Tòa soạnThư đi – tin lại

Hiểu mình, chọn đúng nghề, thỏa đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tỉnh Long An thỏa mãn với những thông tin chọn trường, chọn nghề tại chương trình tư vấn do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức sáng 15-2.
Ngày 15-2, chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh 2014 “Tiếp bước trường thi” chủ đề “Hiểu đúng mình – chọn đúng nghề – làm đúng đam mê” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã chính thức khởi động tại Long An và Tiền Giang, giải đáp cho học sinh những thông tin quan trọng về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Trong chuỗi đầu tiên này, chương trình phối hợp Sở GD-ĐT và Đài Phát thanh – Truyền hình hai tỉnh Long An, Tiền Giang thực hiện.
Chú ý trường tuyển sinh riêng
Tại chương trình, những điểm mới về dự thảo đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH-CĐ, nổi bật là kết hợp giữa thi “3 chung” với xét tuyển riêng đã nhận được nhiều quan tâm của thí sinh. Trong đó, các em băn khoăn nhất việc liệu có bị “thiệt” quyền xét tuyển bổ sung sau khi dự thi riêng tại những trường dự kiến thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cũng nhận định, thời hạn đăng ký hồ sơ dự thi của thí sinh vào các trường ĐH-CĐ năm nay đang đến gần. Tuy nhiên, với chủ trương tăng cường tự chủ ĐH của Bộ GD-ĐT, các trường đang dự kiến rất nhiều phương án tuyển sinh riêng. Điều này đòi hỏi thí sinh, phụ huynh phải liên tục theo dõi, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin để có những lựa chọn chính xác nhất, tránh nhầm lẫn gây mất cơ hội.
Khác với mọi năm, năm nay thí sinh đã biết “thực tế” hơn trong lựa chọn ngành nghề. Thay vì chỉ “mộng” nhiều vào ngành “kêu”, ngành “hot” như trước đây thì hiện nay vấn đề đầu ra, khả năng kiếm việc của từng nhóm ngành nghề sau khi theo học đã được các em rất chú ý. Khá nhiều học sinh khi được hỏi cho rằng không tự tin theo đuổi ngành nghề mà dự báo sắp tới sẽ giới hạn nhu cầu nhân lực. Học sinh Huỳnh Lê Xuân Thu (lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Long An) đến tham dự chương trình, mong muốn được giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành du lịch. Thu cho biết, em thích ngành du lịch và bên cạnh những lo ngại về khả năng đảm bảo sức khỏe, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trước đông người… thì hai điều em quan tâm nhiều chính là chỗ thực tập và nguồn việc sau khi tốt nghiệp. Thu băn khoăn, sau khi theo học ngành này, nếu không kiếm được việc làm tại địa phương thì cơ hội tìm việc có rộng mở ở các thành phố lớn hay không…
Cũng như Thu, học sinh Hồ Như Ý (lớp 11A7 Trường THPT Lê Quý Đôn, Long An) bày tỏ, em học không đều các môn nên vấn đề chọn ngành nghề cũng hơi thiếu tự tin. Em lo lắng, để chọn được ngành nghề vừa sức nhằm có cơ hội vào ĐH hoặc CĐ lại vừa dễ kiếm việc làm sau khi ra trường là không đơn giản. Dù còn một năm nữa mới bước vào ngưỡng cửa ĐH nhưng sự chuẩn bị kỹ càng theo em là điều hết sức cần thiết.
Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều học sinh cuối cấp tại Tiền Giang. Nhiều em chia sẻ, những áp lực từ vấn đề nhu cầu lao động thực tế đã tác động không nhỏ đến xu hướng chọn ngành nghề của chính bản thân.
Dù vậy, các thành viên Ban tư vấn cũng khuyến cáo, bên cạnh chú trọng yếu tố nhu cầu nhân lực xã hội thì sở thích, khả năng và điều kiện kinh tế cũng là các tiêu chí mà trong lựa chọn ngành nghề thí sinh cần xem xét. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn) đơn cử, nhiều bạn chọn ngành sao cho dễ dàng tìm kiếm cơ hội du học nhưng thực tế không đủ kinh phí theo đuổi. Theo TS. Dao, thí sinh cần biết lượng sức, có thể chú ý lựa chọn những ngành mà lúc ra có thể làm được nhiều lĩnh vực gần hoặc liên quan tới ngành đó.
“Học thật, việc mới thật”

Học sinh tỉnh Tiền Giang trao đổi với Ban tư vấn về việc chọn trường, chọn nghề trong năm 2014
Trước những lo lắng về đầu ra, nguồn việc sau khi tốt nghiệp của thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hà (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM) nhấn mạnh, cơ hội việc làm sẽ thực sự rộng mở nếu người học có khả năng, kiến thức thực sự. Nhưng nếu chỉ học “làng nhàng”, thiếu mục tiêu, kế hoạch rõ ràng thì cơ hội việc làm rất hạn chế đạt được. “Triển vọng lớn, công việc nhiều nhưng chỉ dành cho những ai nỗ lực học thực sự” – PGS. Hà nói.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) định hướng, việc lựa chọn ngành nghề mang tính lâu dài. Để chọn đúng, thí sinh cần xác định khả năng bản thân, ngành nghề mình yêu thích. Muốn làm được điều này, các em cũng nên tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, tìm hiểu thông tin trên nhiều “kênh” khác như internet, chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp… Ông Cường dẫn chứng, các trường tốp trên điểm chuẩn cao hơn 20, những thí sinh đạt sức học thấp hơn nên có lựa chọn khác. Ngoài ra, việc lựa chọn ngành nghề nhất thiết phải cân nhắc điều kiện gia đình, nhu cầu nhân lực địa phương. Cũng theo ông Cường, việc chọn ngành nghề có thể khởi điểm từ nhiều bậc trung cấp, CĐ, không nhất thiết phải ĐH.
Chiều nay (17-2) chương trình tiếp tục được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Ông Nguyễn Thanh Tiệp (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An) đánh giá, sau 5 năm liên tục được tổ chức tại địa phương, chương trìnhtư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh của BáoGiáo dục TP.HCM đã có những cải tiến về nội dung, cách thức thực hiện, thực sự đem lại những thông tin thiết thực, bổ ích làm cơ sở cho học sinh lựa chọn đúng trường, đúng nghề theo đuổi và làm việc trong tương lai.
 

Bình luận (0)