Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hiểu… lơ mơ về dạy học tích hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên sư phạm chưa được chú ý đào tạotheo định hướng dạy học tích hợp nên bước vào thực tiễn giảng dạy gặp bỡ ngỡ. Ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trao đổi tài liệu học tập
Giáo viên (GV) phổ thông lâu năm dù đã được tập huấn vẫn lúng túng với dạy học tích hợp. Các GV trẻ mới ra trường thì hoàn toàn… mù mờ. Việc dạy học tích hợp lâu nay chủ yếu phụ thuộc ý thức tự giác và năng lực GV nên hiệu quả chưa cao.
Hội thảo “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015” vừa được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức. Tại đây, nhiều đại biểu thừa nhận các trường sư phạm hiện bỏ ngỏ nội dung đào tạo GV theo định hướng dạy học tích hợp. Đó là lý do, khi bước vào thực tế, các GV trẻ gần như không biết gì về dạy học tích hợp.
Thiếu đào tạo bài bản
Sau khi khảo sát mức độ sẵn sàng của GV THCS các môn lý, hóa, sinh trên địa bàn TP.Đà Nẵng đối với việc triển khai dạy học tích hợp, ThS. Trương Thị Thanh Mai (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) chỉ ra rằng, đa số GV trẻ mới ra trường chưa hiểu biết nhiều về dạy học tích hợp. Theo ThS. Mai, điều này cũng dễ lý giải khi mà trong 5 năm nay, định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng mới chỉ nằm trong giai đoạn từng bước chuẩn bị. Trước đây, các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm không có môn học nào liên quan đến dạy học tích hợp. Ngay cả hiện nay, nhiều trường vẫn không điều chỉnh, bổ sung thêm môn học này vào chương trình đào tạo.
Cũng chính vì vậy mà chỉ chưa đầy 4% người dạy được trang bị kiến thức về dạy học tích hợp tại các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm. Đa phần các GV hiện nay trang bị các kiến thức này chủ yếu qua “kênh” tập huấn, bồi dưỡng GV của bộ, sở… Tuy nhiên, việc tập huấn cũng chưa thực sự thấm tháp. Dẫn chứng của ThS. Mai, chương trình tập huấn của bộ về dạy học tích hợp có thời lượng 5 ngày thì khi GV về phổ biến lại cho GV khác chỉ còn vỏn vẹn 1 ngày. Thời lượng quá ít ỏi khiến GV khó nắm bắt hết.
PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cũng nhìn nhận, trong khi số lượng môn học cấp THCS và THPT nhiều, đội ngũ GV chưa được đào tạo bài bản về dạy học tích hợp, công tác tập huấn, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thì việc dạy học tích hợp chủ yếu chỉ “trông cậy” vào ý thức… tự giác của GV. Đó là lý do hiệu quả chưa cao. Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định, tỷ lệ GV hiểu thấu đáo vấn đề dạy học tích hợp không nhiều. Dù sở cũng đến các trường phổ thông, cụm chuyên môn để phổ biến, tập huấn nhưng rất khó để GV nắm bắt  hết.
Tránh “tích hợp” kiểu… ôm đồm

Giáo viên Trường TH Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong tiết dạy tích hợp kiến thức lịch sử – kỹ năng sống – khoa học xã hội thông qua hoạt động ngoại khóa. Ảnh: N.Trinh
Vì chỉ hiểu về dạy học tích hợp một cách chung chung, chưa rõ ràng nên câu chuyện dạy học tích hợp trong GV vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi. TS. Dương Thị Hồng Hiếu (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu thực tế, việc dạy học tích hợp ở GV hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ “lồng ghép”. GV dạy môn này, gặp kiến thức môn nào khác có liên quan thì đưa vào. Đôi khi GV đưa vào quá nhiều kiến thức của môn khác khiến loãng nội dung môn chính. Trong khi đó theo TS. Hiếu, dạy học tích hợp đúng nghĩa phải chỉ ra được những địa chỉ tích hợp. Điều cần thiết nên chọn lọc các chủ đề tích hợp để tránh “tích hợp” một cách ôm đồm, thấy kiến thức gì liên quan đều đưa vào bài giảng. TS. Hiếu đơn cử, nếu không chọn lọc sẽ dễ gặp phải tình trạng môn văn đã lồng ghép kiến thức các môn sử, địa hay kỹ năng sống nhưng đến khi học môn sử, địa, GV lại tiếp tục đề cập kiến thức đó, gây trùng lắp.
Nhiều GV cho rằng cần được tập huấn, rèn luyện kỹ năng dạy tích hợp cũng như sự hỗ trợ chuyên môn của GV các lĩnh vực khác. Bởi trong số nguyên nhân khiến GV chưa thực sự tự tin dạy học tích hợp có cả lý do không được đào tạo theo định hướng dạy học tích hợp dẫn đến ngại “đụng” kiến thức những mảng khác.
Khâu bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ và GV, theo TS. Phạm Thị Kim Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phải cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng lý luận chung chung hoặc theo kiểu “đi biển mùa hè nghe báo cáo” trong đôi ba buổi. TS. Kim Anh cũng đặt thêm vấn đề, các trường sư phạm cần nhanh chóng thiết kế, sắp xếp lại chương trình đào tạo sinh viên theo định hướng dạy học tích hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quyết định thành công của vấn đề dạy học tích hợp, TS. Nguyễn Anh Dũng (nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT) cho rằng, quan trọng nhất nằm ở GV. Theo TS. Dũng, nước Phần Lan khi đổi mới giáo dục, vấn đề đào tạo GV được đặt ra đầu tiên. Ở nước ta, sách giáo khoa dù hay đến đâu nhưng thiếu đội ngũ GV giỏi thì mục tiêu cũng khó đạt được.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Thụ động bám sách giáo khoa
“Dù đã bước đầu trang bị kiến thức, kỹ năng dạy học tích hợp nhưng 37% GV vẫn còn… hoang mang trước định hướng đổi mới này. Nguyên nhân chủ yếu được các GV cho là chưa có sách giáo khoa cụ thể nên khó hình dung chương trình dạy học. Điều này cho thấy sách giáo khoa vẫn được coi là “chìa khóa vạn năng” của GV trong giảng dạy. GV quá bám sát nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng… do bộ ban hành dẫn đến thụ động và giảm tính sáng tạo” – ThS. Trương Thị Thanh Mai (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng).
 
 

Bình luận (0)