Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hiểu mình để chọn nghề phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh xét tuyển ĐH, CĐ 2018 “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình Đà Nẵng và Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng tổ chức ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vừa qua.

Ban tư vấn chương trình tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Chương trình có sự đồng hành của các trường ĐH tại TP.HCM và Đà Nẵng cùng khoảng 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố tham dự.

Trước thắc mắc của học sinh về vấn đề chọn ngành nghề và việc làm sau khi ra trường, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết: “Các em không nên vội vã mà chọn sai ngành nghề, cần phải có kỹ năng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình. Việc chọn ngành nghề đóng vai trò quan trọng, quyết định đến cơ hội việc làm trong tương lai sau khi ra trường. Để làm được điều đó, các em cần hiểu về bản thân mình, cần có những trải nghiệm để xem mình có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Đà Nẵng là một thành phố du lịch, nếu các em muốn làm hướng dẫn viên du lịch, tại sao không thử dành thời gian để đi trải nghiệm tại các điểm du lịch, thử giao tiếp với du khách xem mình có phù hợp với công việc này hay không trước khi lựa chọn”. Cũng theo ông Nguyên, mỗi học sinh ngoài hiểu về mình còn phải hiểu rõ về nghề. Tiếp đó là tìm hiểu về nhu cầu lao động của thị trường để từ các yếu tố đó dẫn đến việc chọn ngành nghề đúng đắn.

Một học sinh hỏi về các hình thức xét tuyển ĐH năm 2018

Trăn trở làm thế nào để sinh viên ra trường có việc làm, TS. Trần Đình Khôi Quốc (Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng) đã điểm qua các ngành nghề có nhu cầu thị trường lao động lớn như CNTT, kỹ thuật CN ô tô, điện, điện tử… Ông Quốc phân tích: “Hiện ĐH Đà Nẵng đào tạo 120 ngành nghề khác nhau. Với ngành CNTT, điểm đầu vào năm 2017 là 26,25. Quá trình đào tạo ở trường đều có sự tham gia của doanh nghiệp. Việc liên kết với doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình đào tạo là cơ hội cho nhiều sinh viên ra trường tìm được việc làm”. Đặc biệt, nhiều học sinh cho biết rất băn khoăn khi lựa chọn các ngành sư phạm, “bởi những năm qua, một số người có ấn tượng không tốt về những ngành này”. TS. Trần Đình Khôi Quốc cho rằng, thực tế xã hội có những ấn tượng không tốt về các ngành sư phạm. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với tất cả các ngành sư phạm ở các trường đào tạo hệ này. Đơn cử như kỳ tuyển sinh năm 2017, điểm vào ngành sư phạm toán của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là 24,25. Vì vậy, theo ông Quốc, để chuẩn bị cho một mùa tuyển sinh sắp đến gần, với niềm đam mê nghề giáo, các em cần có cái nhìn đúng đắn, phải rèn luyện nhiều hơn để đạt được kết quả tốt nhất, không nên chủ quan khi quyết định chọn các ngành sư phạm.

Tại chương trình, học sinh còn được nghe các chuyên gia giải đáp về hình thức tuyển sinh trong năm nay, những thuận lợi khi xét tuyển theo tổ hợp môn. “Cùng với việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu lao động thị trường, các em cần chú ý trau dồi kiến thức chuyên môn để kết thúc năm học lớp 12 có một kết quả tốt nhất, bước vào một kỳ thi THPT quốc gia thật hiệu quả”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ) nhắn nhủ.
Vĩnh Yên

Bình luận (0)