Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hiểu nghề……mù mờ, vất vả tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại tỉnh Long An trong hai ngày 12 và 13-10.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM) giải đáp thắc mắc cho học sinh Trường THPT Tân An tại phần tư vấn riêng

Hàng ngàn em học sinh của 6 trường: THPT Tân An, THPT Phan Văn Đạt, THPT Nguyễn Thông, THPT Đông Thạnh, THCS-THPT Hậu Thạnh Đông và THCS-THPT Long Cang đã được các chuyên gia hướng dẫn kỹ cách chọn nghề như thế nào, trang bị những kỹ năng gì để phù hợp với thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập… Đồng thời, trước những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017 và các năm tới, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin về việc “học như thế nào để đạt được mục tiêu của mình”.

Thiếu đam mê vì không hiểu nghề

Tại Trường THPT Tân An, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), cho biết: “Nhiều năm qua, các trường ĐH, CĐ đã khảo sát và kết quả cho thấy chỉ có 5% sinh viên hiểu được nghề, 20% hiểu khá… mù mờ, còn lại là không hiểu gì nhưng vẫn lựa chọn theo học. Chính vì không hiểu nghề nên các em không đam mê, thiếu động cơ học tập”.

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cũng nêu lên thực tế: “Gần 70% sinh viên chọn nhầm ngành nghề, ngồi nhầm ghế giảng đường ĐH khiến 32,4% sinh viên muốn thi lại ĐH vào năm sau”.

Nhiều chuyên gia cho rằng do sinh viên thiếu hiểu biết về ngành nghề nên mới dẫn đến nghịch lý là nhân lực Việt Nam dồi dào nhưng không thể cạnh tranh với nhân lực các nước khác. “Nhân lực chúng ta không phải thua các nước khác ở kiến thức, sức khỏe mà là do chưa hiểu biết sâu sắc về giá trị nghề nghiệp. Thiếu hiểu biết nên họ đã thua về kỹ năng, về tác phong công nghiệp, sự nghiêm túc trong nghề”, ông Tuấn khẳng định.

Từ những vấn đề trên, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Muốn thành công trong tương lai, trước hết các em phải xác định mình sẽ học gì, làm gì sau THPT. Để xác định mình nên học gì thì các em phải hiểu nghề và lựa chọn nghề phù hợp”. TS. Mai nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng mà các em  cần tìm hiểu là: thông tin về nghề nghiệp, việc làm, nơi đào tạo…; thông tin về thị trường lao động, năng lực và sở thích của bản thân. Từ đó, các em mới chia sẻ thêm với người thân, bạn bè, thầy cô, làm các bài trắc nghiệm về nghề nghiệp… để biết được mình phù hợp với lĩnh vực nào, nhóm nghề nào”.

Muốn vào ĐH phải cẩn trọng điểm thành phần

Với những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và những năm tiếp theo, nhiều em học sinh băn khoăn “đã lựa chọn nghề được rồi nhưng học như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH”.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có sự thay đổi lớn nhất là các em phải làm 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc và 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Muốn vào ĐH các em phải xác định trước ngành nào mình sẽ theo học, có trường nào tuyển sinh ngành đó và tuyển sinh như thế nào, tổ hợp xét tuyển là gì để lựa chọn”. TS. Mai đưa ra ví dụ: “Chẳng hạn, tổ hợp xét tuyển của ngành các em yêu thích ở một trường ĐH là toán, lý, hóa thì ngoài 3 bài thi bắt buộc, các em chọn thêm bài thi khoa học tự nhiên. Điểm bài thi toán và điểm thành phần lý, hóa các em phải cố gắng đạt điểm càng cao càng tốt, môn còn lại không để rơi vào điểm liệt”.

Hỏi – Đáp

Em Nguyễn Thị Ngọc Quý (lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thông) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

+ Năm nay Bộ GD-ĐT đưa môn giáo dục công dân vào bài thi khoa học xã hội. Vậy hiện có những trường ĐH nào xét tuyển môn này? (Nguyễn Thị Ngọc Quý, lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thông, hỏi)

– TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM) trả lời: Năm 2016 không có trường ĐH nào xét tuyển môn giáo dục công dân. Khi dùng tổ hợp mới để xét tuyển, theo quy định hiện hành, các trường phải xin Bộ GD-ĐT trước 3 năm. Tuy nhiên, với những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 thì không loại trừ một số trường sẽ xin được xét tuyển môn học này.

+ Em không học giỏi môn hóa, liệu em có thể theo ngành dược được không? (Một học sinh Trường THPT Phan Văn Đạt thắc mắc)

– Ông Dương Thanh Văn (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trả lời: Dược học là môn khoa học tự nhiên nghiên cứu về thuốc trên cả hai lĩnh vực chính gồm quá trình nghiên cứu mối liên quan giữa thuốc và cơ thể; cách vận dụng thuốc trong điều trị bệnh. Dược học được phân thành nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất, lưu thông phân phối, đảm bảo chất lượng, quản lý dược, hướng dẫn sử dụng thuốc cho mọi người… Đây là ngành học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau nhưng chủ yếu và cơ bản nhất vẫn là hóa học. Vì vậy, nếu không giỏi hóa học thì ngay từ bây giờ các em phải khắc phục, cải thiện. Hiện có các trường tuyển sinh ngành này như ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y dược Cần Thơ, Học viện Quân y… Riêng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển 2 hệ, sinh viên học 5 năm được cấp bằng dược sĩ ĐH, còn 3 năm thì cấp bằng dược sĩ CĐ.

Đặc biệt, TS. Mai khẳng định: Năm nay học sinh lớp 12 có điểm thuận lợi là nội dung đề thi chủ yếu nằm ở kiến thức lớp 12, nhưng năm 2018 là kiến thức ở lớp 11 và 12, năm tiếp theo là cả 3 lớp. Vì vậy, học sinh lớp 10 và lớp 11 phải có sự lựa chọn ngành nghề từ sớm để lập kế hoạch học tập, nắm chắc kiến thức của chương trình THPT chứ không chỉ tập trung ở lớp 12.

Không chỉ nắm chắc kiến thức, một trong những yếu tố mà học sinh cần trang bị nữa là ngoại ngữ. Vấn đề này học sinh ở các tỉnh khá lo lắng. Em Trần Thị Hồng Yến (lớp 12B1 Trường THPT Tân An) lo lắng: “Em thích ngành kinh doanh quốc tế nhưng tiếng Anh của em không tốt, vậy em có theo đuổi được không?”. Ông Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo – Khảo thí, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết: “Học sinh phổ thông học tiếng Anh rất nhiều nhưng thiên về lý thuyết, ngữ pháp là chính nên giao tiếp rất hạn chế. Điều này khiến các em e ngại khi vào môi trường ĐH. Tuy nhiên, khi vào ĐH, các em có thể khắc phục được nhược điểm này vì trường nào cũng mở các lớp tiếng Anh dành cho sinh viên. Riêng với trường chúng tôi, ngay khi nhập học sinh viên sẽ làm bài test để nhà trường phân lớp tiếng Anh theo trình độ cho các em dễ học hơn”.

Minh Châu

 

 

Bình luận (0)