tay tức là dùng cả hai tay để bắt một con cá, như kiểu “cầm hai tay” “đưa hai tay”, “bưng hai tay”. Song hiểu như thế thì hành động “bắt cá” ở đây sẽ đạt kết quả một cách khá chắc chắn và không có gì đáng chê. Nhân dân ta đều hiểu thành ngữ này với nghĩa đen là mỗi tay bắt một con cá và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào (…). Từ nghĩa đen cụ thể đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi” hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được gì, “xôi hỏng, bỏng không” hoặc được chắc một thứ nhưng thường bị chê trách là tham lam, khôn ranh” (trang 76-77).
Cả hai cách hiểu mà quyển sách trên đã nêu đều không đúng vì đây không phải là cá trong cá tôm mà là cá trong cá độ. Cá là đánh cuộc và bắt cá là nhận đánh cuộc bằng cách bắt (= chọn) một trong hai đấu thủ (gà chọi, cá chọi, võ sĩ…), một trong hai phe (đội bóng, đội bơi thuyền…) hoặc một trong hai khả năng đối lập nhau (mưa hoặc không mưa trong cá mưa chẳng hạn)… Nếu bên mình bắt mà thắng thì mình sẽ được cuộc, ngược lại thì sẽ thua cuộc. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã ghi nhận như sau: “Bắt cá (…) nhận đánh cuộc: “Ra trường gà bắt cá; bắt cá đá banh”.
Vậy bắt cá hai tay là nhận đánh cuộc bằng cách bắt cả hai bên đối nghịch nhau. Thông thường, người ta chỉ bắt bên mà mình cho là sẽ thắng để được cuộc. Còn bắt cá hai tay là vừa bắt bên này vừa bắt bên kia tùy theo diễn biến của tình thế. Ngày nay, do không còn hiểu đúng nghĩa của từ tổ bắt cá nên người ta mới dùng thành ngữ đang xét theo ý nghĩa và công dụng mà Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ đã nêu.
AN CHI – NLD
Bình luận (0)